Mùa Xuân cũng chính là mùa lễ hội.
Du lịch tâm linh dịp Tết 2025: An Giang
Du lịch tâm linh dịp Tết 2025: Ninh Bình
Đầu năm đi vãn cảnh chùa…
Đầu năm đi vãn cảnh chùa…
Tết Ất Tỵ: “Xách balo lên và đi”
Từ xưa, lễ hội đã trở thành một hoạt động văn hóa cộng đồng không thể thiếu, mang đậm dấu ấn tâm linh và giá trị nhân văn sâu sắc. Hình thức tổ chức lễ hội đa dạng, kết hợp hài hòa giữa nghi lễ truyền thống và các hoạt động vui chơi giải trí, phản ánh sinh động tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng thờ thần và tín ngưỡng phồn thực của người Việt. Ý nghĩa phần lễ trong các lễ hội Xuân vượt xa phạm vi tín ngưỡng đơn thuần. Đó là biểu hiện sinh động của đời sống tinh thần, là nơi con người bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, ghi nhớ công ơn của những người đã có công dựng nước và giữ nước, đồng thời thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn cao đẹp.
Trong những ngày đầu năm nhất là từ mùng một đến ngày Rằm tháng Giêng, có rất nhiều lễ hội đặc sắc được diễn ra trên cả nước, thu hút đông đảo du khách đến tham dự. Tiêu biểu trong số đó là:
1. Lễ hội Đền Bà Chúa Kho
Địa chỉ: Thôn Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh
Được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1989, Đền Bà Chúa Kho tọa lạc trên lưng chừng núi Kho, thuộc thôn Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Ngôi đền cổ kính này, với kiến trúc độc đáo theo kiểu chữ T và những đường nét chạm khắc tinh xảo, đã trở thành điểm đến tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương.
Nằm bên bờ sông Cầu thơ mộng, Đền Bà Chúa Kho không chỉ mang giá trị lịch sử - văn hóa sâu sắc mà còn là nơi gửi gắm niềm tin của nhân dân. Hàng năm, vào các dịp lễ hội, người dân khắp nơi đổ về đây để dâng hương, cầu nguyện, xin lộc. Nghi thức xin lộc đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, thể hiện lòng thành kính của người Việt đối với thần linh. Một nét đặc biệt khác của Đền Bà Chúa Kho là nghi thức “vay vốn” vô cùng độc đáo. Đầu năm, các thương nhân, tiểu thương thường đến đây để “vay vốn” làm ăn, cầu mong một năm mới buôn may bán đắt, phát tài phát lộc. Cuối năm, họ lại quay trở lại để “trả lễ”, thể hiện lòng biết ơn đối với sự phù hộ của Bà Chúa Kho. Nghi thức này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn phản ánh nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt.
2. Lễ hội chùa Keo
Địa chỉ: Xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình
Hằng năm, cứ vào ngày mùng 4 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 1/2/2025), tại di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo, chính quyền địa phương đều long trọng tổ chức lễ hội mùa xuân. Sự kiện này thu hút đông đảo du khách thập phương đến chiêm bái, lễ Phật Thánh và thưởng ngoạn cảnh quan.
Du khách đến với lễ hội chùa Keo đều cảm thấy thích thú khi biết rằng, tại đây mỗi năm diễn ra hai kỳ lễ hội, bao gồm lễ hội chùa Keo mùa xuân và lễ hội chùa Keo mùa thu. Mặc dù thời gian tổ chức khác nhau, song cả hai đều mang trong mình tinh thần hướng về nguồn cội, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, và mọi nhà đều có một năm mới an khang, sung túc.
3. Lễ hội Yên Tử
Địa chỉ: Thôn nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Bắt đầu từ mùng 10 tháng Giêng đến hết tháng ba âm lịch, lễ hội Yên Tử đã trở thành một trong những sự kiện văn hóa tâm linh lớn nhất của Việt Nam. Trước khi chính thức khai mạc sẽ diễn ra một nghi thức quan trọng được tổ chức tại chùa Trình - Lễ mở cửa rừng Yên Tử. Đây được coi là lời cầu xin sự che chở của thần linh, mong muốn một mùa lễ hội diễn ra an lành, thành công. Theo đó, các vị sư cùng nhân dân địa phương thành kính dâng hương, tụng kinh, gửi gắm những nguyện ước tốt đẹp.
Vào ngày mùng 10, lễ khai hội chính thức diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử. Trong không khí trang nghiêm, các nghi thức Phật giáo được thực hiện, nổi bật là lễ cầu quốc thái dân an. Một trong những nghi thức đặc biệt đó là đóng dấu thiêng trên ấn Yên Tử, thể hiện sự thành kính và lòng biết ơn của người dân. Với ý nghĩa tâm linh sâu sắc và những hoạt động văn hóa đa dạng, lễ hội Yên Tử không chỉ thu hút đông đảo Phật tử mà còn là điểm đến của du khách thập phương. Họ đến đây để cầu bình an, sức khỏe, tìm kiếm sự thanh thản trong tâm hồn và khám phá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
4. Lễ hội Lim
Địa chỉ: Lễ hội thường được tổ chức tại 3 địa bàn xã Nội Duệ, xã liên Bão và thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Lễ hội Lim đã trở thành một nghi thức văn hóa không thể thiếu của vùng Kinh Bắc, thường được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 9 đến 14 tháng Giêng âm lịch. Tâm điểm của lễ hội diễn ra vào buổi sáng ngày 13, khi các nghi lễ chính thức được tiến hành.
Mở đầu lễ hội là một nghi thức rước trang nghiêm, với đoàn rước gồm những người tham gia tổ chức lễ trong trang phục cổ truyền, thể hiện sự tôn kính đối với các vị thần linh và tổ tiên. Trong ngày chính hội, các nghi lễ tế lễ thành kính được cử hành tại các di tích lịch sử như đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy. Đồng thời, lễ dâng hương cũng được tổ chức tại chùa Hồng, thể hiện lòng thành đối với Phật pháp và các vị nữ thần. Bên cạnh phần lễ trang trọng, hội Lim còn mang đậm nét văn hóa dân gian với các trò chơi truyền thống như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm... Đặc biệt, không thể không nhắc đến những làn điệu quan họ mượt mà, đằm thắm, một nét đặc trưng văn hóa chỉ có ở Bắc Ninh.
5. Lễ hội Khai ấn đền Trần
Địa chỉ: Đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.
Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Ất Tỵ năm 2025 được tổ chức từ ngày 8 đến ngày 13 tháng 2 (tức ngày 11 đến 16 tháng Giêng). Các hoạt động chính gồm: Lễ rước Kiệu Ngọc Lộ, lễ rước Nước và tế Cá, nghi thức dâng hương, nghi lễ Khai Ấn.
Đặc biệt, năm nay Ban Tổ chức sẽ tiến hành phát trực tiếp nghi lễ Khai Ấn trên màn hình lớn để người dân không vào bên trong khu vực làm lễ có thể theo dõi. Theo đó, từ 5 giờ sáng ngày 12/2 (15 tháng Giêng), ấn sẽ được phát cho nhân dân và du khách tại 3 điểm: Nhà Giải vũ, Nhà Trưng bày và đền Trùng Hoa thuộc khi di tích. Trong suốt những ngày diễn ra lễ hội, không gian Khu di tích Đền Trần và Quảng trường Đông A sẽ trở nên sôi động với một loạt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, du khách còn có cơ hội hòa mình vào những màn biểu diễn múa lân sư rồng uyển chuyển, những cuộc tranh tài trí tuệ ở trò chơi cờ người, những trận chọi gà gay cấn. Song song đó, các hoạt động trưng bày, triển lãm như sinh vật cảnh, ảnh “Thành Nam những mốc son lịch sử” và ảnh đẹp du lịch Nam Định sẽ giúp du khách hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa và con người Nam Định.
6. Lễ hội Cổ Loa
Địa chỉ: Xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội
Cứ vào dịp Tết Nguyên Đán hằng năm, người dân Bát xã (Đài Bi, Sàn Dã, Cầu Cả, Mạch Tràng, Văn Thượng, Thư Cưu, Cổ Loa, Xép) lại tưng bừng chuẩn bị cho Lễ hội đền Cổ Loa để tưởng nhớ vua An Dương Vương. Lễ hội diễn ra từ mùng 6 đến hết ngày 18 tháng Giêng tại huyện Đông Anh, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 17km.
Sáng sớm mùng 6, đoàn người trong trang phục lễ hội chỉnh tề, với cờ, quạt, tàn, lọng, kiệu... do chủ tế dẫn đầu, sẽ rước văn tế từ nhà ông diễn văn ra đền. Lễ rước diễn ra trang nghiêm và lộng lẫy trên khắp các đường phố, với cờ xí, kiệu rước và sắc đỏ rực rỡ. Khi đến đầu làng Cổ Loa, đoàn rước được người dân ra nghênh đón và đưa vào đền Thượng. Tại đền, ngựa hồng, ngựa bạch bằng gỗ được đặt hai bên, cùng cờ, quạt và vũ khí thờ cúng được bài trí dọc lối đi. Trước hương án, cung tên, kiếm, nỏ và chiếu trải sẵn sàng cho lễ cúng. Nhạc phường bát âm vang lên trong suốt quá trình tế lễ. Sau khi kết thúc, người dân có thể vào làm lễ. Ngoài phần lễ trang nghiêm, Lễ hội đền Cổ Loa còn có phần hội với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, thu hút đông đảo du khách đến tham gia và khám phá.
7. Lễ hội đền Mẫu Đồng Đăng
Địa chỉ: thị trấn Cao Lộc, huyện Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn
Tọa lạc tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, đền Mẫu Đồng Đăng là nơi diễn ra lễ hội truyền thống vào ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm. Đây là dịp để người dân và du khách thập phương thể hiện lòng thành kính, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, an khang thịnh vượng. Bên cạnh phần lễ là các hoạt động tín ngưỡng, phần hội còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như múa sư tử, võ dân tộc, thi đấu thể thao truyền thống...
Lễ hội không chỉ thu hút người dân địa phương mà còn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là du khách Trung Quốc. Hàng năm, cứ đến dịp lễ hội, hàng vạn lượt khách lại đổ về đây để tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống, thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương.
Bình luận của bạn