Quản lý thực phẩm chức năng: Lỏng hay chặt?

Có nhiều ý kiến cho rằng việc quản lý ATVSTP đối với nhóm sản phẩm TPCN là khá lỏng lẻo do không có quy định nào bắt buộc các sản phẩm này phải trải qua quá trình kiểm nghiệm nghiêm ngặt và không có những nghiên cứu chứng minh tác dụng như thuốc. Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, ông nghĩ sao về ý kiến này?

TPCN là sản phẩm bổ trợ cho sức khỏe, không mang tính điều trị nên không cần lộ trình kiểm nghiệm chặt chẽ như thuốc (là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người).

Với một sản phẩm TPCN, cả sản xuất trong nước và nhập khẩu, khi đề nghị Cục An toàn thực phẩm công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm đối với thực phẩm chức năng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng thì các doanh nghiệp đều phải chuẩn bị hồ sơ, trong đó bao gồm:
- Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm trong vòng 12 tháng, gồm các chỉ tiêu theo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, của phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm độc lập được công nhận hoặc phòng kiểm nghiệm được thừa nhận;
- Thông tin, tài liệu khoa học chứng minh về tác dụng của mỗi thành phần tạo nên chức năng đã công bố;
- Kết quả thử nghiệm hiệu quả về công dụng của sản phẩm đối với thực phẩm chức năng có công dụng mới, được chế biến từ các chất mới hoặc theo công nghệ mới lần đầu tiên đưa ra lưu thông trên thị trường Việt Nam chưa được chứng minh là an toàn và hiệu quả...

Như vậy, đâu thể nói một sản phẩm TPCN không được nghiên cứu chứng minh tác dụng? Ngoài ra, tôi được biết, nhiều công ty nghiên cứu sản xuất TPCN còn có hội đồng khoa học với nhiều giáo sư, tiến sỹ hàng đầu quốc gia tham gia nghiên cứu, sáng tạo và thẩm định sản phẩm.


Cái khó là hiện nay, không chỉ tại Việt Nam mà ngay cả các nước trên thế giới như như Nhật, Anh và Mỹ vẫn đang phải nỗ lực để ngày càng hoàn thiện hệ thống phân loại, quản lý và phân phối TPCN đến người tiêu dùng. Trên thực tế, ngay cả ở Mỹ mỗi năm, vẫn có hàng nghìn người tiêu dùng than phiền về chất lượng và tính an toàn của chủng loại thực phẩm này. Điều quan trọng nhất là chính người tiêu dùng phải rất tỉnh táo khi lựa chọn: tìm đến những thương hiệu nhà sản xuất có tên tuổi và uy tín đã được kiểm chứng trên thị trường.

Vậy, khi phát hiện ra một sản phẩm TPCN “có vấn đề”, người tiêu dùng nên làm thế nào, thưa ông?

“Do các cơ quan quản lý chưa có tiêu chuẩn quy định để đánh giá là TPCN thật, TPCN giả nên khi kiểm nghiệm chúng tôi không có kết luận sản phẩm thật hay giả, tốt hay xấu. Chúng tôi có thể hỗ trợ người tiêu dùng kiểm nghiệm các thành phần và hàm lượng của thành phần đó trong sản phẩm. Dựa trên kết quả này, người tiêu dùng có cơ sở để đối chiếu với công bố chất lượng của nhà sản xuất để quyết định có sử dụng sản phẩm hay không…”
Th.s Bùi Thị Hòa (Giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm và hợp chuẩn, Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam)


Nếu người tiêu dùng nghi ngờ một sản phẩm không đảm bảo chất lượng hoặc chất lượng thực không đúng với những chỉ số ghi trên nhãn sản phẩm... có thể trực tiếp mang đến các trung tâm kiểm nghiệm để xác định. Tuy nhiên, chỉ nghi ngờ của một cá nhân thì cũng không đủ để khẳng định loại sản phẩm đó không đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhưng nếu có nhiều người cùng lên tiếng phản ánh cùng về một vấn đề, cùng về một sản phẩm thì các cơ quan chức năng, bao gồm cả Cục An toàn thực phẩm sẽ vào cuộc. Tuy nhiên, việc lấy mẫu, kiểm nghiệm và xử phạt công ty cung cấp/sản xuất sản phẩm phải có quy trình theo đúng Luật định: Lấy mẫu ở đâu, lấy như thế nào, lấy bao nhiêu mẫu... Phải có chứng nhận và niêm phong của công ty rồi mới mang đi kiểm nghiệm được.

Trong trường hợp các sản phẩm thực sự không đạt chất lượng như công bố của nhà sản xuất đã đăng ký với Cục An toàn thực phẩm thì hướng xử lý sẽ là…?
Nếu loại sản phẩm đó không đạt chất lượng, thiếu hoặc thừa hàm lượng so với công bố đạt chuẩn, mà không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, sẽ có 3 hướng buộc công ty giải quyết: 1. Thu hồi để tái chế. 2. Nếu không tái chế được thì chuyển mục đích sử dụng. 3. Nếu không được nữa thì thu hồi để tiêu hủy.



Chỉ 7 ngày sau khi cơ quan quản lý thông báo mà công ty cung cấp/sản xuất sản phẩm không thực thi thì lúc đó mới xử phạt. Trong thời gian 7 ngày này, cơ quan quản lý không được thông báo tên sản phẩm “có vấn đề”. Sau thời gian này, nếu doanh nghiệp không có động thái sửa đổi theo yêu cầu của cơ quan chức năng thì Cục An toàn thực phẩm mới có quyền thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Còn nếu sản phẩm có những chất làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thì Cục An toàn thực phẩm sẽ ra quyết định thu hồi và tiêu hủy sản phẩm. Đồng thời, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng được biết.

Trong trường hợp các doanh nghiệp “phản ứng” với kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng thì hướng giải quyết tiếp theo sẽ là…?
Nếu doanh nghiệp không chấp nhận với kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng thì có thể thực hiện lấy mẫu theo đúng quy trình luật định và mang đến kiểm nghiệm tại một đơn vị kiểm nghiệm có uy tín/thuộc cơ quan nhà nước. Kết quả kiểm nghiệm sẽ được so sánh. Nếu không trùng khớp sẽ tiếp tục kiểm nghiệm tại đơn vị thứ 3 mà hai bên cùng đồng ý. Kết quả này sẽ được cơ quan chức năng sử dụng để công bố và đưa ra phương hướng xử lý với những vi phạm của doanh nghiệp.

Cám ơn ông về những thông tin hữu ích này!
anhvan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý