Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Dân trồng rau sạch ăn, rau nhiễm thuốc để bán"

Ăn rau 'xấu' liệu có tốt?

Rau sạch: "vàng thau lẫn lộn"!

Rau sạch vẫn phải rửa

Kinh hoàng rau xanh tưới nước phân tươi

Tại cuộc họp bàn về kế hoạch hành động năm an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp vừa diễn ra, ông Ngô Tiến Dũng, Phói Cục trưởng Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết: Ở Hà Nội có tới 80% người dân mua rau từ các chợ dân sinh. Việc kiểm soát rau đảm bảo an toàn thực phẩm chưa tốt nên rau sạch, rau bẩn đang lẫn lộn, gây khó khăn cho sự lựa chọn của người dân. 

Ở lĩnh vực chăn nuôi cũng vậy, các hộ dân đang lạm dụng chất cấm, kháng sinh bơm vào vật nuôi nhằm tăng trọng, tạo nạc, tích nước. Số liệu mới nhất của Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản cho thấy, tỷ lệ mẫu phát hiện không an toàn khá cao. Trong đó, gần 7% mẫu thịt phát hiện nhiễm tồn dư hóa chất cấm, hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng; Hơn 5% mẫu rau phát hiện thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng; Gần 2% mẫu thủy sản tồn dư hóa chất cấm, hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng.

"Việc sử dụng kháng sinh, chất cấm đang có xu hướng gia tăng. Việc mua bán các loại chất cấm này khá dễ dàng, thậm chí còn có nơi khuyến mại khi mua", ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản nói. 

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ cho biết, kết quả thanh tra diện rộng ở 63 tỉnh thành cho thấy, số cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm chiếm khoảng 6%. Kiểm định 910 mẫu về thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học, xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản và thuốc thú y thì có 207 mẫu không đạt chất lượng, chiếm 23%.

Việc kiểm soát rau đảm bảo an toàn chưa tốt, dẫn đến việc rau sạch, rau bẩn đang hòa trộn vào nhau, gây khó khăn cho người tiêu dùng. Ảnh minh họa: Hồng Châu.

Từ thực tế trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu lực lượng chức năng cần tập trung kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong năm 2015, phải tạo đột phá từ khâu giám sát thực thi dưới cơ sở, các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt. Trong đó, giám sát phải gắn với phát hiện vi phạm, truy xuất những hộ, cá nhân vi phạm.

"Bây giờ, xã hội đòi hỏi và chúng ta cũng mong muốn tạo chuyển biến trên thực tế, chuyển biến trên mâm cơm của mỗi nhà, chứ không phải chỉ trên văn bản", ông Phát nhấn mạnh và yêu cầu phải làm mạnh chuỗi an toàn thực phẩm cho rau và thịt, mà trọng tâm là Hà Nội và TP.HCM.

"Nông dân trồng rau ở nhiều nơi thường trồng một luống để ăn cho gia đình và người thân, còn khi bán thì họ lại lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật", Bộ trưởng Cao Đức Phát lo lắng.

Cũng theo vị Bộ trưởng này, Hà Nội trước đây có lực lượng chức năng đến các quầy bán rau ở chợ lấy mẫu kiểm tra. Nhưng khi có kết quả thì rau đã bán hết và người bán nói rằng, họ lấy rau từ nhiều nguồn nên không xử lý được, khiến lực lượng chức năng bế tắc.

Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu các cục chức năng cần bổ sung quy định làm sao khi phát hiện ra rau bán tại quầy vượt dư lượng thì xử phạt ngay. "Lần thứ hai tái diễn vi phạm thì gia tăng mức phạt tiền và áp dụng các biện pháp phạt bổ sung. Lần thứ ba tái diễn thì đóng cửa luôn. Quá trình xử lý như vậy, nếu chủ quầy bán rau hợp tác truy xuất ra nguồn gốc lô hàng rau bẩn thì xử lý luôn", Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

 

Nhằm tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các Sở siết chặt hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh trên địa bàn.

Theo đó, các địa phương cần cử cán bộ bám sát cơ sở hướng dẫn nông dân thực hiện các quy trình, kỹ thuật sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động, tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn để tuyên truyền, vận động, giám sát người sản xuất, kinh doanh rau quả, thịt, thủy sản không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh, chất kích thích sinh trưởng trong sản xuất, kinh doanh; không sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh rau quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản.

Mặt khác, các đơn vị cơ sở cũng cần tuyên truyền vận động người tiêu dùng không ăn tiết canh, sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn.

 

 

 

 

 

 

 

Hương Thu
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn