Phòng khám có “bác sĩ” Trung Quốc: Ngang nhiên hoạt động không phép!

Nhiều phòng khám có người Trung Quốc bị tố hành nghề khám, chữa bệnh kiểu lừa đảo.

Tử vi 12 cung hoàng đạo Chủ nhật (12/3/2017)

Thời tiết 10 ngày giữa tháng 3 như thế nào?

Đổi bữa với món cơm cuộn trứng và thịt xông khói

Tạm ngừng nhập gà Mỹ vì cúm gia cầm độc lực cao

Một phòng khám có “bác sĩ” Trung Quốc (TQ) không có giấy phép hoạt động vẫn ngang nhiên nhận người bệnh đến khám chữa bệnh, thách thức dư luận. Chỉ khi người bệnh tố cáo thì Sở Y tế TP.HCM... mới biết!

Mất 29 triệu đồng và mang thêm bệnh!

Anh N.V.K. (29 tuổi, Q.6, TP.HCM) là nạn nhân của phòng khám đa khoa Baylor (202 Tô Hiến Thành, P.15, Q.10, TP.HCM, thuộc Công ty TNHH đầu tư y tế Quốc tế Đông Á). Phòng khám không có giấy phép hoạt động của Sở Y tế TP.HCM cấp, nhưng vẫn hoạt động, quảng cáo rùm beng trên mạng (cho đến ngày 9-2-2017 bị Sở Y tế kiểm tra mới chấm dứt hoạt động và quảng cáo - PV).

Đơn kêu cứu của anh K. cho biết anh bị đi tiêu ra máu mỗi tháng khoảng một lần. Anh lên mạng tìm hiểu, thấy phòng khám Baylor quảng cáo chữa bệnh liên quan đến biểu hiện bệnh của anh.

Ngày 16-1 anh đã đến phòng khám Baylor khám bệnh. Một người đàn ông mặc áo blouse trắng không đeo bảng tên, nói tiếng TQ khám bệnh cho anh. Người TQ dùng đèn soi ngoài hậu môn rồi chẩn đoán anh bị trĩ và phải chữa ngay với giá 27 triệu đồng.

Anh K. không đủ tiền thì phiên dịch nói anh có bao nhiêu cứ đóng trước, còn lại ghi phiếu nợ và giữ CMND của anh. Thấy anh chần chừ thì họ cho giảm 30%. Anh K. đồng ý, nộp trước 9 triệu đồng, viết phiếu nợ gần 8,3 triệu đồng.

Nhân viên phòng khám cho anh K. truyền ba chai thuốc nhưng hóa đơn thu tiền ghi sáu chai. Sau một tiếng rưỡi truyền dịch, anh K. được “bác sĩ” TQ gây tê và cắt trĩ.

Làm được khoảng 30 phút, phiên dịch nói hậu môn của anh bé quá không thể cắt trĩ được phải đóng thêm 6 triệu để làm giãn hậu môn. Anh K. phải chấp nhận để mổ. Mổ xong, anh K. phải đóng thêm 7.880.000 đồng chứ không phải 6 triệu đồng. Khi anh thắc mắc thì được trả lời là thu thêm tiền trị liệu hồng quang.

Từ ngày 17 đến 21-1 nhân viên phòng khám liên tục kêu anh lên tái khám và ngày nào anh cũng phải đóng thêm hơn 2,2 triệu đồng. Ngày 22-1 phòng khám tiếp tục kêu lên tái khám thì anh không đi nữa vì... hết tiền.

Tổng cộng, chỉ sáu ngày điều trị tại phòng khám Baylor, anh K. phải đóng hơn 29 triệu đồng.

Vì cần hồ sơ để nộp bảo hiểm, ngày 23-1 anh K. yêu cầu phòng khám xuất hóa đơn, các giấy tờ liên quan thì phòng khám không có hóa đơn đỏ.

Khi anh K. yêu cầu phải cung cấp hóa đơn đỏ, bản photo giấy phép hoạt động của phòng khám, danh mục kỹ thuật của phòng khám, chứng chỉ hành nghề của người đàn ông nói tiếng TQ... thì được nhân viên phòng khám trả lời là những người có quyền giữ hồ sơ của anh K. đã về nước hết rồi!

Dù “bác sĩ” TQ khẳng định phẫu thuật cắt trĩ là hết bệnh đi tiêu ra máu nhưng ngày 9-3, anh K. cho biết tình trạng bệnh của anh chưa giảm, vẫn ra máu.

Anh đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, bác sĩ chẩn đoán anh bị loét ống hậu môn sau chích trĩ...

Phạt 120 triệu đồng

Từ đơn kêu cứu của anh K., ngày 9-2, thanh tra Sở Y tế TP đến phòng khám Baylor này kiểm tra, ghi nhận có ba người bệnh đang được một số bác sĩ điều trị tại phòng khám. Trong đó có một người TQ đang nội soi âm đạo một phụ nữ 22 tuổi.

Phòng khám chưa xuất trình được chứng chỉ hành nghề, bằng cấp chuyên môn của các bác sĩ khám bệnh tại phòng khám, hồ sơ điều trị bệnh nhân.

Đoàn đã yêu cầu phòng khám ngưng ngay hoạt động khám chữa bệnh, che chắn bảng hiệu, ngưng ngay hoạt động nhà thuốc khi chưa có giấy phép hoạt động...

Theo thanh tra Sở Y tế, việc xử lý và lập biên bản vi phạm hành chính đối với phòng khám Baylor rất vất vả vì không nhận được sự hợp tác đầy đủ của phòng khám khiến thời gian xử lý kéo dài. Đến ngày 20-2 mới lập được biên bản vi phạm hành chính của phòng khám này.

Với những vi phạm nghiêm trọng của phòng khám Baylor, ngày 6-3 Sở Y tế TP đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM đề xuất phạt 120 triệu đồng đối với Công ty TNHH đầu tư y tế Quốc tế Đông Á vì hành vi vi phạm cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động.

Phòng khám Baylor ghi phiếu nợ tiền và giữ CMND của anh N.V.K - Ảnh: L.TH.H.

Bức xúc kêu cứu

Không chỉ có anh K., từ tháng 1-2017 đến nay rất nhiều người bệnh liên tục gửi đơn tố cáo đến báo Tuổi Trẻ nêu nhiều phòng khám có người TQ hành nghề khám, chữa bệnh kiểu lừa đảo.

Ngày 17-1 chị L.T.K.N. (19 tuổi, H.Nhà Bè, TP.HCM) phản ảnh bị một phòng khám đa khoa có bác sĩ TQ ở Q.5 điều trị bệnh phụ khoa hết hơn 10 triệu đồng nhưng bệnh không thuyên giảm.

Phòng khám này chẩn đoán chị “đã có quan hệ, uống thuốc ngừa thai, bị bệnh sùi mào gà” và chỉ định đi tiểu phẫu, vệ sinh theo ngày hẹn trong thời gian 15 ngày.

Sau đó, chị đến Bệnh viện Từ Dũ khám và được bác sĩ chẩn đoán chỉ bị viêm âm đạo.

Ngày 14-2, anh N.N.D. phản ảnh một phòng khám đa khoa ở Q.10 sau khi khám bệnh da liễu cho anh và bạn gái đã chẩn đoán anh bị sùi mào gà, bạn gái bị viêm nhiễm nặng cổ tử cung, nếu không mổ sẽ gây ung thư lây lan. Anh D. đã phải ứng trước 11 triệu đồng, ký nợ lại 10 triệu đồng và phác đồ điều trị khỏi bệnh là 40 triệu đồng.

Dù đã tiêm thuốc tê nhưng do không đủ tiền nên anh D. và bạn đến bệnh viện nhà nước điều trị thì bác sĩ của bệnh viện chẩn đoán không bị bệnh nặng như phòng khám này hù dọa.

Tương tự, ngày 19-2 anh N. đến một phòng khám khác cũng ở Q.10 để điều trị bệnh xuất tinh sớm. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán anh bị tràn dịch tinh hoàn, teo tuyến tiền liệt và yêu cầu phẫu thuật sớm, nếu không sẽ bị vô sinh. Phòng khám này còn giữ CMND, buộc anh ký giấy nợ 7 triệu đồng.

Cách điều trị của phòng khám này là sờ nắn, lấy bông gòn lau chùi cơ quan sinh dục của anh rồi cho truyền hai chai nước biển và tiểu phẫu. Sau điều trị, về nhà anh N. bị sưng đau nhức cơ quan sinh dục.

Mới nhất là ngày 5-3, anh N.L.C.T. - một giáo viên ở Đồng Nai - đến một phòng khám có bác sĩ TQ ở TP.HCM để khám trĩ ngoại. Tại đây anh được tiểu phẫu và bị thu giữ toàn bộ giấy tờ (CMND, bằng lái xe) buộc ký giấy nợ 16 triệu đồng vì chưa đóng đủ tiền điều trị.

Tất cả những người bệnh này đều rất bức xúc, uất ức vì bị mất quá nhiều tiền mà bệnh không khỏi, thậm chí còn bị biến chứng. Người bệnh đặt nhiều câu hỏi vì sao những phòng khám kiểu này vẫn tồn tại ở một thành phố lớn nhất nước khiến người bệnh liên tục bị “sa bẫy”.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin