Ngăn ngừa nguy cơ thoái hóa điểm vàng bằng cách thực hiện các biện pháp hỗ trợ bảo vệ mắt
Ăn rau xanh: Các loại rau xanh như cải xoăn, bông cải xanh, rau chân vịt chứa nhiều vitamin E, các chất chống oxy hóa đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe mắt như lutein, zeaxanthin và beta-carotene.
Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng. Hút thuốc làm cho các mạch máu võng mạc co lại, điều này có thể làm tăng huyết áp và gia tăng nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn từ cả hai thể thoái hóa điểm vàng ướt và khô.
Che chắn bảo vệ mắt: Bức xạ tia cực tím từ mặt trời có thể làm tăng nguy cơ bị thoái hóa điểm vàng. Vì vậy, bất cứ khi nào bạn đi ra ngoài hoặc tiếp xúc với ánh nắng chói chang, hãy đeo kính râm có chỉ số chống tia UV là UV400 để chống được các tia sáng có bước sóng cao tác động trực tiếp lên mắt.
Thực phẩm bổ sung cho mắt: Các loại viên bổ mắt với công thức chứa các chất dinh dưỡng như vitamin C, vitamin E, kẽm, lutein, zeaxanthin và acid béo omega-3 có thể là một sự hỗ trợ tốt để nuôi dưỡng, bảo vệ và nâng cao sức khỏe mắt.
Tập thể dục: Vận động thể chất tăng cường cơ tim giúp bơm nhiều máu giàu oxy hơn đến mắt. Đồng thời, hoạt động này cũng hỗ trợ kiểm soát cân nặng và ngăn ngừa béo phì - nguyên nhân gây nguy cơ mắc thoái hóa điểm vàng.
Ăn nhiều cá hơn: Cá chứa nhiều hàm lượng chất béo lành mạnh omega-3 giúp tăng cường sức khỏe của mắt bằng cách ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh võng mạc, đặc biệt là các loại cá béo như cá hồi, cá mòi, cá ngừ hay cá thu. Bạn nên ăn 2 khẩu phần cá mỗi tuần (không quá 350gr).
Duy trì huyết áp ở mức ổn định: Huyết áp cao có thể làm tăng tổn thương mạch máu và khả năng bơm máu của tim để vận chuyển oxy đến mắt. Bạn có thể kiểm soát huyết áp bằng chế độ ăn kiêng, tập thể dục và dùng thuốc khi cần thiết.
Kiểm soát mức cholesterol: Cholesterol “xấu” LDL có thể tích tụ trong hoàng điểm của mắt và tạo thành cặn gọi là drusen ảnh hưởng đến thị lực. Để giảm cholesterol LDL, hãy hạn chế chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống và duy trì thói quen tập thể dục đều đặn.
Hạn chế thịt và đồ ăn vặt không lành mạnh: Nếu bị thoái hóa điểm vàng, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa từ thịt đỏ, sữa tươi nguyên chất, thực phẩm chiên rán và đồ nướng có thể làm tăng tổn thương thị lực. Dầu ô liu và dầu hạt cải là những lựa chọn chất béo lành mạnh hơn cho đôi mắt của bạn.
Tự kiểm tra thị lực: Bạn có thể sử dụng lưới Amsler (một biểu đồ chứa các đường thẳng có dấu chấm ở giữa) để tự kiểm tra thị lực thường xuyên. Nếu bạn thấy các đường này chuyển sang dạng gợn sóng, méo mó, hoặc những đốm đen xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên biểu đồ, hãy tới gặp bác sĩ nhãn khoa ngay để kiểm tra mắt.
Cải thiện hệ thống chiếu sáng: Tránh sử dụng bóng đèn huỳnh quang, thay vào đó, đèn sợi đốt hoặc đèn LED là sự lựa chọn an toàn hơn vì chúng chứa ít tia UV có hại cho mắt. Ngoài ra, hãy lắp rèm che cửa sổ để giảm độ chói và trang bị thêm ánh sáng cho cầu thang và hành lang để hỗ trợ di chuyển an toàn vào ban đêm.
Thử dụng cụ hỗ trợ thị lực: Kính lúp cầm tay nhỏ gọn giúp phóng đại chữ được in trong sách, báo và điện thoại, hay ứng dụng chuyển văn bản thành giọng nói, có thể là những công cụ hỗ trợ hữu hiệu cho thị lực của bạn trong một vài trường hợp.
Thăm khám và kiểm tra mắt với bác sĩ nhãn khoa: Mất thị lực do thoái hóa điểm vàng không xảy ra ngay lập tức mà dần dần theo từng giai đoạn. Do vậy, cần thiết thực hiện khám mắt định kỳ và báo cho bác sĩ ngay nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi bất thường nào ở mắt để phát hiện kịp thời tổn thương và điều trị sớm.