Ngủ ngáy có nguy hiểm không?

Ngủ ngáy có nguy hiểm không?

60% trẻ em béo phì bị ngưng thở khi ngủ!

Những mẹo nhỏ "tạm biệt" tật ngủ ngáy

Ngủ ngáy làm tăng nguy cơ ung thư gấp 5 lần

Những "thủ phạm" khiến bạn ngủ ngáy

TS. Sanjay Gupta, Trung tâm Y tế Trường Đại học Y Michigan (Hoa Kỳ) trả lời:

Bạn thân mến!

Nhiều người hiện nay vẫn chưa quan tâm đúng mức đến triệu chứng ngủ ngáy, mặc dù nó có thể làm gián đoạn giấc ngủ của chính bản thân người ngáy và gây ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ của những người xung quanh họ.

Dưới góc độ y học, ngáy là một dấu hiệu cho thấy không khí khó lưu thông tại đường thở. Tình trạng này có thể bị gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân, ví dụ sung huyết mũi do cảm lạnh hoặc dị ứng, sưng amidan, sử dụng thuốc ngủ, lạm dụng rượu, có thói quen hút thuốc lá...

Với những trường hợp ngáy ngủ kéo dài trên 1 năm, đó có thể là triệu chứng của một tình trạng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng được gọi là ngưng thở khi ngủ (OSA). OSA là bệnh lý khá phổ biến, xảy ra khi các cơ ở mặt sau của cổ họng bị giãn ra, từ đó làm tắc nghẽn đường thở khi ngủ.

Biểu hiện của chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm: Thở hổn hển, ngáy khi ngủ và ngủ nhiều vào ban ngày. Những người mắc OSA thường không biết được triệu chứng của mình, do đó, người ngủ chung giường đóng một vai trò quan trọng giúp họ phát hiện và điều trị sớm bệnh lý.

Trên thực tế, ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ, việc thiếu ngủ có thể làm giảm oxy trong máu và tác động mạnh tới hệ thống thần kinh theo cách tiêu cực. Đặc biệt, những người bị ngưng thở khi ngủ đã được chứng minh có nguy cơ cao mắc bệnh bệnh tim mạch, phổ biến là tăng huyết áp, đột quỵ, bệnh đái tháo đường và trầm cảm.

May mắn là, ngưng thở khi ngủ có thể được điều trị. Thay đổi lối sống như giảm cân, tập thể dục, bỏ hút thuốc và không uống rượu có thể làm giảm triệu chứng của ngưng thở khi ngủ, thậm chí là triệu chứng sẽ tự mất đi nếu bệnh nhân đang ở dạng nhẹ của OSA. Nằm ngửa, sử dụng thuốc xịt mũi hoặc máy tạo độ ẩm phòng để làm dịu đi tình trạng sung huyết mũi có thể giúp giảm triệu chứng ngủ ngáy liên tục.

Bác sỹ cũng có thể đề nghị sử dụng máy trợ thở CPAP (Continuous Positive Airway Pressure), một chiếc mặt nạ đeo vào ban đêm có tác dụng tạo áp suất không khí giữ cho đường thở được thông và mở rộng hơn. Sử dụng khuôn miệng (molded mouthpiece), có thể giữ hàm, lưỡi được cố định, cũng có thể làm giảm triệu chứng ngáy.

Điều quan trọng, bạn cần đưa chồng đi khám bác sỹ để được hỗ trợ và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp.

Chúc hai vợ chồng bạn luôn khỏe!

TS. Sanjay Gupta tốt nghiệp Tiến sỹ tại Trường Đại học Y Michigan (Hoa Kỳ).

Ông là tác giả của 3 cuốn sách bán chạy nhất viết về y học và sức khỏe là: Chasing Life (2007), Cheating Death (2009) và Monday Mornings (2012).

Hiện ông là Trưởng Ban Chuyên mục Sức khỏe của Tạp chí TIME, Hoa Kỳ.
M. Hiếu H+ (Theo Everyday)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị