"Cuộc chiến" phòng chống sốt rét vẫn còn nhiều khó khăn

Một đứa trẻ Ghana đang được tiêm phòng sốt rét - loại vaccine được cho là có tác dụng làm giảm số ca tử vong ở trẻ em

WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai

143 người tử vong do bệnh lạ ở CHDC Congo, WHO vào cuộc

Sốt xuất huyết tăng kỷ lục tại Châu Mỹ, 7.700 ca tử vong trong năm 2024

Sốt xuất huyết: Bùng phát & ngăn chặn dưới góc nhìn thế giới

Báo cáo toàn cầu về sốt rét mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố cho thấy, tiến độ phòng chống sốt rét trên toàn cầu đang bị đình trệ nghiêm trọng. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc giảm thiểu sự lây lan của bệnh trong những thập kỷ qua, nhưng vào năm 2023, thế giới vẫn ghi nhận 263 triệu ca mắc mới và 597.000 ca tử vong do bệnh sốt rét tại 83 quốc gia. Con số này cho thấy bệnh sốt rét vẫn đang là một thách thức lớn, đặc biệt là ở khu vực châu Phi, nơi có phần lớn các ca mắc và tử vong; trong đó trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng chịu gánh nặng lớn nhất.

WHO cũng ghi nhận một số thành tựu đáng chú ý như việc Ai Cập được công nhận là quốc gia không còn sốt rét -  đánh dấu một cột mốc quan trọng tại quốc gia đông dân thứ ba ở châu Phi. Tuy nhiên, dù có những thành công này, sốt rét vẫn đang là một vấn đề nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các khu vực nghèo và những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu, xung đột và kháng thuốc.

Thực trạng sốt rét gia tăng ở các quốc gia

Gánh nặng sốt rét tại các quốc gia

Gánh nặng sốt rét tại các quốc gia

WHO chỉ ra sự gia tăng số ca mắc sốt rét trong những năm gần đây. Năm 2023, bệnh sốt rét đã có sự gia tăng mạnh mẽ ở một số quốc gia, trong đó các quốc gia như Ethiopia (+4,5 triệu ca), Madagascar (+2,7 triệu ca), Pakistan (+1,6 triệu ca), Nigeria (+1,4 triệu ca) và Cộng hòa Dân chủ Congo (+600.000 ca).

Năm 2023, tỷ lệ tử vong vì sốt rét trên toàn cầu đạt 13,7 ca trên 100.000 người có nguy cơ, gấp đôi so với mục tiêu giảm xuống mức 5,5 ca như WHO đặt ra trong chiến lược toàn cầu.

Mục tiêu của WHO về tỷ lệ tử vong do sốt rét (màu xanh lá cây) và dự báo tỷ lệ theo thực trạng hiện nay (màu xanh lam)

Mục tiêu của WHO về tỷ lệ tử vong do sốt rét (màu xanh lá cây) và dự báo tỷ lệ theo thực trạng hiện nay (màu xanh lam)

Nguyên nhân đình trệ

Biến đổi khí hậu và xung đột 

Một trong những yếu tố đáng lo ngại đối với việc kiểm soát sốt rét là biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như nhiệt độ tăng và mưa nhiều, đang tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt rét phát triển, đặc biệt tại những khu vực có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Những thay đổi này không chỉ làm gia tăng số lượng muỗi mà còn ảnh hưởng đến khả năng lây lan của bệnh sốt rét. Một ví dụ điển hình là Pakistan, nơi những trận lũ lớn năm 2022 đã tạo ra môi trường lý tưởng cho muỗi phát triển, làm tăng số ca mắc sốt rét gấp 8 lần trong 2 năm, từ khoảng nửa triệu ca lên hơn 4 triệu ca vào năm 2023.

Xung đột và các cuộc khủng hoảng nhân đạo cũng là những yếu tố làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. WHO cảnh báo rằng các cuộc xung đột ở nhiều quốc gia đang ngăn cản người dân tiếp cận các biện pháp phòng ngừa và điều trị sốt rét. Các khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và di cư thường phải sống trong những điều kiện khó khăn và không có đủ nguồn lực để phòng ngừa hoặc điều trị bệnh.

Kháng thuốc 

Tình hình kháng thuốc artemisinin tại một số quốc gia Châu Phi tính đến tháng 11/2024

Tình hình kháng thuốc artemisinin tại một số quốc gia Châu Phi tính đến tháng 11/2024

Một thách thức lớn khác trong việc phòng chống sốt rét là hiện tượng kháng thuốc. Muỗi truyền bệnh sốt rét hiện nay đang dần phát triển khả năng kháng lại các loại thuốc diệt côn trùng phổ biến như pyrethroids, điều này làm giảm hiệu quả của màn ngủ tẩm thuốc diệt muỗi và các biện pháp diệt muỗi khác. Hơn nữa, sự kháng thuốc đối với thuốc điều trị sốt rét artemisinin cũng đã xuất hiện tại một số quốc gia châu Phi, khiến việc điều trị bệnh sốt rét trở nên khó khăn hơn.

Giải pháp và khuyến nghị 

Phòng ngừa cho các nhóm đối tượng có nguy cơ

Báo cáo của WHO cũng đặc biệt nhấn mạnh sự bất bình đẳng trong việc gánh chịu bệnh sốt rét, đặc biệt là đối với những nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ mang thai, người nghèo, người di cư và tị nạn. WHO cho rằng bệnh sốt rét tấn công mạnh mẽ nhất vào những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; và khi tình hình kinh tế của họ được cải thiện, nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm đi. Việc cung cấp các biện pháp phòng ngừa, điều trị cho những nhóm này là một trong những ưu tiên hàng đầu trong "cuộc chiến" chống sốt rét.

WHO cũng khuyến nghị các quốc gia tăng cường việc thu thập, phân tích dữ liệu phân theo giới tính và các yếu tố kinh tế xã hội để có cái nhìn rõ ràng hơn về ai là người bị ảnh hưởng nặng nề nhất để có những biện pháp can thiệp phù hợp. Việc sử dụng vaccine sốt rét cho trẻ em dưới 5 tuổi tại một số quốc gia châu Phi như Ghana, Kenya và Malawi đã chứng minh hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ tử vong, với việc giảm 13% tỷ lệ tử vong toàn cầu nhờ vào việc tiêm vaccine kết hợp với các biện pháp khác như màn ngủ tẩm thuốc diệt muỗi.

Tăng cường nguồn tài trợ

Mặc dù có những tiến bộ nhất định, nhưng nguồn tài trợ cho cuộc chiến chống sốt rét vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Theo báo cáo, trong năm 2023, chỉ có chưa đến một nửa trong tổng số 8,3 tỷ USD cần thiết cho công tác phòng chống sốt rét đã được huy động. Hầu hết các nguồn tài trợ này đến từ các tổ chức quốc tế, trong khi các quốc gia bị ảnh hưởng chỉ đóng góp khoảng 33% trong suốt thập kỷ qua. WHO và các tổ chức quốc tế như Quỹ Toàn cầu, GAVI cần được tái cấp vốn trong các đợt huy động tài trợ tiếp theo để duy trì và phát triển các chương trình phòng chống sốt rét hiệu quả.

Các chuyên gia và tổ chức quốc tế đều kêu gọi các quốc gia và cộng đồng quốc tế cần tăng cường đầu tư vào việc phòng chống sốt rét. Các chương trình phòng chống sốt rét không chỉ giúp cứu sống hàng triệu người mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế toàn cầu. Đầu tư vào phòng chống sốt rét có thể tạo ra những lợi ích kinh tế lâu dài, giúp cải thiện hệ thống y tế và tăng cường sức khỏe toàn cầu.

 
Đào Dung (Theo Health Policy Watch)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin