Vì sao khói thuốc vẫn "dày"?

Một nghiên cứu mới đây được công bố tại Hội nghị Hóa học toàn quốc Mỹ được tổ chức tại Dalas (Mỹ) cho thấy, thuốc lá để lại tác hại nguy hiểm cho con người không chỉ ở pha thứ nhất: Hút thuốc trực tiếp và pha thứ hai: Hút thuốc thụ động, mà còn ở cả pha thứ ba: Hút thuốc gián tiếp từ những dư lượng độc hại từ khói thuốc bám trên vật dụng trong môi trường đã có khói thuốc. Xây dựng môi trường không khói thuốc là yếu tố giúp loại trừ các nguy cơ phát/tái phát các căn bệnh đường hô hấp dưới.


40.000 người Việt Nam chết mỗi năm liên quan đến thuốc lá

Nguy hiểm từ pha thứ 3

Các nhà nghiên cứu Mỹ định nghĩa hút thuốc pha thứ 3 như sau: Đó là trường hợp những người, đặc biệt là trẻ em, hít phải thứ cặn màu nâu từ khói thuốc – thứ mà mắt thường không nhìn thấy hoặc dễ bỏ qua – bám dính trên tường, sopha, đồ chơi, vật dụng trong nhà, trong xe ô tô, trong các quán ăn có khu vực hút thuốc lá… Thứ khói thuốc pha thứ ba này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Tại Việt Nam: 15 triệu người trưởng thành hút thuốc lá; 73,1% dân số bị phơi nhiễm khói thuốc thụ động tại nhà; 56% người lao động bị phơi nhiễm khói thuốc tại nơi làm việc; 40.000 người chết mỗi năm liên quan đến thuốc lá.

Nguồn: Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam (GATS) năm 2010
Theo các nhà nghiên cứu, trong khói thuốc có chứa khoảng 4.000 chất. Các chất này tồn tại trong không khí khá lâu sau khi điếu thuốc được hút xong và được gọi là "dư lượng độc hại" – NPP, những chất không kiểm soát được. Dư lượng độc hại này kết hợp với các chất ô nhiễm trong không khí như ozone và acid nitric, tạo ra các hợp chất mới - một số trong đó có thể gây ung thư. Các dư chất độc hại này sẽ bám dính vào tay khi chạm vào và từ đó ngấm vào cơ thể.

Các NNP có thể bám vào ADN của con người, rồi từ đó gây ra những biến đổi tế bào không kiểm soát được và là nguyên nhân gây nên ung thư. Điều nguy hiểm là, đối tượng của hút thuốc pha thứ 3 là trẻ em, thường hay lê la khắp nhà, nhặt nhạnh đồ vật cho vào miệng và cho tay bẩn vào miệng, khiến chúng có thể nuốt, hút vào khói thuốc lá ở pha thứ 3. Cơ thể nhỏ của trẻ, hệ miễn dịch còn non yếu nên dễ dàng bị đột biến gene và phát triển thành ung thư.

Một vấn đề đáng quan ngại là, tại nhiều địa điểm công cộng, mặc dù được khuyến cáo cấm hút thuốc nhưng người dân vẫn có thể hút thuốc, chưa kể tại các căn hộ riêng. Hiện nay, hút thuốc lá vẫn là vấn đề "lớn" cần giải quyết đối với y tế cộng đồng.

Môi trường không khói thuốc

Theo PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, về cơ bản, khói thuốc lá ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của những bệnh nhân mắc các bệnh phổi mạn tính như viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, ung thư phổi… Tạo môi trường không khói thuốc lá là nhiệm vụ của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.

Đối tượng tác động đặc biệt của chiến lược quốc gia xây dựng một Việt Nam không khói thuốc lá là các thanh thiếu niên đang trong độ tuổi trưởng thành.

Hiện nay, Việt Nam đã có Chương trình Quốc gia Phòng chống tác hại của thuốc lá cũng như Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ngoài ra, với sự trợ giúp của Quỹ Lá phổi Thế giới, rất nhiều hoạt động được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao nhằm xây dựng Việt Nam thành “Môi trường không thuốc lá”. Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, rào cản hiện nay với các hành động này là thói quen của người hút thuốc và lợi nhuận của nhà sản xuất. Với kinh nghiệm của người làm việc lâu năm trong ngành y tế, PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ cho rằng, việc xây dựng môi trường không khói thuốc không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai. Và đối tượng tác động chính phải là người sử dụng thuốc lá, giúp họ từ bỏ thói quen của mình.

Lấy kinh nghiệm từ việc xây dựng môi trường không khói thuốc trong các bệnh viện, PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ cho rằng: Hiện nay, tại các khoa khám bệnh (tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân) hầu như không còn khói thuốc lá. Để làm được điều này, ngành y tế đã phải rất nỗ lực trong việc tuyên truyền (khuyến cáo, cấm & phạt) với các y, bác sỹ, nhân viên y tế, cán bộ y tế - những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân hàng ngày. Và hiện nay, theo một điều tra sơ bộ của Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam, chỉ có thể bắt gặp bác sỹ hút thuốc tại các khoa/phòng cận lâm sàng hoặc tại các phòng nghỉ của bác sỹ. Trong vài năm gần đây, số lượng bác sỹ hút thuốc lá cũng đã giảm nhiều.

Đối tượng cần quan tâm trong các chiến dịch tuyên truyền môi trường không khói thuốc sắp tới là cộng đồng (50% người trưởng thành) – những người khó từ bỏ thói quen nếu không bị đánh trực tiếp vào túi tiền và sức khỏe.

- Hút thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Nguy cơ viêm đường hô hấp như viêm phổi và bệnh cúm ở người hút thuốc cao hơn ở người không hút thuốc. Người hút thuốc không chỉ phải chịu đựng mắc bệnh tật nhiều hơn mà họ phải chịu bệnh tật ở mức độ nặng hơn.

- Những người hút thuốc có nguy cơ cao mắc các bệnh khí phế thũng, viêm cuống phổi - hai dạng của bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính. Ước tính các bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính ở người hút thuốc cao hơn 10 lần so với người không hút thuốc và sử dụng thuốc lá có thể liên quan tới hầu hết các ca tử vong các bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính.

- Thuốc lá là nguyên nhân liên quan đến hơn 90% ca tử vong vì ung thư phổi.

- Tỷ lệ tử vong do hen ở những người đang hoặc đã từng hút thuốc cao gấp đôi so với người không hút: 8,3/100.000 dân so với 3,7/100.000 dân.

(Nguồn: Chương trình Quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá)

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hô hấp