Quản lý thực phẩm bẩn: Vẫn "chạy theo" thị trường


Tại cuộc họp về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm (ATTP) nông-lâm-thủy sản diễn ra sáng 6/9, Bộ NN-PTNT cho biết, trong lúc ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi trong vi phạm ATTP, sự quan tâm của các địa phương dường như chưa mặn mà.

Từ năm 2011, Bộ NN-PTNT đã có Thông tư quản lý ATTP theo chuỗi, quản lý từ cơ sở sản xuất tới kinh doanh, nhưng thời gian qua, số địa phương thực hiện vẫn còn đếm trên đầu ngón tay. Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (QLCLNLTS) cho hay, đến hết 30/8/2013 mới có 19 địa phương gửi báo cáo về cục theo quy định. Trong đó chỉ có 13 địa phương báo cáo kết quả kiểm tra, phân loại, tổ chức tái kiểm tra các cơ sở sản xuất xếp loại C (yếu kém, không đủ tiêu chuẩn) và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Nóng lên gần đây là tình trạng sử dụng hóa chất tẩy trắng Tinopal, một loại hóa chất tẩy dùng trong công nghiệp nhưng lại được các cơ sở sản xuất bún dùng để tẩy trắng bún. Qua kiểm tra, tình trạng sử dụng Tinopal xuất hiện ở nhiều địa phương.

Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP, Bộ Y tế cho rằng, chỉ riêng mặt hàng bún vẫn chưa rõ trách nhiệm quản lý thuộc về bộ nào! “Nguyên liệu bột gạo ướt để làm bún là lúa gạo thuộc trách nhiệm của Bộ NN-PTNT, còn sản phẩm tinh bột lại thuộc về Bộ Công thương nên chưa rõ trách nhiệm thuộc bộ nào quản lý” - ông Hùng bày tỏ. Trước sự mập mờ này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, bộ này sẽ nhận trách nhiệm quản lý ATTP từ khâu sản xuất bột ướt để sản xuất bún. Đồng thời, giao Cục Bảo vệ thực vật phụ trách, có công văn chỉ đạo các địa phương kiểm tra làm rõ thực trạng.
linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý