Độc đáo phong tục đón Tết của các dân tộc Việt Nam

Tết của đồng bào các dân tộc ở Việt Nam luôn đậm sắc màu và đầy sức cuốn hút

Năm Tân Sửu nên xin chữ gì cho may mắn, tài lộc?

Trà ngon: Món quà ý nghĩa dành cho ngày Tết

Những điểm đáng lưu ý nhất về thời tiết Tết Nguyên đán 2021

Cách tỉa hoa trang trí mâm cơm ngày Tết

Đặc sắc tục gọi hồn của người Thái

Mặc dù cùng là Tết Nguyên đán nhưng dân tộc Thái lại có cả một mùa lễ hội kéo dài từ ngày 25 tháng Chạp cho đến mùng 10 tháng Giêng. Nhắc đến phong tục ngày Tết dân tộc Thái, không thể không nhắc đến phong tục gọi hồn. Diễn ra vào tối ngày 29 và 30 Tết, mỗi gia đình thịt 2 con gà, một để cúng tổ tiên, một là để gọi hồn cho mọi người trong nhà.

Để gọi hồn, thầy cúng lấy một cái áo của mỗi người trong gia đình, bó một đầu lại với nhau rồi vắt lên vai mình. Với bó áo trên vai, thầy cúng cầm một cây củi đang cháy đi ra đầu làng gọi hồn hai ba lần, sau đó quay về nhà, đến chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Xong việc, thầy cúng đích thân buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà, sợi chỉ đó phải để tự đứt, nếu dứt đứt thì chủ nhân dễ bị ốm.

Cũng vào đêm ngày 30 Tết, sau lễ cúng Giao thừa bằng thịt, bánh, bạc... các gia đình thường tổ chức gõ chiêng hay cồng để cầu may mắn.

Tết Cao Lan ngập tràn sắc đỏ

Tết Nguyên đán được đồng bào dân tộc Cao Lan chuẩn bị rất chu đáo. Sau một năm làm việc vất vả, đây là dịp cho mọi người nghỉ ngơi, vui chơi, thăm hỏi và chúc tụng nhau những điều tốt lành. Các gia đình tụ họp đông đủ bên bếp lửa hồng, cùng nhau chuyện trò, bàn bạc và đánh giá thành quả của gia đình trong năm qua, đồng thời bàn cách làm ăn trong năm tới. Thời gian ăn Tết của người Cao Lan kéo dài từ 27-28 tháng Chạp đến rằm tháng Giêng (Âm lịch).

Những người phụ nữ Cao Lan làm bánh vắt vai ngày cận Tết

Công việc đầu tiên để chuẩn bị cho việc đón năm mới của đồng bào dân tộc Cao Lan là tục dán giấy đỏ (tiếng Cao Lan là Chí Dịt) trong nhà. Theo quan niệm của người dân nơi đây, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng là bắt đầu cho một năm mới với mong muốn an khang, thịnh vượng. Khoảng 28, 29 tháng Chạp, mỗi gia đình Cao Lan sẽ "niêm phong" cho tất cả những gì thuộc về gia đình. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được dán giấy đỏ để các vật này được "nghỉ Tết". Toàn bộ ngôi nhà bỗng nhiên nhuộm sắc đỏ rực rỡ. 

Cũng theo phong tục dân tộc Cao Lan, ngày mùng 1 sẽ đi thăm họ hàng, mùng 2 là làng xóm. Món ăn đặc trưng trong ngày Tết là bánh vắt vai (bên cạnh bánh chưng, bánh rán, bánh khảo như các dân tộc khác). 

Tết nhảy của người Dao

Người dân tộc Dao có quan niệm rằng: Những ngày đầu năm không được làm việc mà chỉ để dành vui chơi, thăm viếng và chúc tụng nhau.

Lý do gọi là Tết nhảy của người dân tộc Dao là bởi cứ mỗi dịp Tết đến như thế này, Tết nhảy sẽ được tổ chức để rèn luyện sức khỏe cũng như võ nghệ. Những thanh niên trai tráng hay các cô gái thiếu nữ đôi mươi đều phải tập những điệu múa, điệu nhảy để nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng trống, tiếng thanh la. Tết nhảy của đồng bào dân tộc Dao sẽ được diễn ra trước Tết Nguyên đán khoảng vài ba hôm.

Tết của dân tộc Mường

Người dân tộc Mường ăn Tết cổ truyền kéo dài 7 (thực chất là 8) ngày, bắt đầu từ ngày 30 tháng chạp của năm cũ đến hết ngày mồng 7 tháng giêng của năm mới. Tết Nguyên đán đối với đồng bào dân tộc Mường ở Sơn La là một trong những lễ hội vô cùng lớn và quan trọng nhất trong năm. Mỗi gia đình đều chuẩn bị những mâm cơm cúng đầy đủ, thịnh soạn để cúng tổ tiên và thánh thần.

Tết là dịp lễ hội lớn nhất trong năm đối với người dân tộc Mường

Bữa cơm ngày Tết của người dân tộc Mường cũng vô cùng phong phú như các món ớt, nộm thịt, thủ lợn, các loại rau đắng, măng đắng... Trước khi ăn cơm thì con cháu trong nhà đều phải xếp hàng kính lạy cha mẹ, ông bà. Người già cũng chúc cho con cháu mạnh khỏe, học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn nghe lời, sau đó mọi người bắt đầu mời rượu nhau và ăn dần các món ăn. Đặc biệt, ngày Tết cũng là ngày mà những câu hát, những lời mời, lời chúc luôn được bật lên ở bất cứ đâu, càng làm cho không khí Tết thêm đầm ấm và vui vẻ.

Tết của dân tộc Nùng

Làm phong phú hơn cho bức tranh phong tục đón Tết của các dân tộc miền núi thì không thể thiếu cách đón Tết độc đáo của đồng bào dân tộc Nùng. Bắt đầu từ những ngày 28, 29 Tết mọi người bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa, cọ rửa nông cụ, dán giấy đỏ, treo câu đối Nôm Nùng... Đặc biệt là những trò chơi ngày Tết vô cùng thú vị như: Hát đối đáp, đánh võ cổ truyền, đánh gậy, múa sư tử, ném còn, đá cầu...

Đêm 30 Tết trên mâm cỗ cúng tổ tiên của đồng bào này luôn phải đầy đủ các món ăn và đặc biệt không thể thiếu món thịt gà sống thiến, khác hẳn với mâm cơm ngày Tết của các miền khác. Sáng mùng 1 Tết, người con rể phải đi lễ bố mẹ vợ một đôi gà sống thiến để tỏ lòng kính trọng. Trong bữa cơm ngày Tết của đồng bào người Nùng không thể thiếu được món bánh khảo và xôi ngũ sắc.

Phạm Quỳnh H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa