Theo khảo sát của Hệ thống y tế Cleveland Clinic (Mỹ), nam giới thường né tránh việc đi khám bác sĩ. 72% nam giới tham gia khảo sát thà làm việc nhà, như dọn dẹp phòng tắm hoặc cắt cỏ, hơn là đi khám bác sĩ. Cứ 5 người đàn ông thì có 1 người thừa nhận đã không hoàn toàn trung thực với bác sĩ, với lý do chính là cảm thấy xấu hổ, không muốn nghe lời khuyên về việc thay đổi chế độ ăn uống hoặc lối sống. Chỉ 50% nam giới coi việc khám sức khỏe định kỳ hàng năm là một phần quan trọng trong việc chăm sóc bản thân.
Xu hướng nam giới né tránh việc thăm khám y tế và không coi trọng việc kiểm tra sức khỏe định kỳ không chỉ xảy ra ở Mỹ. Thống kê ở Canada cho thấy, tần suất nam giới thăm khám với bác sĩ gia đình thấp hơn nữ giới 30%. Gần 40% quý ông thừa nhận, họ chỉ đi khám khi nghĩ rằng mình mắc một bệnh lý nghiêm trọng.
Chia sẻ với Tạp chí Sức khỏe+, BSCK II Nguyễn Đình Tuấn - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, theo một số nghiên cứu quốc tế và quan sát cá nhân trong thời gian khám chữa bệnh, một số nguyên nhân sau khiến nam giới ngại đi khám bệnh:
Thứ nhất là do quá bận rộn, nam giới thường là trụ cột gia đình, có nhiều mối quan hệ… do đó quỹ thời gian dành cho cá nhân cơ bản không được nhiều. Đặc thù công việc bận rộn và trách nhiệm với gia đình khiến nhiều người không thể tuân thủ lịch khám chữa bệnh định kỳ.
Thứ hai là tâm lý sợ bệnh. Rất nhiều nam giới, đặc biệt là những người có sử dụng rượu bia, người cao tuổi… thường có tâm lý nghĩ mình có bệnh nên sợ đi khám, phát hiện ra bệnh.
Thứ ba là do tâm lý chủ quan sức khỏe, thường gặp hơn cả ở ở người trẻ. Do sức khỏe không biểu hiện bất thường nên đối tượng này không có thói quen chủ động đi khám sức khỏe.
Còn theo nền tảng Nia Health, nam giới e ngại khám chữa bệnh còn một phần do tâm lý không muốn phụ thuộc. Một vài quan điểm về nam tính truyền thống đặt ra định kiến đàn ông phải là người tự chủ, cứng rắn và mạnh mẽ. Việc chia sẻ nỗi lo âu dễ bị coi là “yếu đuối”, nên không ít nam giới bấm bụng chịu đựng các triệu chứng bất thường chứ nhất quyết không đi khám bệnh. Quan điểm xã hội này khiến nhiều người phải kìm nén cảm xúc và từ chối yêu cầu giúp đỡ, dù là của nhân viên y tế. Với đàn ông, những chuyện ít được chia sẻ với bác sĩ gồm nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường tình dục, suy giảm testosterone, vấn đề về tiết niệu.
Ngoài ra, yếu tố khách quan đến từ rào cản trong hệ thống y tế như thời gian chờ đợi lâu, khó sắp xếp lịch khám và lo ngại về chi phí bổ sung… cũng ngăn cản nam giới tiếp cận chăm sóc y tế kịp thời.
Ở nước nhiệt đới như nước ta, nam giới lao động ngoài trời cũng chịu ảnh hưởng lớn từ thời tiết. Theo khảo sát về tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe của người lao động ngoài trời do Viện Nghiên cứu đời sống xã hội thực hiện, người lao động ngoài trời tại các đô thị lớn dễ gặp các vấn đề về da liễu, hô hấp, sốc nhiệt… do thời tiết thất thường. Tuy nhiên, do không có chế độ bảo hiểm hỗ trợ và áp lực về thu nhập, có đến 2/3 số người được khảo sát vẫn phải tiếp tục làm việc trong điều kiện thời tiết nguy hiểm. Khi mắc bệnh, họ lại tìm đến các giải pháp y tế không chính thống như thuốc nam, mẹo vặt được chia sẻ trên mạng xã hội để tiết kiệm chi phí. Nam giới là lực lượng chiếm tỷ lệ áp đảo trong khảo sát này. Điều này đặt ra nhu cầu cần tầm soát sớm và điều trị các dấu hiệu bệnh nghề nghiệp cho nam giới có công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Trên toàn thế giới, phụ nữ luôn có tuổi thọ cao hơn nam giới. Không thể phủ nhận rằng, thành tựu này một phần đến từ ý thức chăm sóc sức khỏe của phụ nữ: Đi khám bác sĩ thường xuyên hơn, uống ít rượu hơn, hút thuốc lá ít hơn và ăn uống lành mạnh hơn. Theo BS. Tuấn, ở nam giới lại đang hội tụ những thói quen trái ngược như: Lạm dụng rượu bia, hút thuốc, ăn uống kém lành mạnh, ít vận động, cộng thêm ý thức quan tâm đến sức khỏe chưa cao.
Theo chia sẻ của BS. Bradley Gill, chuyên khoa tiết niệu tại Cleveland Clinic, thực tế là phụ nữ làm quen với hệ thống chăm sóc sức khỏe sớm hơn nam giới. Việc khám phụ khoa thường được thực hiện đều đặn, nhiều chị em sinh nở ở độ tuổi 20 đã sớm quen với thăm khám tại bệnh viện. Trong khi đó, trừ khi có triệu chứng đổ bệnh, nam giới thường phải chờ đến ngoài 30-40 tuổi mới thực hiện khám sức khỏe định kỳ.
Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với nam giới, tiếp đó là ung thư. Nam giới e ngại khám bệnh dễ bỏ lỡ cơ hội phát hiện sớm các tình trạng nghiêm trọng trên. Bệnh phát hiện ở giai đoạn nặng giảm hiệu quả điều trị, tăng chi phí y tế, giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống. Những căn bệnh nan y như ung thư, suy gan hay suy thận, nếu phát hiện quá muộn, tiên lượng sống của người bệnh chỉ còn tính bằng tháng. Không khó để bắt gặp thông tin về những nam bệnh nhân chịu đựng cơn đau ngực, khó thở nhiều tuần mới phát hiện bệnh mạch vành; hay đau lưng, sụt cân vài tháng mới biết mình bị ung thư đại tràng.
Tin vui là ngay cả các bệnh mạn tính cũng có thể dự phòng từ sớm nhờ thăm khám và tầm soát định kỳ. Đối tượng có nguy cơ cao như người hút thuốc lá, không tập thể dục, có tiền sử gia đình, tăng huyết áp, mỡ máu cao và đái tháo đường cần chủ động kiểm tra sức khỏe ngay từ tuổi thanh niên.
Bên cạnh đó, nam giới cũng cần lượng sức mình hơn trong các hoạt động hàng ngày, chú ý đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Giữ sức khỏe tốt cũng là cách nam giới thực hiện trách nhiệm với tổ ấm gia đình và chăm lo cho những người thân yêu.
Bình luận của bạn