SUCKHOE+ | Xin chào chuyên gia! Tôi bị tắc hẹp mạch vành 50%, bác sĩ nói cần đặt stent. Nhưng khi trò chuyện với một số bệnh nhân khác, tôi thấy tỉ lệ hẹp mạch vành của họ còn cao hơn nhưng lại chưa phải đặt stent. Xin hỏi tại sao lại như vậy? (P.K.L, Bình Thuận)
ThS.BS. Nguyễn Đình Hiến, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn giải đáp:
Chào bạn!
Đây là một câu hỏi hay vì có khá nhiều người bệnh tim mạch quan tâm tới việc hẹp động mạch vành ở mức độ nào mới có chỉ định can thiệp đặt stent. Tại sao có người hẹp ít đã phải đặt stent, trong khi có những người tưởng như hẹp nhiều hơn lại chưa phải can thiệp?
Trên thực tế, bạn cần hình dung rằng mỗi người bệnh sẽ có thể trạng, tình trạng bệnh khác nhau. Ví dụ, có những người bệnh dù tỉ lệ hẹp động mạch không quá cao, nhưng lại vào viện với tình trạng cấp tính (hay hội chứng vành cấp). Khi đó, những bệnh nhân này thường có biểu hiện đau ngực khi nghỉ, khó thở, biến đổi về men tim hay điện tâm đồ…
Với những trường hợp này, căn cứ vào kết quả chụp động mạch vành mà bác sĩ sẽ xác định được “thủ phạm” gây ra các triệu chứng cấp tính, từ đó quyết định tiến hành đặt stent cho người bệnh.
Nói cách khác, bên cạnh tỉ lệ hẹp, các bác sĩ còn có nhiều phương pháp khác để xác định mức độ tổn thương của động mạch vành. Một số phương pháp được áp dụng phổ biến như: kỹ thuật đo lưu lượng dự trữ mạch vành, siêu âm trong lòng động mạch vành… Các phương pháp này sẽ giúp xác định mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành là mảng xơ vữa ổn định hay không ổn định, từ đó giúp bác sĩ đưa ra quyết định đã cần tiến hành can thiệp động mạch chủ hay chưa.
Bình luận của bạn