Vụ học sinh Ischool Nha Trang ngộ độc: Một học sinh 6 tuổi đã tử vong

Trường Ischool Nha Trang - nơi xảy ra vụ ngộ độc tập thể của học sinh - Ảnh: CAND

Những thói quen cần tránh khi vào bếp

Ngày thi cận kề, đề phòng ngộ độc thực phẩm cho các sỹ tử

Xử lý thế nào khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm?

Ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm khi thời tiết chuyển mùa

600 học sinh bị ngộ độc sau bữa ăn

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, sau khi có yêu cầu khẩn về việc làm rõ vụ ngộ độc tập thể tại trường Ischool Nha Trang, tính đến 11h ngày 20/11, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh tiếp nhận tổng cộng 600 ca. Trong đó, các bệnh viện đã xử lý và điều trị, sau đó cho về nhà theo dõi 240 ca; Tổng số ca nhập viện điều trị nội trú 360 ca, trong số này 93 ca đã được xuất viện, 1 ca tử vong. Trong số 266 ca hiện đang được điều trị nội trú tại các bệnh viện, có 21 ca nặng.

Trước đó, trưa ngày 17/11,Trường Ischool Nha Trang tổ chức bữa ăn trưa cho 880 học sinh được chia làm 2 suất với các món ăn cơm gà+ xốt trứng; Gỏi gà (gà xé + cà rốt + bắp sú + rau răm); Cánh gà chiên; Canh (xương + cà rốt + cải thảo); Dưa leo. Bữa ăn xế lúc 13h30 gồm bánh ngọt paparoti; Uống nước tại hệ thống lọc nước của trường.

Khoảng 5h sau khi ăn, nhiều em xuất hiện các triệu chứng đau bụng, khó chịu, tiêu chảy nhiều lần, đến khoảng 22h00 ngày 17/11 xuất hiện thêm triệu chứng sốt, buồn nôn, nôn. Đến 22h30 phút cùng ngày các em được người nhà đưa đi nhập viện.

Nhiều học sinh đang điều trị tại các bệnh viện vì ngộ độc sau bữa ăn - Ảnh: Phú Khánh/Dân trí

Nhiều học sinh đang điều trị tại các bệnh viện vì ngộ độc sau bữa ăn - Ảnh: Phú Khánh/Dân trí

Một học sinh tử vong

Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, bé trai tử vong 6 tuổi, bố là người nước ngoài, được gia đình đưa vào Bệnh viện 22/12 lúc 1h32 ngày 18/11 trong tình trạng nôn ói nhiều, mệt, đau bụng, hạ kali máu. Tối hôm sau, bệnh nhân mệt, lơ mơ, co giật, tím, ngưng tim, hồi sức có tim rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chẩn đoán khi ấy là sốc nhiễm trùng và ngộ độc thực phẩm.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, da trắng bệch, tụt huyết áp còn 80/60 mmHg, tim nhanh 180 lần/phút, tăng trương lực cơ toàn thân, co giật, khó thở. Bác sĩ phải điều trị an thần, cho thở máy, đồng thời truyền dịch và kháng sinh, vận mạch. Đến sáng 20/11, bé sốt li bì 39 độ, huyết áp và nhịp tim phụ thuộc thuốc vận mạch, dấu hiệu suy đa phủ tạng, phải đặt nội khí quản. Các bác sỹ quyết định chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, song bé mất trên đường chuyển viện.

Sau khi nhận thông tin học sinh tử vong, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND TP.Nha Trang tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bệnh nhân 21 triệu đồng. Ban Giám hiệu nhà trường đã chủ động đến nhà học sinh an ủi, động viên phụ huynh và giúp đỡ gia đình lo các thủ tục cuối cùng cho con. UBND tỉnh cũng đã giao Sở Ngoại vụ phối hợp với Công an tỉnh thực hiện việc xử lý những vấn đề liên quan đến người nước ngoài tử vong trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định hiện hành.

Nhà trường cam kết chịu mọi chi phí điều trị

Chiều 20/11, Trường Ischool Nha Trang và đại diện Tập đoàn Nguyễn Hoàng – TP.HCM (đơn vị chủ quản của trường) tổ chức gặp mặt các phụ huynh. Tại buổi làm việc, ông Phạm Hữu Bình - Hiệu trưởng nhà trường thay mặt nhà trường xin nhận trách nhiệm, xin lỗi và cam kết sẽ cùng phụ huynh tập trung chăm sóc tốt cho các học sinh. Nhà trường sẽ chịu tất cả các chi phí nằm viện đến khi các em học sinh mạnh khỏe trở lại. Trước mắt, nhà trường sẽ tạm dừng học tập một tuần để các học sinh ổn định sức khỏe.

Ông Phạm Hữu Bình - Hiệu trưởng nhà trường thông tin về sự việc và xin nhận trách nhiệm trong vụ ngộ độc tập thể

Ông Phạm Hữu Bình - Hiệu trưởng nhà trường thông tin về sự việc và xin nhận trách nhiệm trong vụ ngộ độc tập thể

Theo Vnexpress, tại cuộc họp, một phụ huynh đánh giá chất lượng trường tốt, song hai tháng gần đây nhận thấy một số vấn đề về thái độ ăn uống của con, nên đã đề nghị giáo viên chủ nhiệm xem lại nguồn thức ăn. Phụ huynh này đề nghị trường không chỉ kiểm tra nguồn thực phẩm mà cả nguồn nước để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân ngộ độc.

Ông Trần Văn Hiển, có con học lớp 9, cho biết thời điểm nhập viện con anh bị nôn, hiện tình trạng đã đỡ nhưng vẫn còn tiêu chảy. Bác sỹ đánh giá nồng độ nhiễm độc cao nhưng hiện nay chưa có phác đồ điều trị. "Nếu ngày mai không ổn, tôi sẽ xin đưa cháu đi TP.HCM điều trị", anh Hiển nói.

Các phụ huynh khác đều tỏ ra sốt ruột vì 4 ngày qua cơ quan chức năng chưa tìm ra nguyên nhân ngộ độc, đồng thời đề nghị ngành y tế phải nhanh chóng mời những bác sỹ đầu ngành về chữa trị cho học sinh.

Trước ý kiến của phụ huynh, ông Phạm Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường Ischool Nha Trang, hứa sẽ liên hệ Tập đoàn Nguyễn Hoàng thuê bác sỹ, chuyên gia y tế đầu ngành về Khánh Hòa để theo dõi, chữa trị cho các cháu. Ngoài ra, Ischool Nha Trang sẽ đề nghị Sở Y tế Khánh Hòa sớm công bố nguyên nhân xảy ra vụ ngộ độc, xây dựng phác đồ điều trị, đồng thời đề nghị Bộ Y tế trợ giúp và phối hợp cùng công an làm rõ nguồn thực phẩm sử dụng hôm 17/11.

Viện Pasteur Nha Trang đang xét nghiệm vi sinh

Trước đó, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm – Sở Y tế đã tổ chức Đoàn điều tra ngộ độc thực phẩm kết hợp với địa phương, Ban Giám hiệu trường học kiểm tra thực tế việc chấp hành các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể tại trường ISchool (do Hộ kinh doanh Bùi Phúc Lam ký hợp đồng với Nhà trường). Kết quả kiểm tra, cơ sở chấp hành các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm.

Đoàn điều tra đã lập biên bản lấy mẫu và niêm phong toàn bộ mẫu thức ăn được lưu tại cơ sở đối với thực đơn bữa ăn trưa, bữa ăn xế ngày 17/11 gửi về Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Hiện đang chờ Viện Pasteur Nha Trang nuôi cấy và phân lập định danh vi khuẩn, xác định nguyên nhân độc tố. Dự kiến đến ngày 23/11 mới có kết quả từ phía Viện Pasteur Nha Trang.

Trước sự việc trên, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu Sở Y tế Khánh Hòa tạm thời đình chỉ hoạt động bếp ăn của trường. Cục yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật khi phát hiện vi phạm. UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc điều tra, sớm làm rõ nguyên nhân.

 
Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội