Empty
Empty
Empty

Tùy theo từng vùng miền mà mâm cỗ cúng gia tiên ngày Tết có sự gia giảm các món ăn.

Cỗ cúng Tết miền Bắc thường đầy đặn, mâm cao cỗ đầy là vậy. Mâm cỗ được sắm và gọi theo số lượng món ăn chủ yếu bày trên mâm, được gọi là cỗ 4, cỗ 6 và cỗ 8. Mâm cỗ cúng thể hiện về mức độ kinh tế bình thường, trung lưu và giàu có của mỗi gia đình.

Mâm cỗ 4 có 4 đĩa (món chính) và 4 bát, tượng trưng cho "Tứ trụ" vững bền, gồm: đĩa thịt gà, đĩa giò lụa, đĩa nem rán và đĩa thịt đông; 4 bát là: bóng bì lợn, măng chân giò, miến mọc và chim hầm. Trên mâm cỗ không thể thiếu đĩa bánh chưng và bát dưa hành nhưng người ta không tính 2 món này vào số đĩa, bát.

Mâm cỗ 6 gồm 6 đĩa và 6 bát mang ý nghĩa tài lộc, gồm các đĩa: thịt gà, giò lụa, giò xào, thịt đông, nem rán và chả quế (hoặc với người Hà Nội gốc là cá trắm đen kho riềng); 6 bát gồm: bóng bì lợn, măng chân giò, miến mọc, chim hầm, xáo giả cầy và bát canh xu hào (hoặc súp lơ bông cải).

Mâm 8 đĩa, 8 bát mang ý nghĩa phát lộc, phát tài, gồm: 8 đĩa là nem rán, gà luộc, hạnh nhân xào, nộm, thịt quay, giò lụa, giò xào, chả quế; 8 bát là bào ngư, vây cá, hải sâm, long tu, bóng cá thủ, bóng cá dưa, bồ câu, chim yến. Đây là mâm cỗ của nhà giàu, được liệt vào hàng cỗ “Bát trân” (8 món quý). Tùy theo điều kiện kinh tế và khẩu vị từng gia đình, người ta có thể sắm cỗ 4 là 4 đĩa với 2 hoặc 3 bát; cỗ 6 là 6 đĩa với 3 hoặc 4 bát...

Với cỗ 4 và cỗ 6, ngoài bánh chưng và dưa hành là 2 món đương nhiên không thể thiếu, người ta còn bày xôi gấc, dưa cải, nộm, nem chạo, chả rán, rau bắp xào/luộc; các loại giò như giò bò/me/trâu, giò mỡ, giò xào (giò thủ), giò chân, giò lòng...

Trên mâm cỗ cúng Tết, người ta kiêng không bày những món ăn như thịt thú rừng, thịt chó, đồ nặng mùi, tanh sống...

Empty

Cỗ cúng Tết miền Trung gồm: Bánh chưng, dưa món củ kiệu, giò lụa, thịt đông, gỏi gà bóp rau răm, nem, măng ninh khô, canh miến, cá chiên hay ram...

Còn với quan niệm “trần sao âm vậy”, mâm cỗ cúng gia tiên ngày Tết của người miền nam thường chú trọng những món ăn truyền thống theo khẩu vị mà ông bà xưa thích. Theo mâm cơm của mỗi gia đình đơn giản gồm: bánh tét, dưa giá củ kiệu, thịt kho tàu, thịt luộc, gỏi cuốn, chả giò, gỏi tôm thịt, canh măng tươi và không thể thiếu món canh khổ qua nhồi thịt (mong cái khổ của năm cũ qua đi, đón cái may mắn của năm mới đến).

Empty

Ngày nay, mâm cỗ cúng Tết hiện đại được kết hợp giữa những món ăn truyền thống với những biến tấu, bổ sung cho phù hợp với khẩu vị và lối sống hiện đại như: thay đổi về nguyên liệu, sử dụng các loại thịt, hải sản cao cấp hơn; áp dụng các phương pháp chế biến mới có lợi cho sức khỏe như hấp, nướng để giảm lượng dầu mỡ; cách bày trí mâm cỗ theo phong cách hiện đại, tinh tế hơn; bổ sung món ăn mới như salad, gỏi, lạp xường, xúc xích, thịt hun khói và các món ăn Âu, Á...

Mâm cỗ cúng thường gồm: Bánh chưng, thịt gà, giò lụa, cá hồi, lạp xường, xúc xích, thịt hun khói, măng ninh, nem Kim Liên, salad...

Mâm cỗ cúng Tết thời hiện đại được sắm theo phương châm tiết kiệm thời gian, công sức chế biến; đa dạng về món ăn, hợp khẩu vị và đảm bảo dinh dưỡng. Tuy nhiên có thể dần dần làm mai một nét đẹp văn hóa, ý nghĩa của một mâm cỗ cúng gia tiên ngày Tết Nguyên đán theo truyền thống.

Empty

Bên cạnh các mâm cỗ truyền thống xứ Bắc, mâm cỗ Bát Tràng – bữa ăn truyền thống chứa đựng tinh hoa văn hóa ẩm thực của người làng gốm Bát Tràng từ nhiều thế kỷ trước, cũng được người đời ca tụng.

Cỗ Bát Tràng cũng giống như cỗ vùng đất Kinh Kỳ, nhưng vẫn có những nét riêng biệt tạo nên sự độc đáo. Mâm cỗ cổ truyền trong gia đình giàu có ở làng Bát Tràng xưa gọi là cỗ bát trân (6 bát 8 đĩa) nhằm tượng trưng cho phát tài phát lộc. Đối với gia đình trung lưu và bình dân, mâm cỗ thường được bày biện gồm 4 bát 4 đĩa nhằm tượng trưng cho bốn mùa và bốn phương.

Mâm cơm cổ truyền của người Bát Tràng không thể nào thiếu canh măng mực, mực khô xào su hào và canh bóng, chả tôm.

Canh măng mực là món canh đặc biệt làm nên “thương hiệu” cỗ Bát Tràng. Nguyên liệu nấu canh măng mực là măng khô Thanh Bì và mực cái Thanh Hóa. Măng tươi được sơ chế, phơi khô rồi để dùng quanh năm. Mực thì chọn loại mực cái thịt mềm, cho độ ngọt nước cao. Để món canh thêm thanh ngọt, người ta ninh nước dùng từ xương lợn, nước luộc gà, tôm he. Canh măng mực bày ra bát có màu vàng bắt mắt. Khi ăn, người ta cảm nhận được vị ngọt thanh mát nước dùng, măng giòn, mực ngọt hòa quyện vào nhau tạo thành hương vị thơm ngon khó cưỡng.

Chả tôm nướng cũng là một trong những món quan trọng trong mâm cỗ Bát Tràng. Để chế biến món ăn này, người ta dùng tôm để nguyên phần thân hoặc băm nhỏ. Sau đó đem bọc lá lốt và cho vào nướng than. Theo các nghệ nhân trong làng, muốn món chả tôm ngon, tôm phải là tôm Nghệ An và món ăn phải được nướng than mới chuẩn vị. Chả tôm được chấm với một loại sốt đặc biệt có rắc vừng lên trên. Món ăn mang hương vị rất riêng, làm nên nét đặc trưng cho mâm cỗ Bát Tràng.

Thêm một món ngon quan trọng trong mâm cỗ Bát Tràng là su hào xào mực khô. Đây cũng là một món ăn không thể thiếu vào các dịp lễ Tết ở Bát Tràng. Su hào được mang đi tước bỏ vỏ, thái sợi mỏng. Để món ăn thêm màu sắc, người ta cho thêm cà rốt thái sợi. Su hào đem ướp với muối cho tiết nước bên trong rồi rửa sạch nhiều lần và vắt ráo để đảm bảo được độ giòn ngọt. Mực khô giòn dai kết hợp với su hào tươi mát làm nên đĩa su hào xào mực nóng hổi, giòn sần sật, thơm lừng.

Cỗ Bát Tràng không chỉ hấp dẫn người thưởng thức ở hương vị mà còn ở cách trình bày tinh tế, đẹp mắt. Mỗi món ăn mang một câu chuyện riêng được chọn lọc, sắp xếp trong một mâm cỗ để tạo nên một ý nghĩa tròn đầy. Ở đấy có đủ sắc, hương, vị hòa quyện vào nhau tạo nên một mâm cỗ ngon, ý nghĩa, đẹp mắt, hấp dẫn người dùng.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa