Thuốc nội ít được dùng ở tuyến Trung ương
Tuy nhiên trên thực tế, thuốc nội mới được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường tự do và các bệnh viện (BV) tuyến dưới, còn ở các BV tuyến Trung ương thì tỷ lệ kê đơn, sử dụng thuốc nội mới chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, khoảng 10%.
Theo báo cáo của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, cả nước hiện có 178 DN sản xuất thuốc, gồm 98 DN sản xuất thuốc tân dược, 80 DN sản xuất thuốc đông dược và trên 300 cơ sở sản xuất thuốc đông dược tham gia sản xuất thuốc y học cổ truyền… Bên cạnh đó, Việt Nam đang lưu hành khoảng 1.500 hoạt chất và 30.000 mặt hàng thuốc.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành Dược, dù chất lượng thuốc nội ngày càng tăng cao trong khi giá thành lại rẻ hơn thuốc ngoại rất nhiều nhưng thuốc nội vẫn "lép vế" khi cạnh tranh vào các BV Trung ương. Theo thống kê của Bộ Y tế, tổng số tiền mua thuốc trong năm 2010 của 1.018 BV trong cả nước là 15 nghìn tỷ đồng, trong đó tỷ lệ tiền mua thuốc sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 38,7%. Tại các BV tuyến tỉnh, TP vẫn sử dụng khoảng hơn 60% tiền thuốc ngoại trong tổng trị giá tiền mua thuốc cho điều trị.
Ông Nguyễn Thành Lâm - Trưởng phòng Quản lý giá thuốc - Cục Quản lý Dược cho biết, ở BV tuyến Trung ương, tỷ lệ thuốc nội trúng thầu và được kê đơn, sử dụng chỉ chiếm 11,9%, thậm chí nhiều BV chuyên khoa còn có mức tiêu thụ thuốc nội thấp hơn nữa. Chẳng hạn tại BV Nhi Trung ương, tỷ lệ thuốc nội trúng thầu và được kê đơn, sử dụng ở BV hiện mới chiếm tỷ lệ khoảng 1/10.
Thuốc nội vẫn chưa được dùng nhiều ở tuyến Trung ương. Ảnh minh họa
Bàn về thực tế trên, ông Nguyễn Văn Tựu - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam cho rằng, thuốc nội muốn tiêu thụ được phụ thuộc trực tiếp vào hệ thống khám chữa bệnh. Do đó, muốn thay đổi được tỷ lệ dùng thuốc Việt thì phải thay đổi việc kê đơn của các bác sỹ. Tuy nhiên, theo ông Tựu, để thay đổi thói quen kê thuốc ngoại không phải dễ, bởi hiện nay, việc trích “hoa hồng” cho các đơn kê thuốc ngoại rất cao.
"Bên cạnh đó, nhiều loại thuốc sản xuất trong nước chưa thuyết phục được bác sỹ kê đơn do các DN sản xuất thuốc nội chưa chủ động được về nguyên liệu (một số được nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ hoặc một số nước khác trong khu vực nên chất lượng còn nghi ngờ so với các thuốc châu Âu, Mỹ). Dây chuyền sản xuất, công nghệ, bào chế, đóng gói, bảo quản, vận chuyển của thuốc nội mặc dù đã đạt theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, tuy nhiên so nhiều loại thuốc ngoại vẫn còn kém", ông Tựu nói.
Thực tế hiện thuốc nội đã đạt chất lượng tương đương thuốc ngoại với giá rẻ hơn hẳn, tuy nhiên theo các chuyên gia thì số lượng này chưa nhiều. Hơn nữa, thuốc sản xuất trong nước vẫn chủ yếu là các loại thuốc thông dụng, thuốc generic (thuốc gốc), số mặt hàng hạn chế, chất lượng và mẫu mã cũng chưa tốt. Vì thế, dù chính sách hiện nay có nhiều quy định ưu tiên cho thuốc nội nhưng thuốc nội vẫn cạnh tranh không nổi với thuốc ngoại.
Chất lượng là then chốt
Có thể nói thời điểm hiện tại thuốc sản xuất trong nước đã có những chuyển biến tích cực cả về chất và lượng. Tuy nhiên với các BV tuyến trên, thuốc nội được sử dụng chưa nhiều, lý do có những nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc BV Bạch Mai, thuốc nội không phải không đảm bảo chất lượng nhưng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại những BV tuyến cuối như bệnh viện Bạch Mai thì hầu hết đều ở tình trạng nặng, có nhiều người đã chữa trị ở nhiều nơi khác nhau nên đã dùng qua nhiều loại thuốc, khi đến BV tuyến cuối bắt buộc phải dùng thuốc khác, thế hệ mới hơn.
Ông Nguyễn Thành Lâm phân tích: Trong Luật Đấu thầu có mục riêng về đấu thầu thuốc, giao Bộ Y tế ban hành danh mục những thuốc nào trong nước sản xuất đã đáp ứng được nhu cầu thì không được nhập thuốc ngoại. Thế nhưng việc ban hành danh mục này chỉ có thể thực hiện được khi bản thân các DN dược trong nước đã đảm bảo về nguồn thuốc, chất lượng thuốc và các bác sỹ cũng tin tưởng vào chất lượng thuốc đó.
Ở góc độ quản lý Dược, ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cho rằng, để đưa thuốc nội vào BV thì vai trò của bác sỹ rất quan trọng, bởi thực tế là người bệnh không tự quyết định chọn thuốc mà các thuốc đều do bác sỹ chỉ định.
"Nếu bác sỹ không kê thuốc nội (kể cả khi thuốc đã được cơ quan chuyên môn đánh giá đảm bảo chất lượng) thì người bệnh khó có thể sử dụng thuốc nội trong điều trị như một cách để giảm chi phí, tăng hiệu quả và giúp thuốc nội có thêm chỗ đứng trên thị trường", ông Cường nói.
"Hiện niềm tin của người dân và cả y bác sỹ với chất lượng thuốc nội hiện chưa cao. Chỉ khi nào thuốc nội được các bác sỹ kê đơn cho chính người thân của mình, khi đó vị thế của thuốc nội mới được khẳng định" là quan điểm của ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bình luận của bạn