“Tôi đã ở Wiesbaden năm ngày và tôi đã mất tất cả, toàn bộ, thậm chí cả đồng hồ của tôi”. Mùa thu năm 1863, Fyodor Dostoyevsky đã viết vài dòng cho bạn mình - một tiểu thuyết gia người Nga, Ivan Turgenev, như vậy. Chỉ mới vài tháng kể từ khi Dostoyevsky lần đầu tiên bước vào sòng bạc ở Wiesbaden (Đức), ông đã nhiều lần lặp lại vòng tuần hoàn mà những người đánh bạc thường gặp phải: Thắng lớn, rồi thua lớn hơn.
Những năm đó, Dostoyevsky thường xuyên đi lại giữa các thị trấn nghỉ dưỡng xa hoa của Đức là Baden-Baden, Bad Homburg và Wiesbaden, để thử vận may. Chính vì thế, năm 1866, trong vụ cá cược nguy hiểm với nhà xuất bản - giao một cuốn tiểu thuyết mới trước ngày 1 tháng 11 hoặc mất quyền xuất bản toàn bộ danh mục của mình, ông đã hoàn thành cuốn "The Gambler". Để hoàn thành cuốn tiểu thuyết này, ông đã dành 3 tuần để đọc cho người đánh máy tốc ký - người sau này trở thành người vợ thứ hai của ông, Anna Grigoryevna. Cuốn tiểu thuyết kể về Alexei Ivanovich - một gia sư trẻ người Nga, đi cùng một vị tướng quyền uy đến thị trấn hư cấu Roulettenburg của Đức và sa vào cờ bạc.
Mặc dù được mô phỏng chặt chẽ theo Wiesbaden, nhưng thị trấn Roulettenburg trong cuốn tiểu thuyết có nhiều khả năng là sự kết hợp của ba thị trấn – nơi mà Dostoyevsky đã sa đà trong các canh bạc. Cho tới nay, chúng vẫn còn là những thị trấn du lịch, dù không còn sức hút đối với du khách như trước đó, đặc biệt là người Nga. Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cũng khiến cho việc di chuyển tới ba thị trấn này bị hạn chế ít nhiều.
Nằm bên bờ sông Rhine, thời kỳ hoàng kim của Wiesbaden là ở cuối thế kỷ 19. Khi đó, Wiesbaden là nơi sinh sống của nhiều triệu phú hơn bất kỳ thành phố nào khác của Đức. Còn Dostoyevsky tới đây là để tìm cách điều trị chứng động kinh của mình.
Wiesbaden ngày nay không còn vẻ hào nhoáng như trước, nhưng những tàn tích của thời kỳ hoàng kim vẫn hiện diện ở khắp mọi nơi - trong các đài phun nước và hàng cột dọc các đại lộ lớn, trong các biệt thự theo phong cách nghệ thuật mới và các nhà thờ theo phong cách Gothic Revival nằm rải rác ở khu vực trung tâm thành phố, nơi hầu như không bị hư hại trong các cuộc chiến tranh thế giới.
Khách sạn Nassauer Hof – có tuổi đời 200 năm nằm trên một suối nước nóng, là nơi Dostoyevsky tới ở vào năm 1865. Trong khoảng thời gian ở đây, ông ta “mất” 3.000 rúp tại sòng bạc và vội vã rời đi mà không trả hóa đơn. Ngày nay, Nassauer Hof không còn vẻ xa hoa như những bức ảnh được đóng khung treo trên tường nhưng lại có nét cổ kính của thời gian. Trong những bức ảnh đó đều là những vị khách nổi tiếng như Sa hoàng Nicholas II, hay Karl Lagerfeld.
Đứng ở sảnh khách sạn, nếu đã đọc "The Gambler", bạn có thể hình dung ra cảnh tượng Alexei một ngày nọ trở về và thấy bà mẹ người Nga mà vị tướng mong đợi sẽ sớm được thừa kế gia tài, đang "ngồi trên chiếc ghế mà bà đã ngồi".
Spa Kurhaus - được xây dựng vào năm 1907, nằm đối diện khách sạn, ngày nay đã trở thành trung tâm hội nghị và phòng hòa nhạc. Điều đặc biệt là, sòng bạc ở đây vẫn còn hoạt động. Sòng bạc này không rộng lắm, cũng không giống với mô tả của sòng bạc mà Dostoyevsky từng chơi, ngoại trừ một bàn roulette nguyên bản được đặt trong kính. Nhưng không khó để chỉ ra mối liên hệ giữa những người chơi giàu có đang lười biếng đặt cược ở đây ngày nay và những quý ông cờ bạc mà Dostoyevsky mô tả, những người đặt cược "chỉ để giải trí, chỉ để theo dõi quá trình thắng hay thua..."
Để tìm bữa tối đúng chất Wiesbaden nhất, đừng bỏ qua “Quán rượu rượu táo trên thiên đường” (Apple Wine Tavern in the Heavens) hay Apfelweinstube im Himmelreich. Quán nhìn ra vùng làm rượu vang với các luống nho thẳng thắp, phục vụ các món đặc sản truyền thống. Đừng quên thử rượu táo ở đây - rất ngon, và món phô mai truyền thống Hand cheese with music - một loại phô mai sữa chua đông trong suốt phủ hành tây trắng sống, dấm và hạt caraway, không đến nỗi khó ăn như bạn nghĩ.
Trung tâm thành phố có một suối nước nóng tự nhiên, độ nóng là khoảng 151 độ F. Ở đó người ta dựng một đài phun nước và người dân có thể uống trực tiếp thứ nước khoáng nóng hổi này trước khi đi tới quán cà phê nhỏ xinh theo phong cách Vienna mà Dostoyevsky từng lui tới - Café Maldaner. Đừng bỏ qua những miếng bánh strudel ở quán cà phê này. Nhâm nhi cà phê với strudel giống như Dostoyevsky từng làm.
Nằm dưới chân dãy núi Taunus, ngay phía bắc Frankfurt, Bad Homburg là một trong những thị trấn giàu có nhất ở Đức. Ở đây có sân golf lâu đời nhất của đất nước và câu lạc bộ quần vợt đầu tiên của châu Âu. Công viên rộng 116 mẫu Anh của thị trấn này là một khu vườn mang phong cách của thế kỷ 19, các tượng đài tân cổ điển và đài phun nước phun nước khoáng thiên nhiên từ một trong 14 suối nước nóng chảy ngầm ở bên dưới thị trấn. Công viên được thiết kế bởi Peter Joseph Lenné - kiến trúc sư cảnh quan người Đức, và đây là thiết kế duy nhất của Lenné được bảo tồn nguyên bản.
Spa Kaiser-Wilhelms-Bad do vị hoàng đế cuối cùng của Đức xây dựng theo phong cách Phục Hưng mới. Ngày nay, nơi đây cho du khách sử dụng thẻ vào cửa trong ngày có giá 69 euro mỗi người để ngâm mình trong hồ nước mặn, được massage với đất sét giàu khoáng chất hoặc tắm hơi bằng cỏ khô, thảo mộc và hoa đồng nội.
Ở rìa bên kia công viên, spa Taunus Therme có nhiều người bản địa đến tắm hơn. Họ có thể nô đùa trong những hồ bơi được thiết hình mái vòm hoặc tắm nắng trong vườn.
Nhưng Dostoyevsky bỏ qua việc tắm rửa và đi đến sòng bạc.
Sòng bạc ở Bad Homburg được hai anh em sinh đôi - François và Louis Blanc, mở cửa vào năm 1842. Sòng bạc ban đầu có phòng khiêu vũ, nhà hàng, cánh bên giống lâu đài, rạp hát, nhưng sau đó chỉ còn có sòng bạc hoạt động là chính. Đến năm 1872, chính phủ Đức khi đó ra lệnh cấm đánh bạc, Bad Homburg trở nên suy tàn và bị phá hủy bởi cuộc ném bom của quân Đồng minh trong Thế chiến thứ 2. Đến năm 1949, Bad Homburg mở cửa trở lại.
Sòng bạc hiện tại - Spielbank Bad Homburg, có trần thấp, xây dựng từ những năm 1950, không có sự tráng lệ như sòng bạc trước đó. Và, không giống như ở Wiesbaden, nơi đây hầu như không có người qua lại.
Ở gần đó, có một Quán bar Dostoyevsky mang tên nhà tiểu thuyết gia này và đi về phía nhà ga có một bức tượng của ông đang ngồi trên băng ghế công viên, nắm chặt tay trong vẻ tuyệt vọng.
Nằm ở rìa Rừng Đen gần biên giới Pháp, Baden-Baden không có gì ngoài cảnh đẹp, với những con hẻm lát đá cuội, hai bên là những ngôi biệt thự thời kỳ Belle Epoque và những cây dẻ ngựa nở hoa.
Trên phố Sophienstrasse, Khách sạn Quellenhof - một khách sạn bình dân, được cho là nơi đã từng đón tiếp Dostoyevsky. Khi khách sạn này cũng yên tĩnh hệt như thị trấn. Nằm bên bờ sông Oos chảy qua trung tâm thị trấn là Kurhaus Baden-Baden được xây dựng từ thế kỷ 19, được bao quanh bởi rừng cây, với những cột trụ Corinthian, một bức phù điêu hình đôi kỳ lân và bên trong là nơi mà nữ diễn viên kiêm ca sĩ người Đức Marlene Dietrich gọi là "sòng bạc đẹp nhất thế giới". Sòng bạc vẫn trông giống như thời hoàng kim của nó, với những chiếc đèn chùm pha lê đồ sộ, những bức tường lụa đỏ, lá vàng và đồ sứ Trung Hoa….
Hiện giờ, ở Kurhaus không còn spa nữa nên du khách có thể tới tắm nước khoáng nóng ở Friedrichsbad - một khu spa lát gạch theo phong cách La Mã, mở cửa vào năm 1877. Vé vào cửa ở đây là 35 euro, nơi bạn có thể tắm hoặc xông hơi ở 17 trạm hồ nước nóng.
Cách đó vài bước là ngôi nhà nơi Dostoyevskys đã sống trong mùa hè định mệnh năm 1867, một giai đoạn được ghi nhớ trong cuốn hồi ký đầu tiên của Anna Grigoryevna. Bà viết: “Tôi đã đau khổ không thể diễn tả được khi chờ đợi Feodor. Tôi đã khóc và nguyền rủa chính mình, trò roulette, sòng bạc Baden-Baden và mọi thứ trên Trái đất…”. Anna Grigoryevna có 2 cuốn hồi ký được xuất bản sau khi bà qua đời.
Sau Baden-Baden, gia đình Dostoyevsky vẫn ở lại châu Âu thêm bốn năm nữa, sống giữa Thụy Sĩ và Ý. Đây là khoảng thời gian khó khăn, khi sức khỏe của Dostoyevsky suy yếu và đứa con đầu lòng của hai người mất khi mới được 3 tháng tuổi.
Năm 1871, Dostoyevsky trở về Wiesbaden và lại sa vào cờ bạc. “Trong 10 năm, tôi đã mơ về việc thắng tiền… Nhưng giờ thì tất cả đã kết thúc!”, ông viết cho Anna Grigoryevna từ Wiesbaden như vậy. Và lần này, ông thực sự nghiêm túc. Ông không bao giờ đánh bạc nữa, cũng không quay trở lại Đức. Ông và vợ định cư ở Nga và có thêm ba đứa con.
Nhưng dù khó khăn đến đâu, thập kỷ ở Đức đã cho Dostoyevsky chất liệu để viết "Tội ác và hình phạt", "Kẻ ngốc" và "Quỷ dữ". Và, trong các tác phẩm sau này của ông, sự xuất hiện của người Đức đã luôn tồn tại trạng thái yêu - ghét vĩ đại nhất của nền văn học.
Bình luận của bạn