WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai

Vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ 2 trên thế giới được WHO phê duyệt - Anh: AFP.

Báo động tình trạng gia tăng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Châu Phi

FDA phê duyệt vaccine ACAM2000 phòng bệnh đậu mùa khỉ

Các quốc gia Đông Nam Á tăng cường cảnh giác với bệnh đậu mùa khỉ

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu lần thứ 2 vì bệnh đậu mùa khỉ

WHO tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.

"Việc phê duyệt vaccine LC16m8 chống lại bệnh đậu mùa khỉ của WHO đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác ứng phó với tình trạng khẩn cấp hiện nay, cung cấp một lựa chọn mới để bảo vệ mọi nhóm dân số, bao gồm cả trẻ em" - Bà Yukiko Nakatani, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO phụ trách lĩnh vực thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho biết, theo Japan Times.

Động thái này diễn ra sau khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ tài trợ 3,05 triệu liều LC16m8 cùng với kim tiêm chuyên dụng cho Cộng hòa Dân chủ Congo - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 39.000 trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ và hơn 1.000 ca tử vong.

"Đây là gói tài trợ lớn nhất được công bố cho đến nay để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ hiện tại", WHO cho biết và khuyến cáo không nên sử dụng vaccine này cho phụ nữ mang thai hoặc những người bị suy giảm miễn dịch.

Trước đó, Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc tế mới về bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 14/8, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về sự gia tăng các trường hợp mắc chủng Clade 1b mới tại Cộng hòa Dân chủ Congo đã lây lan sang các quốc gia lân cận. 

Theo WHO, từ đầu năm đến nay, chủng Clade 1b này và các chủng bệnh đậu mùa khỉ khác đã được báo cáo trên 80 quốc gia trên thế giới, trong số đó có 19 quốc gia ở Châu Phi.

Tháng 9 vừa qua, WHO cũng đã chính thức phê duyệt sử dụng vaccine phòng đậu mùa khỉ của hãng dược phẩm Bavarian Nordic (Đan Mạch) cho thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước căn bệnh này.

Bệnh đậu mùa khỉ do một loại virus có thể lây truyền sang người từ động vật mắc bệnh hay thông qua tiếp xúc vật lý gần. Bệnh gây sốt, đau nhức cơ, tổn thương da và có nguy cơ gây tử vong.

Bài học từ đại dịch COVID-19 trong ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ đang là một thách thức lớn với hệ thống y tế của Châu Phi khi số ca mắc bệnh tại đây từ đầu năm 2024 tới nay đã vượt mốc 50.000 ca - Ảnh: AFP

Bệnh đậu mùa khỉ đang là một thách thức lớn với hệ thống y tế của Châu Phi khi số ca mắc bệnh tại đây từ đầu năm 2024 tới nay đã vượt mốc 50.000 ca - Ảnh: AFP

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Châu Phi cho biết, 3 tháng kể từ khi bệnh đậu mùa khỉ được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng với an ninh lục địa, tốc độ lây lan của virus này vẫn không hề chậm lại, khi số ca bệnh được báo cáo cho đến nay trong năm nay đã vượt quá 53.000 ca.

Dữ liệu từ cơ quan chăm sóc sức khỏe chuyên khoa của Liên minh Châu Phi cho thấy, số ca bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận ở Châu Phi đã tăng hơn 569% trong năm nay so với tổng số của năm ngoái, nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, theo Xinhua.

Ủy ban Châu Âu (EC) mới đây công bố kế hoạch phối hợp với Bỉ, Ðức và Bồ Ðào Nha cung cấp 122.300 liều vaccine phòng, chống dịch đậu mùa khỉ cho CDC Châu Phi.

Ðây là một phần trong cam kết tổng thể của Liên minh Châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên nhằm hỗ trợ 580.000 liều vaccine cho CDC Châu Phi. Trước đó, khoảng 899.000 liều vaccine đã được phân bổ cho 9 quốc gia Châu Phi đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch đậu mùa khỉ thông qua WHO và các tổ chức y tế khác.

Cũng như đại dịch COVID-19, chìa khóa để thế giới cùng vượt qua bệnh đậu mùa khỉ là tinh thần đoàn kết và sẻ chia. Hàng loạt tổ chức quốc tế và quốc gia cam kết hỗ trợ tài chính để "Lục địa Ðen" ứng phó dịch bệnh này. Giám đốc điều hành Liên minh toàn cầu về vaccine (Gavi) Sania Nishtar nhận định, những bài học rút ra từ đại dịch COVID-19 đã giúp thế giới giải quyết tốt hơn dịch đậu mùa khỉ đang hoành hành ở Châu Phi.

Ðại dịch COVID-19 từng cho thấy cộng đồng quốc tế không chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, đồng thời phơi bày những yếu kém của hệ thống y tế, trong đó có sự bất bình đẳng về tiếp cận vaccine. Nghịch lý xảy ra khi nơi thì thừa vaccine ngừa COVID-19 đến mức phải vứt bỏ vì quá hạn sử dụng, nơi lại không có vaccine để cứu sinh mạng của người dân.

Vào thời điểm làn sóng dịch đậu mùa khỉ bùng phát và lan nhanh trên toàn cầu vào năm 2022, nhiều quan chức y tế thế giới lo ngại rằng sai lầm về "chạy đua" giành vaccine ngừa COVID-19 sẽ lặp lại với dịch đậu mùa khỉ, đồng thời lên tiếng thúc giục thế giới đoàn kết để Châu Phi không bị bỏ lại phía sau.

Nếu Châu Phi không an toàn, phần còn lại của thế giới cũng sẽ không an toàn. Sau thời gian dài cả thế giới căng sức chống chọi đại dịch COVID-19, những bài học mà chúng ta rút ra từ đại dịch này chính là nền tảng quan trọng để ứng phó hiệu quả các mối đe dọa về sức khỏe khác, trong đó có làn sóng dịch đậu mùa khỉ hiện nay.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Japan Times/Xinhua)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin