Phòng cảm cúm trong mùa mưa rào nắng gắt


Sự nguy hiểm của cúm

Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, thời thiết mùa hè thường khô, nóng, hạn hán làm cạn kiệt các nguồn nước, tạo điều kiện cho nhiều loại vi trùng, ký sinh trùng phát triển nhanh. Trong khi đó thời tiết nóng nực làm con người ăn, ngủ kém, ra nhiều mồ hôi làm mất nước, sự thải thân nhiệt khó khăn làm suy giảm sức đề kháng cơ thể. Do vậy, đây là thời điểm dễ nhiễm nhiều loại bệnh nhất, đặc biệt là nhiễm cúm.

Cúm là một dạng suy hô hấp cấp tính do virus cúm mùa hay cúm gia cầm gây ra. Cúm thường có những triệu chứng như sốt cao, nhức đầu dữ dội, đau mỏi, suy kiệt cơ thể. Cúm có thể kéo dài nhiều ngày, có khi dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi suy hô hấp cấp gây tử vong trong thời gian ngắn, nhất là cúm do các chủng virus A/H5N1, H7N9 gây nên.

Virus cúm có tính chất dễ biến đổi nên mỗi năm thường xuất hiện các chủng virus cúm mới, thoát khỏi hệ thống miễn dịch của cơ thể. Do đó, việc phòng bệnh và chữa bệnh trở nên khó khăn, tỷ lệ tử vong cũng cao hơn. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay và diễn biến khó lường của các chủng virus cúm, việc “phòng bệnh từ xa” là biện pháp hết sức cần thiết.

Bốn biện pháp phòng cúm

Theo BS Phạm Mai Đằng, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM, để phòng chống cúm, mọi người cần thực hiện những biện pháp sau:

1. Tiêm vaccine phòng cúm:

Chủ động tiêm vaccine phòng cúm, nhất là với trẻ em, người già, người có bệnh mãn tính, người dễ tiếp xúc với nguồn bệnh (sống ở nơi đông đúc, trong vùng có dịch và đang chăm sóc người bệnh).

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần chủ động phòng chống bệnh cúm A/H7N9 và H5N1 ở người bằng các biện pháp: Thường xuyên rửa tay với xà phòng; Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh; Không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương.

2. Nâng sức đề kháng của cơ thể:

Chế độ ăn uống phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa cần tăng cường các loại rau xanh, trái cây giàu vitamin C, sữa chua. Uống đủ nước, người lớn ít nhất hơn 2 lít/ngày, trẻ em ngoài sữa nên bổ sung thêm nước cam vắt, nước chanh. Hạn chế sử dụng các loại nước đóng chai, nhất là loại nước có gas.

3. Đảm bảo không khí thoáng mát, sạch sẽ trong nhà:

Dọn nhà cửa thông thoáng để làm giảm độ nóng và thanh thải mầm bệnh trong không khí. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ quạt, máy điều hòa nhiệt độ. Những lúc trời mát nên mở cửa phòng, bật quạt cho thoáng. Không nên quá lạm dụng điều hòa, đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ. Vì điều hòa có thể khiến niêm mạc mũi của trẻ bị khô, niêm mạc mũi của trẻ lại rất nhạy cảm nên rất dễ bị các loại virus cúm xâm nhập. Do vậy cần lưu ý duy trì độ ẩm trong nhà ở 60%. Ngoài ra, không khí bẩn sẽ kích thích niêm mạc, điều này gây ra do việc sử dụng máy điều hòa nhiệt độ thường xuyên. Mỗi ngày ít nhất một lần cửa sổ phải được mở từ 30 phút đến 1 tiếng để lưu thông không khí.

4. Vận động, hít thở không khí ngoài trời vào sáng sớm và buổi tối:

Đi bộ, tập thể dục vào buổi sáng sớm rất tốt cho cơ thể. Đối với trẻ em, bố mẹ nên cho trẻ đi ngủ sớm, sáng dậy sớm để trẻ có thể được hít thở không khí trong lành vào khoảng thời gian này. Sáng sớm với nắng nhẹ hoặc buổi chiều ít gió, bố mẹ nên cho trẻ ra ngoài trời để hít thở. Không khí trong lành và những hoạt động ngoài trời sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng với môi trường bên ngoài hơn. Tuy nhiên hạn chế tụ tập nơi công cộng, đặc biệt là với trẻ nhỏ để tránh lây nhiễm cúm.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn