Biến đổi khí hậu ảnh hưởng thế nào tới làn da?

Không chỉ nắng nóng mà ngay cả ô nhiễm không khí, mưa lũ kéo dài cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới làn da

Hội nghị về Biến đổi khí hậu, Sức khỏe và Hệ thống y tế xanh Châu Á -Thái Bình Dương 2024

Biến đổi khí hậu làm tăng giá dầu olive

Điểm tới hạn về khí hậu của hành tinh

3 ưu tiên để ngăn chặn thảm họa sức khỏe do biến đổi khí hậu vào năm 2050

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA), tốc độ ấm lên của Trái Đất đang gia tăng với tốc độ đáng báo động, gấp ba lần mỗi thập kỷ kể từ năm 1982. Nguyên nhân chính đằng sau sự gia tăng nhiệt độ này là do các hoạt động của con người như việc thải ra một lượng lớn khí nhà kính vào khí quyển. Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đã dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, mùa đông ấm hơn với lượng tuyết giảm đáng kể, băng biển tan chảy nhanh chóng, lượng mưa bất thường và những thay đổi sâu sắc trong hệ sinh thái, ảnh hưởng đến sự sống của hàng triệu loài sinh vật.

Cơ chế “làm mát” của da

Da đóng vai trò giống như một hệ thống làm mát tự nhiên của cơ thể. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Eva R. Parker khoa Da liễu Đại học Vanderbilt (Mỹ), khi nóng, các mạch máu dưới da mở rộng giúp cơ thể giải phóng nhiệt. Bên cạnh đó, tuyến mồ hôi trên da cũng hoạt động tích cực để làm mát cơ thể thông qua quá trình bay hơi. Hình dung như khi ta mở một túi đồ đã được hâm nóng trong lò vi sóng, hơi nước bên trong sẽ thoát ra ngoài làm giảm nhiệt độ bên trong túi và làn da của chúng ta cũng hoạt động tương tự như vậy.

Tuy nhiên, khi nhiệt độ môi trường tăng cao và kéo dài, khả năng làm mát của cơ thể sẽ bị suy giảm đáng kể. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, khi khả năng điều hòa nhiệt độ của cơ thể đã giảm sút.

PGS. Parker cũng nhấn mạnh, trong những đợt nắng nóng, cơ thể chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao hơn của các vấn đề liên quan đến nhiệt độ như say nắng.

Nắng nóng khiến da sinh bệnh 

Sự gia tăng nhiệt độ trong môi trường không chỉ tác động đến sức khỏe tổng thể mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lên làn da. Nhiệt lượng dư thừa bị cơ thể hấp thụ sẽ dẫn đến các phản ứng viêm, làm trầm trọng thêm các vấn đề về da như mụn trứng cá.

Mồ hôi tăng tiết trong điều kiện nóng ẩm, dễ dàng làm tắc nghẽn lỗ chân lông, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi. Theo đó, Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa Adam Friedman đồng thời là Chủ nhiệm khoa Da liễu tại Đại học Geogre Washingotn (Mỹ) khẳng định, mồ hôi chính là một tác nhân gây kích ứng da. Các tình trạng như phát ban do nhiệt, nhiễm nấm và nhiễm khuẩn cũng trở nên phổ biến hơn khi mồ hôi tích tụ trên da, đặc biệt ở những vùng da gấp nếp.

Thời tiết cực đoan có thể gây khô, nứt nẻ da

Thời tiết cực đoan có thể gây khô, nứt nẻ da

Bên cạnh đó, nhiệt độ cao còn góp phần gia tăng nồng độ phấn hoa trong không khí, kéo dài mùa dị ứng và làm trầm trọng thêm các bệnh lý về da như eczema và hen suyễn. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Maria Wei tại Đại học California San Francisco (Mỹ), nhiệt độ cao kéo dài còn đẩy nhanh quá trình lão hóa da, làm suy yếu cấu trúc da và gây ra các vấn đề về sắc tố. Cụ thể, nhiệt độ cao làm giảm độ đàn hồi của da, tạo điều kiện cho sự hình thành nếp nhăn và làm tăng nguy cơ xuất hiện các đốm nâu.

Biến đổi khí hậu khiến tia UV dễ dàng xâm nhập

Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh về da. Nguyên nhân một phần có thể kể đến là từ sự công nghiệp hoá đang diễn ra trên toàn cầu. Hậu quả đã làm suy giảm tầng ozone, làm tăng khả năng tiếp xúc giữa tia cực tím (UV) với con người. Tia UV không chỉ gây ra cháy nắng và ung thư da mà còn là nguyên nhân chính của các vấn đề về sắc tố như nám da và các phản ứng dị ứng ánh sáng. Bên cạnh đó, nhiệt độ đang ngày một tăng cao cũng khiến chúng ta tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều hơn, làm trầm trọng thêm tình hình.

Mặc dù mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và các bệnh về da đã được các nghiên cứu khoa học ủng hộ, nhưng việc chứng minh một cách chắc chắn vẫn còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, bằng chứng hiện tại cho thấy biến đổi khí hậu, bao gồm cả suy giảm tầng ozone, đang đóng một vai trò quan trọng trong việc gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh về da trên toàn cầu.

Vô vàn những vấn đề khác

Lũ lụt khiến nguồn nước ô nhiễm vẫn là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với làn da. Việc tiếp xúc với nước bẩn có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng da, phát ban và các vấn đề sức khỏe khác. Ngược lại, hạn hán kéo dài lại khiến da trở nên khô ráp, nứt nẻ, dễ bị kích ứng và các bệnh về da như eczema nghiêm trọng hơn.

Một số bệnh về da thường gặp khi tới mùa lũ

Một số bệnh về da thường gặp khi tới mùa lũ

Bên cạnh đó, cháy rừng để lại nhiều khói bụi chứa các chất độc hại, cũng là một mối lo ngại lớn. Các hạt mịn trong khói bụi xâm nhập sâu vào da, gây tổn thương hàng rào bảo vệ tự nhiên, tăng sản xuất sắc tố, làm hỏng DNA tế bào và gây viêm. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về da như eczema, vẩy nến, mụn trứng cá và thậm chí tăng nguy cơ ung thư da.

Không chỉ các sự kiện thời tiết cực đoan, ô nhiễm không khí từ các hoạt động công nghiệp và giao thông cũng góp phần làm tăng các vấn đề về da. Các chất thải ô nhiễm này có thể lan rộng, ảnh hưởng đến chất lượng không khí ở nhiều khu vực, thậm chí cả những nơi xa xôi.

Bảo vệ để có một làn da khoẻ mạnh

Để hạn chế các tác động từ môi trường lên làn da, các chuyên gia da liễu khuyến cáo nên áp dụng một số biện pháp chăm sóc da sau:

Làm sạch đúng cách: Thay vì sử dụng xà phòng truyền thống làm khô da, hãy chọn các loại sữa rửa mặt dịu nhẹ dành cho da nhạy cảm. Việc làm sạch thường xuyên, đặc biệt sau khi đổ mồ hôi, giúp loại bỏ bụi bẩn, mồ hôi và các chất gây ô nhiễm, ngăn ngừa tắc nghẽn lỗ chân lông và giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Hạn chế sử dụng các sản phẩm dưỡng da có dầu: Dầu có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây mụn. Hãy ưu tiên các sản phẩm có kết cấu nhẹ, không gây nhờn.

Bảo vệ các vùng da dễ bị kích ứng: Nên thường xuyên chăm sóc vùng da nhạy cảm bằng các sản phẩm tạo hàng rào bảo vệ như sáp hoặc kem dưỡng ẩm. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người thường xuyên bị phát ban ở nếp gấp da.

Tăng cường bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời: Hãy thoa kem chống nắng phổ rộng và thường xuyên, đặc biệt khi ra ngoài vào những giờ cao điểm. Ngoài ra, mặc áo chống nắng và đội mũ cũng giúp bảo vệ da hiệu quả.

Giảm tiếp xúc với ô nhiễm: Trong những ngày có chỉ số chất lượng không khí cao, hãy ở trong nhà, đóng cửa sổ và sử dụng máy lọc không khí. Đồng thời, sử dụng các sản phẩm dưỡng da chứa chất chống oxy hóa như vitamin C có thể giúp trung hòa các gốc tự do, bảo vệ da khỏi tổn thương.

 
Hà Chi (Theo Women's Health)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Da liễu