Ngày thi cận kề, đề phòng ngộ độc thực phẩm cho các sỹ tử

Phụ huynh cần đặc biệt lưu ý đến chế độ ăn uống của sỹ tử trong mùa thi

Những thói quen cần tránh khi vào bếp

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa nóng

Ăn hải sản, ngon nhưng coi chừng mất mạng với đồ lạ

Bảo quản thực phẩm mùa nóng sao cho an toàn?

Những ngày này, học sinh lớp 12 cả nước đang bước vào những ngày cuối ôn tập, chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT (Trung học phổ thông). Tốt nghiệp cấp 3, chạm tay đến cánh cổng trường đại học là ước mơ của nhiều người. Chính vì vậy, đây là kỳ thi rất quan trọng.

Chi tiết thời gian thi tốt nghiệp THPT năm 2022

Chi tiết thời gian thi tốt nghiệp THPT năm 2022

Trong những ngày nước rút của mỗi kỳ thi, nhiều bậc phụ huynh có xu hướng tẩm bổ quá đà cho các sỹ tử. Người thì cho rằng con cần phải ăn nhiều đạm, nhiều chất để học tập tốt. Thế nhưng sai lầm này có thể khiến cơ thể bị thiếu chất xơ, thiếu các loại vitamin nhưng lại thừa chất, thừa năng lượng do bổ sung quá nhiều thịt. Ngoài ra, ăn nhiều thịt, có thể dẫn đến tình trạng bị đầy bụng, khó tiêu, mất cân bằng dinh dưỡng.

Không ít phụ huynh khác lại có quan điểm "ăn gì bổ nấy", "ăn óc bổ óc", nên thường sử dụng óc heo (óc lợn) như một thực phẩm giúp bồi bổ trí não con em mình trong giai đoạn mùa thi. Bằng nhiều cách chế biến khác nhau, một số gia đình cho con ăn nhiều, liên tục trong thời gian dài. Điều này hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học. Việc lạm dụng óc heo như một món ăn bổ não là cách chăm sóc tiêu cực với sức khỏe của các sỹ tử.

Hay một số phụ huynh có xu hướng tìm kiếm các loại thuốc bổ, thực phẩm để tăng cường trí nhớ, khả năng tập trung, khả năng học tập để cho con em mình sử dụng. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ không tốt cho sức khỏe và kết quả học tập.

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, chưa có bất cứ bằng chứng khoa học cũng như công trình nghiên cứu nào chứng minh việc sử dụng một loại thuốc hay một loại thực phẩm chức năng nào giúp các em thông minh hơn hay giúp các em có một kết quả thi tốt hơn. Do đó, phụ huynh không nên quá tin vào các thông tin quảng cáo để rồi lạm dụng.

Bên cạnh đó, vấn đề ngộ độc thực phẩm vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày. Thời điểm thi tốt nghiệp THPT là thời gian của mùa Hè với thời tiết nóng, ẩm tạo điều kiện thuận lợi để thực phẩm, thức ăn bị nhiễm khuẩn, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Đã có rất nhiều trường hợp sỹ tử ăn uống không đảm bảo vệ sinh thực phẩm dẫn tới bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn... làm ảnh hưởng việc ôn luyện và kết quả thi.

Liên quan đến vấn đề phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cho các sỹ tử trong những ngày quan trọng này, ThS.BS. Lê Thị Hải - Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khuyến cáo mọi người cần thực hiện tốt những yêu cầu sau: Trước hết là rửa tay bằng xà phòng, hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi chế biến thức ăn. Đảm bảo nguồn nước và thực phẩm sử dụng là sạch, an toàn. Rửa sạch nồi niêu, bát đĩa và các dụng cụ khác trước khi sử dụng. Không để côn trùng bay vào nơi chế biến và lưu trữ thực phẩm. Không ăn các rau sống và quả mà không gọt vỏ.

Cần nấu kỹ thức ăn, nhất là các loại thực phẩm thịt, cá, trứng, hải sản và các loại thức ăn đã để lâu. Tốt nhất là ăn ngay sau khi nấu, không để thức ăn đã nấu chín quá 2h ở nhiệt độ thường. Nếu thực phẩm đã để lâu cần hâm nóng ít nhất 60 độ trước khi ăn. Trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm cần để riêng thực phẩm sống và thực phẩm đã nấu chín để tránh ô nhiễm chéo giữa các loại thực phẩm. Kiên quyết không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng hoặc không chắc chắn là thực phẩm đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Trong giai đoạn nước rút này phụ huynh cũng nên hạn chế cho con đi ăn hàng, tham gia các bữa liên hoan. Nếu có, nên chọn ăn uống ở những cơ sở có uy tín, hợp vệ sinh nhằm đảm bảo sức khỏe cho các con và cả gia đình. Phụ huynh cần thận trọng trong việc chọn lựa các thực phẩm sạch, không ăn các loại thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe như: Ăn thịt tái, hải sản tươi sống hay chưa chín, các món có trứng nấu chưa chín, các món gỏi...

Để có sức khỏe tốt trong kỳ thi các sỹ tử cần có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học, theo ThS.BS. Lê Thị Hải chia sẻ trên Báo Lao động như sau: Sỹ tử cần có ngủ đủ giấc, đảm bảo ngủ từ 6-8h/ngày, buổi tối nên học bài từ 7h, ngủ trước lúc 23h, sáng dậy sớm lúc 5h học bài (lúc này học rất hiệu quả). Ngủ trưa từ 30 phút - 1 tiếng.

Ngoài ra, các sỹ tử cũng nên hoạt động thể lực bằng các bài tập nhẹ nhàng như đi lại, đồng thời hít thở sâu để tăng lưu lượng máu lên não, giúp não thư giãn, nghỉ ngơi. Thông thường bộ não của chúng ta chỉ có thể tập trung, hoạt động liên tục trong vòng 45 phút, sau đó nó cần được nghỉ ngơi. Do vậy, không phải cứ học liên tục là tốt mà cứ mỗi 45 phút nên nghỉ giải lao khoảng 10 phút, từ đó có thể giúp việc học đạt kết quả cao hơn.

Về vấn đề ăn uống, bác sỹ Hải lưu ý, tuyệt đối các sỹ tử không được bỏ bữa sáng. Không nên ăn đến khi thấy cảm giác quá no ở các bữa ăn chính, chỉ ăn no khoảng 80%. Nếu bữa nào các em cũng ăn quá no, máu sẽ tập trung về dạ dày và ruột để tiêu hóa lượng thức ăn thừa nên sẽ giảm lượng máu lên não dễ dẫn tới buồn ngủ, do đó khả năng tiếp thu bài vở sẽ giảm.

Gần đến ngày thi, các sỹ tử không nên ăn các thức ăn lạ khó tiêu hóa hoặc những loại thức ăn đã từng gây rắc rối đối với bản thân trước đây. Nên tránh ăn thức ăn đường phố đến mức thấp nhất vì rất có thể các em sẽ bị ngộ độc./

 

Trước đó, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố về triển khai công tác y tế phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Trong đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tại các nhà hàng, quán ăn phục vụ thí sinh và người nhà thí sinh; Tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền, phổ biến các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin; Kịp thời điều tra, xử lý các tình huống nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm, sự cố về an toàn thực phẩm.

Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn