Mì chính có an toàn cho trẻ?


Ảnh minh họa

Trong hội thảo về glutamate do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, GS.TS. John D. Fernstrom - Đại học Y Pittsburgh của Mỹ, người có kinh nghiệm hơn 30 năm nghiên cứu về glutamate đã có một bài trình bày làm rõ về quá trình chuyển hóa glutamate trong các giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ như sau.

Ở giai đoạn bào thai, nhau thai sử dụng glutamate như nguồn năng lượng chủ yếu và đóng vai trò như một "hàng rào" ngăn sự di chuyển của glutamate từ người mẹ vào bào thai.

Ở giai đoạn trẻ bú mẹ, các nghiên cứu cho thấy khi người mẹ ăn một lượng glutamate lớn thì cũng không làm tăng hàm lượng glutamate trong sữa mẹ. Ở trạng thái tự nhiên, bản thân glutamate đã là một acid amin tự do có hàm lượng lớn nhất trong sữa mẹ.

Ở giai đoạn trẻ cai sữa và ăn thức ăn thông thường, các nghiên cứu cho thấy cơ thể trẻ có khả năng chuyển hóa glutamate tương tự như người lớn. Theo đó, hơn 95% glutamate được hấp thụ hoàn toàn tại ruột, được các tế bào ruột sử dụng để sinh năng lượng. Do vậy, glutamate từ thức ăn không thể di chuyển vào máu và vào não.

Ngoài ra, cơ thể người tồn tại cấu trúc là hàng rào máu-não, là một cấu trúc chặt chẽ ngăn các chất không cần thiết cho hoạt động của não, di chuyển vào não. Nhờ có cấu trúc này nên glutamate cũng không di chuyển vào não.

Như vậy, ở các giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ, glutamate hay bột ngọt an toàn cho sức khỏe của trẻ em. Hiện nay, các tổ chức uy tín trên thế giới không có khuyến cáo về việc sử dụng bột ngọt cho trẻ. Có thể sử dụng bột ngọt để làm bữa ăn của trẻ ngon miệng hơn, qua đó kích thích tiêu hóa. Cần lưu ý bột ngọt chỉ là gia vị, không thể thay thế được các chất đạm (thịt, cá, trứng ….) , đường bột, chất béo, các vitamin và chất khoáng trong khẩu phần ăn, nên cần đảm bảo đầy đủ các thành phần dinh dưỡng theo lời khuyên dinh dưỡng hợp lý khi chế biến thức ăn cho trẻ.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ