Những hoạt động ý nghĩa trong mùa Phật Đản 2022

Hoạt động thả hoa đăng mừng Đại lễ Phật đản

Ngày Phật Đản, người con Phật nên làm gì?

2 món chay ngon cho ngày Phật Đản

Lưu ý khi nấu món chay ngày Lễ Phật đản

Gợi ý mâm cơm chay cho ngày lễ Phật Đản

Đại lễ Phật đản là ngày lễ trọng đại của Phật giáo, được tổ chức hàng năm vào ngày Rằm tháng Tư âm lịch để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.

Vào ngày này hàng năm, Phật tử thường vinh danh Tam bảo qua các hình thức như dâng cúng, thả đèn hoa đăng, nghi thức tắm Phật, thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới. Một số truyền thống tốt đẹp khác gồm bố thí và làm việc thiện, giúp đỡ những người yếu thế trong cộng đồng. Bạn có thể tham gia hưởng ứng đại lễ bằng những việc làm thiết thực như đến một số ngôi chùa địa phương để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh.

Đức Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã công bố thông điệp Đại lễ Phật đản năm nay là ý thức về đạo đức cá nhân trong xã hội.

Một số hoạt động ý nghĩa trong ngày Lễ Phật đản 2022

Thăm các thắng tích Phật giáo

1. Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc (Hà Nam)

Khu du lịch Tam Chúc tỉnh Hà Nam - Ảnh: Báo Nhân Dân

Khu du lịch Tam Chúc tỉnh Hà Nam - Ảnh: Báo Nhân Dân

Tam Chúc là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km. Chào mừng Đại lễ Phật đản, từ 14h đến 23h ngày 15/5/2022 (tức rằm tháng Tư âm lịch), Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc sẽ miễn phí toàn bộ du thuyền và các phương tiện vận chuyển tham quan như xe điện để hỗ trợ du khách.

Tại sự kiện năm nay, Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc cùng Chùa Tam Chúc cũng phục vụ 10.000 suất ăn chay miễn phí, hoa đăng cho du khách và Phật tử thập phương tới dự lễ.

2. Đại lễ Phật đản tại Huế

7 đóa sen trên sông Hương được thắp sáng chào mừng Đại lễ Phật đản - Ảnh: Báo Thừa Thiên - Huế

7 đóa sen trên sông Hương được thắp sáng chào mừng Đại lễ Phật đản - Ảnh: Báo Thừa Thiên - Huế

Tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2566 trong 8 ngày (từ 8 - 15/5). Lễ hội năm nay gồm nhiều hoạt động trải khắp các địa điểm Nghinh Lương Đình, Liễu Quán, Quốc tự Diệu Đế, Tổ đình Từ Đàm... với các chương trình chính như: Triển lãm văn hóa Phật giáo, ẩm thực chay, diễu hành xe hoa, lễ Mộc dục, lễ rước Phật…

3. Việt Nam Quốc Tự (TP.HCM)

Lễ đài Phật đản trung tâm của TP.HCM sẽ đặt tại Việt Nam Quốc Tự, chính thức được cử hành vào lúc 6 giờ sáng ngày Rằm tháng Tư âm lịch (tức 15/5/2022). Mỗi buổi tối, Việt Nam Quốc Tự cũng có các buổi thuyết pháp tại hội trường lớn.

Ăn chay

 

Chuẩn bị cho Đại lễ Phật Đản vào ngày Rằm tháng Tư Âm lịch, nhiều gia đình sẽ nấu những bữa cơm chay để cho tâm hồn nhẹ nhõm và thanh tịnh. Khi chế biến mâm cỗ chay với số lượng lớn, các gia đình cần đảm bảo vệ sinh thực phẩm từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, chế biến đến bảo quản để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Bạn có thể tham khảo mâm cơm chay dinh dưỡng tại đây.

Nếu không có điều kiện nấu cơm chay tại nhà, bạn có thể thử trải nghiệm nhà hàng cơm chay và buffet chay. Không chỉ người theo đạo Phật mà nhiều bạn trẻ cũng yêu thích món chay lành mạnh và ngon miệng. Tại Hà Nội, thực khách có thể ghé thăm một số quán buffet chay nổi tiếng như: Vegito, Veggie Castle, Peace Vegan (Chay Tâm An)... Một số nhà hàng chỉ mở cửa trong khung giờ nhất định, bạn nên kiểm tra giờ phục vụ trước khi tới.

 

Ngày Phật đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật. Trước đây, các nước Đông Á thường tổ chức Đại lễ Phật đản vào ngày 8/4 Âm lịch. Tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên vào năm 1950, 26 nước thành viên đã thống nhất lấy Ngày Phật đản quốc tế vào Rằm tháng Tư âm lịch hàng năm.

Từ năm 1999, ngày lễ Phật đản 15/4 Âm lịch đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (Lễ Phật đản sinh, Lễ Phật thành đạo và Lễ Phật nhập Niết bàn).

Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa