Quản lý, giám sát về VSATTP còn khá nhiều bất cập.
Cục ATTP: 20% cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm
An toàn vệ sinh thực phẩm: Phụ thuộc nhiều vào hậu kiểm
Ban hành Thông tư về phí quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm
Nhức nhối an toàn vệ sinh thực phẩm: Bài 2: Đầu nậu tung hoành
Trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 - 2016 với Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội sáng 3/3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn nêu rõ, chính vì lợi nhuận nên doanh nghiệp đã cố tình làm sai, buôn gian, bán lận, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái. Việc thanh kiểm tra và xử lý chưa nghiêm, nhân lực yếu cả về số lượng lẫn chất lượng cũng là những tồn tại hiện nay trong lĩnh vực ATTP...
Mỗi năm có hơn 5.000 người bị ngộ độc thực phẩm
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, giai đoạn 2011 - 2016 đã hình thành được hệ thống pháp luật đồng bộ để phục vụ cho công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Đặc biệt, lần đầu tiên lĩnh vực ATTP có Nghị định xử phạt vi phạm hành chính riêng, thay vì phải áp dụng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính chung trong lĩnh vực y tế. Công tác thanh, kiểm tra tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương với chế tài xử phạt mạnh góp phần làm cho thị trường thực phẩm an toàn hơn. Công tác tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức, thực hành về ATTP của các nhóm đối tượng.
Kết quả giám sát liên tục từ năm 2011 đến tháng 10/2016 cũng cho thấy, ngộ độc thực phẩm vẫn đang là thách thức lớn. Toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ với 30.395 người mắc, 25.617 người đi viện và 164 người chết. Trung bình có 168 vụ/năm với 5.066 người mắc và 27 người chết do ngộ độc thực phẩm/năm.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ và ý kiến của các thành viên đoàn giám sát tại phiên họp cũng chỉ ra những tồn tại trong lĩnh vực ATTP. Ở nhiều địa phương, mặc dù tổ chức kiểm tra nhiều nhưng xử lý đạt thấp, kỷ luật không nghiêm. Việc thực hiện pháp luật về ATTP ở nhiều địa phương còn hình thức, dẫn đến hiện tượng “nhờn luật” hay biểu hiện nể nang, né tránh.
5 năm qua, cả nước đã tiến hành kiểm tra hơn 3,3 triệu cơ sở, phát hiện hơn 670.000 cơ sở vi phạm và mới có hơn 136.000 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính, chiếm khoảng 20%. Công tác điều tra, xử lý hình sự về ATTP hiệu quả chưa cao. Theo thống kê, 5 năm qua, cơ quan điều tra các cấp chỉ khởi tố hình sự được 1 vụ, 3 bị can về tội vi phạm các quy định VSATTP.
Vì lợi nhuận, cố tình gian dối trong lĩnh vực ATTP
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại trong công tác bảo đảm ATTP do việc triển khai trong thời gian còn ngắn so với nhiều nước. Tình trạng manh mún, nhỏ lẻ từ sản xuất, chế biến đến phân phối, tiêu thụ với gần nửa triệu cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, hàng nghìn chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm... Bên cạnh đó, doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh cố tình làm sai, bất chấp tất cả vì lợi nhuận, xử lý chưa nghiêm. Hệ thống giám sát có tiến bộ nhưng hiệu quả cảnh báo nguy cơ còn thấp, nguồn lực con người và kinh phí đều yếu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phùng Đức Tiến chia sẻ, thực tế đội ngũ cán bộ không chuyên sâu về trình độ, kinh phí bị cắt giảm thì rất khó trong bảo đảm thực thi pháp luật về ATTP. Chưa kể trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương rất rõ nhưng xuống đến địa phương thì khi xảy ra vi phạm VSATTP, ngộ độc thực phẩm, không biết trách nhiệm thuộc về ai...
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tầm quan trọng của công tác bảo đảm ATTP không chỉ liên quan đến sức khỏe của người dân mà còn liên quan đến phát triển kinh tế, như xuất khẩu nông sản, du lịch... Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian tới cần tổ chức quản lý ATTP theo nguy cơ, rủi ro, quản lý dọc theo chuỗi. Theo đó, cần có hệ thống đánh giá rủi ro bên cạnh hoạt động của các phòng thí nghiệm còn phải có phương tiện lưu động xét nghiệm nhanh để cung cấp bằng chứng xác đáng. Cần tận dụng tối đa hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm đã đầu tư; Không chỉ đưa vào sử dụng các phòng thí nghiệm của Nhà nước mà còn cả của tổ chức, doanh nghiệp. Vì vậy, cần tạo cơ chế, thủ tục để công nhận các kết quả xét nghiệm độc lập... Đồng thời, công tác truyền thông bên cạnh tuyên truyền về các vi phạm cũng cần chủ động hướng đến tuyên truyền sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu dùng sạch...
Bình luận của bạn