Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu nhiệm vụ chiến lược, đột phá cho ngành Y tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế sáng 15/5 - Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu chuẩn bị ngay kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 đợt 3

Việt Nam đã có thể xét nghiệm COVID-19 tới 100.000 mẫu mỗi ngày

Lo bùng phát dịch ở các KCN, Phó Thủ tướng đề nghị tăng tốc độ lấy mẫu xét nghiệm

Thủ tướng kêu gọi toàn dân chung sức, đồng lòng chống dịch

Trong cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo nhanh những công tác, nhiệm vụ của ngành Y tế Việt Nam trong năm 2021 và mục tiêu hướng đến trong thời gian tới như đổi mới nguồn nhân lực, nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất vaccine, hệ thống kiểm định, thực hiện nền y tế công khai, minh bạch trong quản lý... và phấn đấu đến năm 2030 sẽ đưa Y tế Việt Nam vào tốp 30 thế giới.

Liên quan đến dịch COVID-19, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết năng lực xét nghiệm COVID-19 của các địa phương chưa đồng đều, tất cả các tỉnh thành phố đều đã xét nghiệm được Realtime RT-PCR, nhưng còn 12 tỉnh chưa đủ năng lực xét nghiệm khẳng định chắc chắn các ca bệnh. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn báo cáo, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, những ngày qua, ông và lãnh đạo Bộ liên tục làm việc để nâng cao năng lực xét nghiệm. Trong đó, quan trọng nhất là xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR, hiện cả nước có 175 phòng xét nghiệm với công suất gần 66.000 mẫu/ngày, trong trường hợp cần thiết có thể tăng cường công suất tối đa lên 290.000 mẫu đơn/ngày, nếu làm xét nghiệm gộp 10 mẫu thì có thể đạt 2,9 triệu mẫu/ngày.

Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh các nhiệm vụ cấp bách liên quan tới tình hình dịch bệnh COVID-19. Thủ tướng khẳng định, về cơ bản chúng ta đang kiểm soát được tình hình dù dịch bệnh tại một số địa phương đang diễn ra phức tạp. Những ca mắc mới ghi nhận đều nằm trong khu cách ly, trong vùng kiểm soát. Tuy nhiên, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Thực hiện cách tiếp cận mới trong phòng, chống dịch, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chính.

Về khái niệm “chủ động tấn công”, Thủ tướng cho rằng đó là phải xét nghiệm chủ động, tích cực hơn nữa, huy động mọi nguồn lực hợp pháp để tập trung cho công tác rất quan trọng này, từ đó phát hiện sớm các ca bệnh. Phải ứng dụng công nghệ phục vụ truy vết theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thực hiện chiến lược vaccine, tăng cường tiếp cận các nguồn vaccine, mua vaccine theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra, kể cả chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine; tổ chức tiêm vaccine hiệu quả, đúng ưu tiên.

Tăng cường hơn nữa vật tư, trang thiết bị, cơ sở vật chất để chủ động cho công tác phòng chống dịch, nhất là tại các địa phương trọng điểm, có nguy cơ cao. Ngành y tế phải phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh đa dạng hơn, hiệu quả hơn, phù hợp với tình hình, với các đối tượng khác nhau.

Nhắc lại yêu cầu khen thưởng những người làm tốt, tích cực, xả thân, hy sinh vì cộng đồng, những người đang ở tuyến đầu chống dịch, Thủ tướng đồng thời chỉ đạo cương quyết xử lý kịp thời người vi phạm, kể cả đình chỉ, cách chức người có chức vụ và xử lý hình sự nếu thấy dấu hiệu vi phạm đã rõ.

Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, hạn chế, vướng mắc mà ngành y tế phải đối mặt, giải quyết; đồng thời biểu dương, ghi nhận và hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của toàn ngành y tế - Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng chia sẻ với khó khăn của ngành y khi cho biết đội ngũ cán bộ ngành y đã hy sinh thời gian, công sức, vật chất và cả tình cảm với tinh thần quyết liệt nhất, chịu nhiều hy sinh nhất, chịu mất mát, gian khổ để bảo vệ sức khỏe nhân dân, giúp Việt Nam trở thành một trong số ít nước đạt thành quả tốt trong phòng, chống dịch, chi viện, giúp đỡ một số nước và hợp tác hiệu quả với các nước khi cần thiết.

Theo Thủ tướng, những bất cập của ngành Y tế vẫn còn nhiều, phải tiếp tục đổi mới ngành Y, có những bước đi đúng đắn. Việc khắc phục và vượt qua khó khăn không phải chuyện một sớm, một chiều mà cần có thời gian.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ 7 nhiệm vụ chiến lược của ngành Y tế Việt Nam trong thời gian tới gồm:

Đầu tiên là xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thứ hai, tổng kết, phát huy truyền thống, ưu điểm, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, yếu kém, thực hiện thật tốt các nghị quyết của Đảng, chính sách và các đề án của Nhà nước, chương trình công tác của các cấp về chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Thứ ba, quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với triển khai, tổ chức thực hiện các quy định của Trung ương về học và làm theo Bác, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. “Thực hiện tốt nhiệm vụ này để thực hiện lời dạy của Bác Hồ là “Thầy thuốc như mẹ hiền”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Xây dựng nguồn nhân lực chất ượng cao, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển ngành gắn với quy hoạch của các địa phương về phát triển ngành và và chăm sóc sức khỏe nhân nhân dân.

Thứ năm, thực hiện có hiệu quả chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp; làm tốt công tác quản lý nhà nước; thực hiện tốt việc chăm lo, theo dõi chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực trong điều kiện hội nhập.

Thứ bảy, có giải pháp khắc phục tình trạng già hóa dân số, không ngừng nâng cao chất lượng sức khỏe và tuổi thọ nhân dân, để mọi người dân khỏe mạnh, đất nước khỏe mạnh.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng nêu 8 nhiệm vụ đột phá mà ngành Y tế cần thực hiện. Cụ thể:

Thứ nhất, phải tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho phù hợp điều kiện thực tiễn và tổ chức thực thi hiệu quả.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, phát triển y tế chuyên sâu tại các khu vực khó khăn, biên giới hải đảo…

Thứ ba, xây dựng ngành y tế công khai, minh bạch, hiệu quả, kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, phiền hà cho nhân dân.

Thứ tư, đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực phát triển ngành, đặc biệt là mô hình hợp tác công-tư. Thủ tướng gợi ý mô hình nhà đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà nước đưa nguồn lực con người vào để khai thác trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân và nhà nước, cùng chia sẻ khi có rủi ro.

Thứ năm, đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các đơn vị, địa phương và thiết lập công cụ để giám sát, kiểm tra, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, đúng người, đúng việc.

Thứ sáu, chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, xây dựng lý luận, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển y tế số, kinh tế y tế số, coi trọng công tác đào tạo gắn với thực tiễn, nhu cầu và vị trí việc làm.

Thứ bảy, tập trung phát triển công nghiệp dược.

Thứ tám, coi trọng công tác truyền thông, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Đức Bình+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn