Biến chủng SARS-CoV-2 mới ở Việt Nam nguy hiểm thế nào?

Sự xuất hiện của nhiều biến chủng SARS-CoV-2 mới có thể làm tăng khả năng lây nhiễm - Ảnh minh họa

Hà Nội ghi nhận 7 ca COVID-19, phong tỏa 1 khách sạn tại quận Tây Hồ

Bộ Y tế thay đổi chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang

Quỹ vaccine phòng COVID-19 tiếp nhận 185 tỷ đồng tiền ủng hộ

COVID-19 "bủa vây" Đông Nam Á, nguy cơ lặp lại kịch bản ở Ấn Độ

Việc virus biến thể, hiểu cơ bản là virus đột biến hoặc tiến hóa, hay chúng có những thay đổi trong bộ gene. Điều này hết sức bình thường vì SARS-CoV-2 là virus RNA, mỗi khi virus nhân lên, bộ gene của virus sẽ có sự thay đổi nhỏ (hay lỗi sao chép di truyền).

Hầu hết các lỗi đó không quan trọng, nhưng có một số biến đổi có thể làm cho virus dễ lây lan hơn, ví dụ như những đột biến ở các khu vực protein giúp virus dễ gắn vào tế bào của người; Biến đổi giúp virus lẩn tránh được một số loại kháng thể miễn dịch; Đột biến tạo ra tải lượng virus cao hơn trong cơ thể…

Mới đây, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã tiến hành giải trình tự gene virus trên các bệnh nhân ở Việt Nam. Các chuyên gia đã phát hiện ra một chủng SARS-CoV-2 mới, có sự lai tạo giữa chủng Ấn Độ và chủng Anh.

Theo đó, trong số 32 mẫu biến thể B.1.617 (lần đầu tiên phát hiện ở Ấn Độ), kết quả cho thấy có 4 mẫu xuất hiện đột biến mất Y144 trên protein S (giống với đột biến xuất hiện tại biến thể B.1.1.7 lần đầu phát hiện ở Anh). Theo bác sỹ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội), về lý thuyết, đột biến Y144 được cho là có thể giúp virus lẩn tránh một số siêu kháng thể. Tuy nhiên, thật sự virus có lẩn tránh được hay không và ảnh hưởng đến vaccine như thế nào còn phải chờ đợi những dữ liệu quan sát dịch tễ trong thời gian tới.

Đặc điểm của chủng này là lây nhanh, phát tán rộng trong không khí, nồng độ virus trong dịch cổ họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh.

Những đặc điểm này có thể khiến số ca mắc tăng rất nhanh và lan rộng trong thời gian ngắn. Ví dụ như tại các môi trường kín, thông khí kém, đông người, các chuyên gia chỉ ra rằng vòng lây nhiễm của chủng virus mới này chỉ 1 - 2 ngày, tức là sau 1 - 2 ngày đã có một tầng F nữa nhiễm bệnh.

Về vấn đề xét nghiệm, theo thống kê của GISAID (Sáng kiến toàn cầu chia sẻ dữ liệu bệnh cúm) cập nhật ngày 21/5/2021, một số mồi và đầu dò phổ biến dùng cho phản ứng realtime RT-PCR SARS-CoV-2 hiện nay không bị ảnh hưởng nhiều trước sự xuất hiện các biến thể mới gần đây.

Tuy nhiên, các đột biến của SARS-CoV-2 đang xảy ra thường xuyên, liên tục nên vẫn có khả năng ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm trong tương lai và có thể dẫn đến kết quả âm tính giả. Do đó, cần thường xuyên cập nhật thông tin về ảnh hưởng của các đột biến.

Trước mắt, bác sỹ Trần Văn Phúc trấn an người dân không nên tỏ ra quá lo lắng. Các biến thể virus vẫn là SARS-CoV-2, nghĩa là đặc tính sinh học tương đồng nhau, tác động lên cơ thể con người theo cùng một cách.

“Virus sẽ lây lan nhanh với điều kiện chúng ta để cho virus có cơ hội lây lan. Nếu mỗi cá nhân thực hiện các biện pháp phòng vệ cá nhân, như đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách 2m, không tụ tập đông người ở những không gian kín, kém thông gió, khai báo y tế đầy đủ… tôi tin những biến thể virus khó có cơ hội lan truyền trong cộng đồng với tốc độ cao”, bác sỹ Trần Văn Phúc cho biết.

Vi Bùi H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội