Sốt xuất huyết đang vào đỉnh mùa dịch

Giống như mọi năm, bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã bước vào giai đoạn bùng phát tại nhiều địa phương, khiến số người mắc bệnh tăng cao, nhiều bệnh nhân tử vong do không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Thông thường dân gian hay gọi bệnh SXH nhưng thực ra nếu dùng thuật ngữ khoa học cho đúng thì bệnh gồm hai thể loại là bệnh sốt Dengue và bệnh sốt Dengue xuất huyết. Bệnh Dengue nói chung do nhiều loại virus rất giống nhau gây nên và được chia ra các loại Dengue type 1, 2, 3 và 4. Bệnh được lây truyền từ người này sang người khác chủ yếu do loài muỗi vằn có tên khoa học Aedes aegypti; ngoài ra, loài muỗi hổ châu Á có tên khoa học Aedes albopictus đã được xác định cũng là trung gian truyền bệnh này.


Loài muỗi Aedes aegypti truyền bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt Dengue thường bùng phát thành những vụ dịch, đôi khi có hàng chục ngàn người bị nhiễm bệnh và bệnh hay phát triển ở các thị xã, thành phố nơi có mật độ dân cư đông đúc. Bệnh khởi đầu bằng triệu chứng sốt đột ngột, kéo dài khoảng một tuần hoặc hơn; người bệnh thấy đau đầu, đau cơ, đau khớp và nổi mẩn đỏ. Bệnh thường có thể dẫn đến tử vong và hay xảy ra ở phần lớn các nước vùng nhiệt đới và ngay cả một số quốc gia vùng cận nhiệt đới. Nếu có sự hiện diện của loài muỗi truyền bệnh thích hợp thì bệnh sốt Dengue có thể xảy ra ở cả vùng thị xã, thành phố lẫn nông thôn, miền núi.

Bệnh sốt Dengue xuất huyết thường được gọi là sốt xuất huyết, đây là một thể bệnh nguy hiểm xảy ra ở các nước thuộc khu vực Đông Nam Á; gần đây cũng đã được phát hiện tại Nam Mỹ và khu vực Nam Thái Bình Dương. Đối tượng trẻ em thường dễ bị mắc thể bệnh này. Bệnh cũng khởi phát bằng triệu chứng sốt cao, người bệnh có biểu hiện đau đầu, khó thở và đau bụng; dấu hiệu xuất huyết nội tạng cũng thường thấy. Hội chứng sốc do SXH có thể xảy ra do mất máu và tụt huyết áp. Nếu không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời thì có khoảng 50% trường hợp sốc có thể dẫn đến tử vong. Tỷ lệ tử vong chung được các nhà khoa học ghi nhận chiếm từ 5 - 10%.

Như vậy, thuật ngữ SXH mà dân gian thường gọi là thể bệnh sốt Dengue xuất huyết, chúng là một trong hai thể bệnh do virut Dengue truyền mầm bệnh từ người này sang người khác qua trung gian của loài muỗi truyền bệnh phù hợp.

Các loài muỗi truyền bệnh

Bệnh sốt Dengue và bệnh SXH do hai loài muỗi truyền bệnh gây nên là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Loài muỗi này có đặc điểm là đẻ trứng rời từng chiếc trên những diện tích đất ẩm ướt, ngay trên thành tường hoặc gần sát với mặt nước; ngoài ra còn có thể đẻ trứng ở trong những loại dụng cụ chứa nước tạm thời ở trong nhà, ngoài nhà hoặc những nơi thường có nước lên xuống. Trứng của muỗi có thể chịu được độ khô trong nhiều tháng và chỉ nở khi chúng bị ngập nước. Tất cả các loài muỗi Aedes ở những vùng có mùa đông lạnh có thể sống sót qua thời kỳ này ở dạng trứng. Một số loài muỗi có khả năng đẻ trứng ở những vùng ven biển nước mặn và đầm lầy bị ngập qua từng thời kỳ do mực nước thủy triều lên cao bất thường hoặc mưa to; trong khi đó có một số loài muỗi khác đã thích ứng được ở các kênh máng tưới tiêu trong nông nghiệp.


Mỗi năm, dịch bệnh thường bùng phát vào những tháng cuối năm

Muỗi Aedes aegypti thường được gọi là muỗi vằn, chủ yếu đẻ trứng ở môi trường gần nhà. Những nơi chúng ưa thích đẻ trứng là những chum, vại chứa nước tạm thời đặt ở trong nhà hay ngoài nhà; đồng thời chúng cũng có thể đẻ trứng ở các ống máng nước, kẽ lá, ống tre nứa, lốp xe hỏng, vỏ đồ hộp, chậu cây cảnh... Tất cả những loại dụng cụ này thường chứa nước tương đối trong, ít vẫn đục.

Muỗi Aedes albopictus thường được gọi là muỗi hổ châu Á. Loại muỗi này đầu tiên chỉ phát hiện ở các nước thuộc khu vực châu Á và Madagascar nhưng thời gian gần đây chúng đã xuất hiện ở một số quốc gia tại Bắc Mỹ, Nam Mỹ cũng như Tây Phi. Ở những nơi này, muỗi có thể đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bệnh virut Dengue và các bệnh do virus khác. Cũng giống như loài muỗi vằn Aedes aegypti, muỗi hổ châu Á Aedes albopictus đẻ trứng ở các loại dụng cụ chứa nước tạm thời ở trong nhà, ngoài nhà nhưng thực tế chúng vẫn ưa đẻ trứng tự nhiên trong rừng như tại các hốc cây, kẽ lá, vũng nước dưới đất, vỏ dừa, trong vườn cây... Tuy vậy, loại muỗi này cũng có khả năng đẻ trứng ở các loại dụng cụ chứa nước tạm thời ở trong nhà nhưng với mức độ ít hơn.

Về tập tính, các loài muỗi Aedes chủ yếu hoạt động đốt hút máu vào buổi sáng hoặc buổi chiều, ít khi hoạt động vào ban đêm. Đa số muỗi thường đốt máu người ở trong nhà và nghỉ trú đậu ở ngoài nhà nhưng tại các thị xã, thành phố ở các nước vùng nhiệt đới thì loài muỗi vằn Aedes aegypti thường đẻ trứng, đốt máu và nghỉ trú đậu ở trong nhà và chung quanh nhà.

Biện pháp phòng chống bệnh

Hiện nay chưa có loại vắc-xin phòng bệnh sốt Dengue và bệnh SXH mặc dù đã có nhiều nỗ lực cố gắng của các nhà khoa học để mong tìm ra một biện pháp phòng bệnh có hiệu quả. Bệnh này cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, đối với bệnh nhân có hội chứng sốc xuất huyết cần được nhanh chóng truyền dịch, huyết tương và theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sinh tồn để xử trí cấp cứu các biến chứng kịp thời nhằm cứu sống người bệnh.

Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là làm giảm nhanh mật độ hoạt động của muỗi truyền bệnh. Biện pháp lâu dài và kinh tế nhất là tiêu hủy những nơi muỗi truyền bệnh có thể đẻ trứng trên diện rộng bằng cách san lấp những ổ muỗi đẻ trứng trong tự nhiên hay do nhân tạo; đốt các loại rác rưởi hữu cơ, làm lưới che chắn những dụng cụ chứa nước ăn, lắp đặt các ống dẫn nước kín. Nếu những biện pháp trên không áp dụng được, cần thực hiện giải pháp diệt bọ gậy muỗi bằng các loại hóa chất an toàn và hiệu quả. Trên thực tế, chiến lược và các giải pháp làm giảm nguồn gây bệnh cho cộng đồng cần được truyền thông giáo dục sức khỏe và y tế rộng khắp và lâu dài. Đồng thời cũng nên áp dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân để chống muỗi đốt vào ban ngày bao gồm việc sử dụng quần áo phòng hộ, dùng thuốc xua và lưới chống muỗi. Ngoài những phương pháp thông thường để chống muỗi đốt, cần sử dụng các loại hóa chất để diệt muỗi truyền bệnh trú ẩn trong nhà; có thể áp dụng biện pháp phòng chống muỗi đốt ban ngày bằng hương diệt muỗi, màn chống muỗi hoặc dùng máy điều hòa nhiệt độ.


Phòng ngừa, làm sạch môi trường là khuyến nghị của các cơ quan y tế

Trong các trường hợp xảy ra dịch sốt Dengue hoặc SXH, các biện pháp nêu trên cũng cần được áp dụng nhưng phải bổ sung, tăng cường biện pháp hữu hiệu nhất với mục đích làm giảm nhanh mật độ hoạt động của muỗi trưởng thành bằng cách phun không gian hóa chất diệt côn trùng. Việc phun hóa chất diệt muỗi thường được tiến hành ở những khu vực thị xã, thành phố có nhiều ổ bọ gậy sản sinh ra nhiều muỗi truyền bệnh trưởng thành. Biện pháp phun không gian bằng hóa chất diệt muỗi có thể thực hiện bằng các bình bơm đeo vai, máy phun mù xách tay, máy phun lớn đặt trên xe ôtô hoặc trên máy bay. Trong trường hợp này, việc phun hóa chất diệt muỗi tồn lưu trên các loại tường vách không đạt hiệu quả vì loài muỗi truyền bệnh SXH thường nghỉ trú đậu ở trong nhà, trên những diện tích, mặt bằng không tiện cho việc phun tồn lưu như trên tấm rèm hoặc vải vóc. Các cơ sở y tế dự phòng phải luôn luôn chủ động dự trữ nguồn hóa chất diệt muỗi để sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp, dịch bệnh bùng phát mạnh.

Khuyến nghị

Hiện nay, một số địa phương đã và đang vào mùa bệnh sốt Dengue và bệnh SXH, nếu không chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống một cách có hiệu quả thì sẽ tạo ra các đỉnh cao, làm cho nhiều người bị mắc bệnh và xảy ra dịch bệnh với sự lây truyền tại chỗ. Đặc biệt, đối tượng trẻ em bị SXH dễ có nguy cơ dẫn đến tử vong do hội chứng sốc xuất huyết. SXH năm nào cũng xuất hiện ở một số địa phương, có lúc bùng phát thành dịch nhưng biện pháp chủ động phòng chống với khẩu hiệu hành động "không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết" hầu như còn hạn chế. Để giải quyết được vấn đề này có hiệu quả, ngoài giải pháp về chuyên môn kỹ thuật thì giải pháp xã hội khá quan trọng và có quyết định rất lớn vì muốn phòng chống dịch bệnh có hiệu quả thì toàn bộ cộng đồng người dân phải vào cuộc.

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin