"Điều gì đang cản trở phát triển dược liệu Việt Nam?" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề - Ảnh: Lê Kiên
Liên tục phát hiện dược liệu "rởm"!
Khuyến khích nuôi trồng dược liệu cho ngành y học cổ truyền
Tràn dược liệu nhập từ Trung Quốc
Doanh nghiệp TPCN muốn hội nhập TPP: Đầu tư dược liệu!
Chiều tối 29/3, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với Hiệp hội Dược liệu Việt Nam và các Bộ, ngành để nghe báo cáo ban đầu, nhằm chuẩn bị cho hội nghị nêu trên.
Sản xuất manh mún, khó khăn đầu ra
Theo ông Tạ Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Dược liệu Việt Nam, thì đất nước ta có rất nhiều tiềm năng về dược liệu, có truyền thống lâu đời chữa bệnh đông y. Nhưng hiện nay ngành dược liệu đang đứng trước nhiều khó khăn, đặc biệt là đầu ra cho các sản phẩm.
“Vấn đề lớn nhất là chất lượng dược liệu của chúng ta không đảm bảo. Lâu nay chỉ biết khai thác, sử dụng nhưng không có ý thức duy trì, phát triển dược liệu quý, sản xuất rất manh mún nên không cạnh tranh được” - ông Dũng nói.
Hậu quả là có những cây dược liệu xưa kia phổ biến, nhưng nay khan hiếm bởi khai thác quá mức, giống như tình trạng phá rừng, nên có nguy cơ mất nguồn gene quý. Có những bài thuốc cổ truyền rất quý hiếm, gắn với tên tuổi những “thầy lang” chữa bệnh có uy tín, nhưng không ít người nay đã ở tuổi 70 - 80, nên có nguy cơ thất truyền.
Hiệp hội Dược liệu Việt Nam kiến nghị Chính phủ ban hành chương trình quốc gia về xây dựng và bảo vệ dược liệu Việt. Mục đích là để huy động được các hiệp hội, các ngành sẽ tham gia tích cực, thu hút nguồn lực, đặc biệt là công nghệ cao, sản xuất lớn.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh bày tỏ: “Tôi đã trăn trở suốt 30 năm nay là làm sao kết hợp được giữa Đông y và Tây y, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Trách nhiệm có lẽ thuộc về Chính phủ, vì chưa có chủ trương, chính sách đúng đắn”.
Điều gì đang cản trở phát triển dược liệu Việt Nam?
“Tôi muốn nghe rõ thực trạng, tồn tại, khó khăn, những gì đang cản trở phát triển dược liệu Việt Nam, những đề xuất về chính sách, giải pháp để phát triển dược liệu. Những vấn đề này sẽ được bàn luận kỹ tại hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu ở Việt Nam” - Thủ tướng nêu vấn đề.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh VN là nước nhiệt đới, nhiều núi rừng, châu thổ, có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú và quý giá, nhưng đáng tiếc là tiềm năng không được khai thác có hiệu quả. “Tôi lấy ví dụ như cao sao vàng của ta vừa rồi báo chí viết là ở nước ngoài họ bán 6 USD, nhưng mình bán ra có 0,5 USD, rất là đáng tiếc” - Thủ tướng nêu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gợi ý một số vấn đề để Hiệp hội Dược liệu Việt Nam và Bộ Y tế chuẩn bị nội dung cho hội nghị sắp tới.
“Trước hết là quy hoạch, chúng ta quy hoạch sản xuất chưa đồng bộ, thiếu cụ thể, chưa biết những loại dược liệu gì trồng ở đâu.
Thứ hai là tổ chức sản xuất phải gắn với chế biến, nếu làm thô thì không hiệu quả, khó bảo quản” - ông gợi ý.
Thứ ba, theo Thủ tướng, là phải tổ chức đầu ra cho các sản phẩm dược liệu, cả trong nước và xuất khẩu. Động lực phát triển dược liệu là nhu cầu của thị trường. Cần tổ chức một số trung tâm sản xuất dược liệu ở các vùng, miền khác nhau để đầu tư sản xuất quy mô lớn.
Thứ tư, phải đảm bảo chất lượng dược liệu Việt Nam.
Thứ năm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhập lậu dược liệu vào Việt Nam, phá hỏng thị trường.
Thứ sáu, có biện pháp bảo vệ nguồn gene, phát triển các cây dược liệu quý hiếm. Phải có chính sách bảo vệ các cây thuốc quý hiếm.
Gắn sản xuất dược liệu với y học cổ truyền, với tên tuổi của các thầy thuốc có uy tín, đồng thời gắn phát triển dược liệu truyền thống với y học hiện đại.
“Về thể chế, chính sách, giao Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ dự thảo những định hướng chính sách cụ thể để trình bày tại hội nghị, tập trung tháo gỡ khó khăn, tồn tại, khuyến khích đầu tư tư nghiên cứu, sản xuất, phổ biến dược liệu Việt Nam” - Thủ tướng lưu ý.
Bình luận của bạn