Các hoạt động du xuân, xuất hành, đi xa... đều tránh ngày mùng 5
6 điềm lành và 5 điều cần kiêng kỵ ngày Tết
Ngày Tết cần kiêng gì để không mất lộc?
Những món "cấm kỵ" ngày Tết
Ngày mùng 1 Tết nói gì để may mắn cả năm?
Theo phong tục của người xưa, "mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy", còn mùng 4 - 5 - 6 là ngày Tết phụ. Tuy nhiên, riêng mùng 5 thì người ta ở nhà, một phần muốn được nghỉ ngơi để chuẩn bị khởi hành công việc ở ngày tiếp theo, một phần kỵ ra đường vào ngày này.
Dân gian có câu: "Mùng 5, 14, 23 – Đi chơi còn lỗ huống hồ đi buôn". Theo những người am hiểu về tục kiêng kỵ, thì quan niệm trên đã có từ rất lâu.
Những ngày trên là ngày ''con nước'' tức là ngày triều cường, thường sinh ra những dòng hải lưu bất thường gây nguy hiểm cho thuyền bè ở vùng vịnh Bắc Bộ. Theo quan niệm mê tín những ngày này thường đem đến xui xẻo cho mọi người nhất là trong hành trình đi xa, người xưa chủ yếu đi lại bằng đường thủy nên mới có câu nói trên. Xét ở góc độ khoa học, những ngày trên, con người bị tác động mạnh nhất của lực tương hỗ với mặt trăng. Nó làm ảnh hưởng tới sức khỏe, thần kinh dễ làm con người mất tự chủ dễ xảy ra sai lầm trong tính toán, hành động. Đã có nghiên cứu về hiện tượng gia tăng tai nạn, rủi ro vào trung tuần trăng. Và cũng vào những ngày trên chó sói thường tru gọi bầy, chó nhà thường hay ''cắn hóng''.
Kiêng đi xa, cưới hỏi, ma chay... vào ngày mùng 5 -14 - 23
Theo sách lịch của Trung Quốc thì ba ngày mùng 5 – 14 – 23 là ba ngày kỵ trong mỗi tháng nên được gọi là "Ngày nguyệt kỵ".
Ngày này là ngày ở Trung cung (ngôi Trung ương ở Hà Đồ) mà Trung cung lại là ngôi vua và lấy số 5 làm biểu hiệu. Số 9 là cửu cung.
Đếm từ 1 đến 5 thì số 5 nhập vào Trung cung, rồi cộng thêm vào số cửu cung (tức là số 9) nữa thì được 14 cũng nhập vào Trung cung, cộng thêm số 9 nữa thì được 23 cũng lại nhập Trung cung nữa. Như vậy là ba lần đều nhập Trung ương (mùng 5, 14, 23).
Ngôi Huỳnh sát là hung sát ở Trung ương (trung cung), mà Thái Tuế (ngôi vua) lại chồng lên ngôi Huỳnh sát, cho nên kẻ dưới phải tránh người trên. Nếu không tránh mà phạm tới bề trên phải gặp hung lai.
Theo cuốn "Trâu kiết": Các ngày kỵ đó, theo lời kinh dạy, đã do sắc của vua (Trung Quốc) bôi bỏ rồi nên chẳng phải câu nệ. Trái lại, theo sách "Hiệp kỳ" của nhà vua, xét thuyết giải trên cho là có lý nên vẫn để ý (tức là không bôi bỏ).
Nhưng thực tế thì những ngày này không phải là ngày xấu, vì đó là các ngày trong tháng mà nhà vua thường xa giá đi kinh lý hoặc tuần tra khắp hoàng thành. Trong ba lần đi của mỗi tháng thì chu kỳ của mỗi lần đi cách nhau 9 ngày.
Theo tục lệ của người Trung Quốc xưa, người dân không được phép trông thấy mặt vua. Do đó, khi kiệu của vua đi tới đâu thì thần dân đều phải đóng cửa ở trong nhà, không được lén dòm ngó hoặc đi lại ngoài đường. Nếu không tuân lệnh sẽ bị chém đầu.
Vì vậy, dân gian truyền miệng nhau, phải kiêng kỵ ba ngày này để tránh sự xui xẻo gặp lúc vua đi mà gánh lấy tai họa. Rồi lâu ngày thành quen, cùng với sự mê tín nên ba ngày này trở thành ngày xấu phải kiêng kỵ đối với các việc có tính quan trọng (hiếu hỷ, làm ăn, xây nhà, đi xa…).
Hủ tục này của nước Tàu đã truyền sang Việt Nam ta từ thời Bắc thuộc, vua chúa nước ta cũng noi theo như thế, cho nên có chuyện Trạng Quỳnh nước Nam đã dùng nguyên những quả đậu đũa thật dài xào ăn để khi ăn phải ngước mặt lên mới bỏ được trái đậu vào miệng, đó là dịp trông thấy mặt vua.
"Có thờ có thiêng có kiêng có lành", nhiều người nghĩ như vậy và thực hiện theo, kiêng ở một góc độ nào đó nó đã giúp tâm lý con người được vững tâm. Tuy nhiên, việc kiêng kỵ cũng chỉ mang tính chất tương đối. Mọi người có thể có được đức tin song không nên sa đà vào mê tín. Nhiều khi chính sự sa đà sẽ khiến họ vuột mất cơ hội tốt để thăng tiến.
Bình luận của bạn