Đồ chơi độc hại đe đọa tính mạng trẻ em

Không chỉ riêng lựu đạn đồ chơi, hiện nay trên thị trường xuất hiện rất nhiều đồ chơi không rõ nguồn gốc. Đây chính là mối nguy hiểm tiềm ẩn cho trẻ vừa được cơ quan chức năng cảnh báo gần đây.

Tràn lan đồ chơi nguy hiểm

Sau vụ nổ lựu đạn đồ chơi tại Đắc Nông, khảo sát các khu phố bán đồ chơi trẻ em (ĐCTE) ở TPHCM (đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu, khu vực chợ Thị Nghè...), PV ghi nhận các cửa hàng không bày bán công khai đối với mặt hàng lựu đạn đồ chơi đã gây nổ ở Đắc Nông.

Theo một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.Hồ Chí Minh, cũng như súng, kiếm đồ chơi, lựu đạn đồ chơi là một trong những sản phẩm nguy hiểm, mang tính bạo lực, cấm lưu thông, bày bán trên thị trường.
“Dù vậy, vì lợi nhuận, một số cửa hàng giấu hàng bên trong nhà và bán lén lút, một số điểm bán nhỏ lẻ ở các vùng ven vẫn bán các đồ chơi nguy hiểm" – cán bộ QLTT cho biết thêm.

Tuy nhiên, khảo sát tình hình thị trường ĐCTE cho thấy, tại TPHCM vẫn xuất hiện tràn lan những loại đồ chơi khác không rõ nguồn gốc, nhãn mác, tiềm ẩn những chất độc hại có khả năng gây một số bệnh nguy hiểm cho trẻ em.


Lực lượng QLTT kiểm tra mặt hàng ĐCTE.

Ông Trần Văn Xiêm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam - cho biết: “Vừa qua, chi cục đã tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên một số đồ chơi trẻ em như bóng bơm hơi, con vịt bằng nhựa, bóng hình trái dưa hấu... bày bán trên thị trường để kiểm tra.

Kết quả: Các sản phẩm đồ chơi này có hàm lượng chất phthalate (chất có khả năng gây ung thư, ảnh hưởng đến trí não, thậm chí gây vô sinh ở trẻ em) vượt mức quy định 300 - 400 lần. Điều đáng lo là hiện nay trên thị trường, các sản phẩm bóng bơm hơi, bóng gai nhựa dẻo, búpbê đầu trái cây... vẫn đang la những sản phẩm được trẻ em ưa chuộng, và rải rác một số cửa hàng trong thành phố vẫn còn kinh doanh.

Tại thị trường Hà Nội, khảo sát tại một số điểm kinh doanh ĐCTE, hầu hết cửa hàng nào cũng có bóng hơi, bóng gai, bóng hình trái cây... mà cơ quan quản lý đang cảnh báo về độ độc hại. Các loại bóng này dao động ở mức từ 7.000 – 25.000đ/quả. Ngoài ra, thú gai, thú đầu quả dẻo vẫn được một số cửa hàng kinh doanh trên phố Lương Văn Can cung cấp.

Thủ đoạn chủ yếu của chủ hàng là không bày bán công khai, khi khách hỏi mới đưa hàng ra chào bán. Nhiều khách hàng do chưa có thông tin về các loại ĐCTE độc hại vẫn mua cho con em chơi vì nghĩ đây là đồ chơi dẻo, nhẹ không gây thương tích cho trẻ. Cá biệt có những loại đồ chơi dẻo phát sáng có nguy cơ gây hại cho mắt của trẻ.
Không nguồn gốc vẫn ra thị trường

Dưới góc độ quản lý, Chi cục QLTT TPHCM cho biết, các đội QLTT quận, huyện đã phối hợp các cơ quan liên ngành kiểm tra những mặt hàng này, đồng thời yêu cầu các đội rà soát các điểm kinh doanh, kho hàng tập kết đồ chơi trẻ em để kiểm tra, kiên quyết thu hồi và tiêu hủy những sản phẩm đồ chơi không rõ xuất xứ, chưa qua kiểm định...

Cụ thể, chỉ trong vòng 2 tuần đầu năm 2014, lực lượng QLTT TPHCM đã kiểm 13 vụ đồ chơi trẻ em, trong đó có 2 vụ buôn bán hàng cấm (tạm giữ 2.256 súng, kiếm, đạn nhựa), 6 vụ buôn bán hàng nhập lậu (159 sản phẩm thú nhún, thú bông, bóng nhựa có chứa chất độc hại), phần lớn xuất xứ Trung Quốc.

Ngày 26/12/2013, Đội QLTT số 14 (Chi cục QLTT TP.Hà Nội) kiểm tra kho hàng tại Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), phát hiện gần 7.500 bộ ĐCTE loại đĩa phát sáng, bộ đồ chơi nguy hiểm và khoảng 20 tấn bánh, mứt, kẹo không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Ngày 18/1/2014, Đội QLTT số 7 phối hợp với Đội An ninh nông nghiệp (Công an HN) kiểm tra xe ôtô mang BKS 38C-02141 đang bốc dỡ hàng hoá tại xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) và phát hiện 10 thùng hàng chứa 800 khẩu súng ĐCTE bạo lực, như súng côn, K54, súng hơi thể thao...

Mỗi khẩu súng đều được gắn sẵn đạn nhựa, có độ sát thương cao. Ngoài ra, lực lượng CSGT huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cũng vừa phát hiện xe khách chở 9 bao tải pháo và súng các loại.

Ngay sau khi xảy ra vụ nổ bóng hơi tại Đắc Nông, Chi cục QLTT TPHCM đã chỉ đạo các đội tăng cường kiểm tra mặt hàng này, đồng thời rà soát các kho chứa hàng, điểm kinh doanh ĐCTE thuộc danh mục sản phẩm có chứa chất độc hại do Cục Quản lý chất lượng hàng hóa miền Nam vừa cảnh báo.

Tại địa bàn tập trung kinh doanh các sản phẩm ĐCTE ở quận 6, Đội QLTT 6B vừa kiểm tra, phát hiện gần 100 sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập lậu không hóa đơn chứng từ tại 2 điểm kinh doanh trên đường Trần Bình, Q.6. Hàng hóa vi phạm phần lớn có xuất xứ Trung Quốc, gồm bóng gai, phao..., chỉ cần bóp nhẹ là phát ra tiếng nổ.

Từ đầu năm 2014 đến nay, Chi cục QLTT TPHCM đã kiểm tra, phát hiện 13 vụ kinh doanh đồ chơi trẻ em vi phạm, phần lớn xuất xứ Trung Quốc. Trong đó, có 2 vụ buôn bán hàng cấm, tạm giữ 2.256 sản phẩm súng, kiếm, đạn nhựa, 6 vụ buôn bán hàng nhập lậu gồm búpbê, bóng nhựa có chứa chất độc hại.

Mặc dù lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhưng các loại ĐCTE nguy hiểm vẫn len lỏi tiếp cận NTD. Nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của trẻ em trước những sản phẩm đồ chơi độc hại này, các cơ quan chức năng cũng đã khuyến cáo NTD phải hết sức cẩn trọng khi mua ĐCTE.

Cần quyết liệt ngăn chặn đồ chơi có tính chất vũ khí, bạo lực

Sau vụ nổ lựu đạn đồ chơi nghiêm trọng ở Đắc Nông, trả lời PV, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ - ông Trần Minh Dũng - cho biết:

- Đó toàn là những mặt hàng nhập lậu không được kiểm soát về chất lượng. Những món đồ đó trên thực tế là thuốc nổ, vũ khí gây tổn hại và không thể để trẻ em chơi được. Hiện có nhiều đồ chơi Trung Quốc gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng đang lưu thông bất hợp pháp trên thị trường. Chúng tôi đã đề nghị các cơ quan chức năng tịch thu tất cả các sản phẩm không có dấu hợp quy, tức là sản phẩm không được kiểm soát về chất lượng, không được phép lưu thông.

Ông có lời khuyên cho các bậc phụ huynh khi lựa chọn đồ chơi cho con?

- Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều đồ chơi có tính chất vũ khí, bạo lực. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cần ngăn chặn điều này. Trong quá trình Bộ Khoa học và Công nghệ đi kiểm tra thì đều tịch thu vì đây là món hàng không được chứng nhận. Đối với các đồ chơi thuộc danh mục được phép lưu hành nhưng không có đầy đủ tem nhãn rõ ràng của các cơ quan chứng nhận thì bố mẹ cần cân nhắc. Trẻ em có tâm lý thích mua những đồ chơi từ các bà hàng xén trước cổng trường. Vì vậy các cơ quan chức năng trên địa bàn cần thường xuyên kiểm tra giám sát.

Xin cảm ơn ông.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn