Kinh hoàng rau xanh tưới nước phân tươi

Nguy cơ nhiễm khuẩn và nhiễm độc từ thực phẩm đang đe dọa cuộc sống của người dân.

14.000 cái chết mỗi ngày vì... nước bẩn

37 'làng ung thư' do ô nhiễm môi trường sống

Nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính do ô nhiễm không khí

Khói thuốc lá 'bẩn' như những nơi ô nhiễm nhất thế giới

“ Rau tưới phân chuồng thì có gì mà lo!”
Thường Tín, Phú Xuyên (Hà Nội) đang vào mùa thu hoạch rau, cung cấp cho các chợ đầu mối trong nội thành. Tuy nhiên, để có được những bó rau xanh mướt, không ít người trồng rau đã bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng khi tưới phân bắc chưa qua xử lý, nước thải sinh hoạt, chất thải của gia súc, gia cầm.
Theo kinh nghiệm của anh Trường – một nông dân trồng rau ở Thường Tín, Hà Nội thì: “Các loại rau thơm, rau sống, cần tây chỉ cần chăm bằng nước tiểu, phân lợn, mà nếu có phân bắc thì tốt hơn. Có khi chỉ cần dùng nước thải của lợn, hòa thêm nước và cho rất ít phân đạm sẽ khiến rau lớn nhanh, xanh màu”.
Anh Trường cho biết, hầu hết mọi người ở đây đều làm thế vì người buôn rau chỉ thích những loại rau bắt mắt, nhìn đẹp dễ bán. Khi được hỏi về nguy cơ rau nhiễm bẩn do chăm sóc bằng nguồn chất thải của người, gia súc, gia cầm chưa xử lý, anh Trường hồn nhiên: “Dùng thuốc kích thích, hóa chất cho rau lớn nhanh siêu tốc mới sợ chứ dùng phân chuồng tự nhiên thì có gì mà lo? Gia đình tôi cũng ăn chứ đâu phải chỉ để bán”.
Phú Xuyên cũng có tình trạng tương tự. Ruộng rau cần, bắp cải của gia đình anh Kháng nằm ngay cạnh chuồng nuôi lợn nên phân và nước thải được dẫn ra ruộng bằng một rãnh nhỏ. Khi hỏi anh về nguy cơ ngộ độc do rau nhiễm bẩn, anh Kháng lập tức phản bác:
“Tôi trồng rau bán cả nửa đời người nhưng chưa thấy ai kêu ăn rau của tôi bị ngộ độc. Người mua rau về chỉ cần rửa sạch, nấu chín, chất bẩn hay độc đều bị diệt hết. Nhiều nơi họ phun đầy thuốc trừ sâu, ngâm rau vào chất kích thích mới sợ, nguồn tưới rau của mình là phân lợn thì không vấn đề gì đâu”.
Tuy khẳng định nguồn rau mình trồng bán không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng nhưng nhà anh Kháng lại có những luống rau trồng riêng cho gia đình. Rau không được đẹp, xanh, tươi tốt do chỉ được tưới bằng nước ở ao nhà.
Nguy cơ gây ung thư do rau nhiễm độc kim loại nặng  
Sử dụng phân tươi, nước thải chưa qua xử lý để tưới, bón trực tiếp có thể tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cho rau. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như nhiễm ký sinh trùng, viêm nhiễm đường tiêu hoá, bệnh giun sán...
Sử dụng phân tươi, nước bẩn khiến rau dễ bị nhiễm ký sinh trùng
Trao đổi vấn đề này với TS.Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, ông cho biết: “Nguyên nhân chính dẫn đến rau bị nhiễm kim loại nặng là do trồng rau gần những nơi có vi lượng trong phân vượt quá hàm lượng cho phép, bón phân hoá học và thời gian khai thác rau quá ngắn. Một số kim loại nặng với hàm lượng thích hợp sẽ có lợi cho cơ thể, nhưng nếu vượt quá mức cho phép sẽ gây ngộ độc. Hơn thế, một số kim loại khác xâm nhập vào cơ thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, da và nguy cơ gây ung thư rất lớn”.
Quay lại với câu chuyện nhà anh Kháng, do nguồn nước tưới rau sẵn, không mất nhiều công sức nên anh thu hoạch rau cũng theo kiểu cuốn chiếu. Anh cắt rau từ một phía, lấn dần sang phía bên kia, hết ruộng là lại quay về những chỗ lúc đầu cắt. Khoảng 1 tuần, 10 ngày là lại quay về chỗ đầu, chưa đủ thời gian để các chất độc hại trong nước tưới phân hủy. 
Theo TS. Thịnh, khi sử dụng chất thải của động vật cần được ủ hoai rồi mới bón cho rau vì quá trình ủ sẽ tiêu diệt các ký sinh trùng gây nhiễm cho rau. Sử dụng phân tươi khiến rau dễ bị nhiễm ký sinh trùng, vi sinh, từ đó lây sang người sử dụng.
Đặc biệt, những loại rau ăn sống như xà lách, rau tía, tía tô, cải xanh... càng dễ nhiễm và gây hại cho người dùng. TS. Thịnh nhấn mạnh, đối với rau bị nhiễm khuẩn do ký sinh trùng, trong quá trình chế biến nếu nấu chín vẫn có thể tiêu diệt được, nhưng các loại rau bị nhiễm kim loại nặng, dù có nấu chín cũng không thể phân hủy được.
14,08% người dân nhiễm chì do ăn rau trồng tại sông Nhuệ
Thông tin cá và rau muống tại sông Nhuệ ô nhiễm chì (Pb) và cadimi (Cd) do nhóm nghiên cứu Trường Đại học Y tế công cộng, Hội Y tế công cộng Việt nam lần thứ 10 đã khái quát về nguy cơ nhiễm độc của người dân nơi đây mặc dù hàm lượng Pb và Cd trong mẫu rau muống và cá rô phi vẫn nằm trong mức cho phép của Bộ Y tế. Qua đánh giá cá thể, 14,08% người dân được khảo sát đã nhiễm Pb do ăn rau muống trồng tại sông Nhuệ vượt ngưỡng khuyếnn cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Nhóm nghiên cứu cũng nhận định, việc ô nhiễm các kim loại nặng (như Pb, Cd) trong nước và thực phẩm tại sông Nhuệ chảy qua lưu vực Hà Nội và Hà Nam, trong đó có rau muống và cá rô phi đang là mối nguy cơ đe dọa lớn đối với sức khỏe người dân.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin