COVID-19 "bủa vây" Đông Nam Á, nguy cơ lặp lại kịch bản ở Ấn Độ

Nhân viên đang phun khử trùng tại một khu phố ở Manila, Philippines - Ảnh: Getty Images.

Thế giới hơn 161 triệu người mắc COVID-19, diễn biến phức tạp ở Đông Nam Á

Toàn cảnh dịch COVID-19 24h qua: Đông Nam Á "nóng lên"

Ấn Độ chìm sâu trong "cơn ác mộng" COVID-19

Hàng loạt các quốc gia Châu Á chìm trong "cơn ác mộng" COVID-19

Phần lớn Đông Nam Á đã tránh được ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 hồi năm ngoái nhưng khu vực này đang trong "tầm ngắm" của làn sóng lây nhiễm mới, khiến hệ thống y tế tê liệt và đe dọa các nền kinh tế điêu đứng.

Trong 24 giờ qua, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Malaysia với 7.857 ca. Tiếp đó là Philippines với 6.484 ca, Indonesia với 6.278 ca, Thái Lan với 3.323 ca, Campuchia với 649 ca. Các nước còn lại ghi nhận trên dưới 200 ca mắc mới.

Theo The Star, tình hình tại Malaysia đang vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới ở quốc gia Đông Nam Á này tăng lên những mức cao nhất từ trước tới nay. Trong 8 ngày qua, Malaysia ghi nhận thêm hơn 6.000 ca nhiễm COVID-19/ngày.

Tính đến nay, tổng cộng đã có 541.224 ca mắc và 2.432 ca tử vong vì COVID-19 tại Malaysia. Thống kê vào ngày 25/5 cho thấy, tỷ lệ người mắc COVID-19 ở Malaysia là 205 ca/1 triệu người, vượt qua mức 150 ca/1 triệu ở Ấn Độ tính theo giai đoạn 7 ngày (Dân số Malaysia khoảng 32 triệu người, thấp hơn nhiều so với gần 1,4 tỉ dân của Ấn Độ).

Bộ trưởng Bộ y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cảnh báo, số ca mắc mới mỗi ngày tăng lũy thừa và có thể gia tăng theo phương thẳng đứng. Bộ trưởng Y tế Malaysia cũng cho biết, người dân cần phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất trong 2 tuần tới.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại một bãi đậu xe ở Bangkok, Thái Lan - Ảnh: EPA-EFE

Tại Thái Lan, trong 24 giờ qua, Bộ y tế Thái Lan ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 theo ngày ở mức cao nhất từ đầu dịch với 47 người không qua khỏi trong 24 giờ qua. Trước đó một ngày, Thái Lan cũng ghi nhận mức cao mới ở thời điểm đó là 41 ca tử vong, theo Bangkok Post.

Bên cạnh đó, Thái Lan có thêm 3.323 ca nhiễm mới, trong đó 1.219 ca ở các nhà tù. Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đầu năm 2020 đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 141.217 ca nhiễm, trong đó có 920 ca tử vong. Các bệnh viện ở Thái Lan đều đang trong tình trạng quá tải khi số ca mắc mới tăng cao, đặc biệt số ca mắc COVID-19 tăng vọt sau lễ hội Songkran vào giữa tháng 4.

Theo Reuters, trước tình hình trên, quận chúa Thái Lan Chulabhorn cho phép Học viện hoàng gia Chulabhorn được phép nhập khẩu vaccine mà không cần thông qua chính phủ. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết, chính phủ đã đẩy nhanh việc tiêm chủng cho các nhân viên y tế và người dân ở những khu vực có nguy cơ, những người từ 60 tuổi trở lên và những người có bệnh nền.

Trong khi sự tăng vọt số ca mắc ở Thái Lan và Malaysia là đáng lo ngại, các chuyên gia tỏ ra lo lắng hơn về những quốc gia khác như Campuchia, Lào và Myanmar, những nơi hệ thống y tế chưa được trang bị tốt.

Theo Khmer Times, ngày 27/5, Bộ Y tế Campuchia thông báo có thêm 649 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 633 ca lây nhiễm cộng đồng và 4 người tử vong. Mặc dù không còn ở mức cao trên 900 ca mỗi ngày như cách đây vài tuần, số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia vẫn ở mức cao trên 600 ca/ngày. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 27.638 ca mắc COVID-19, trong đó 20.398 ca đã hồi phục và 194 ca tử vong.

Lào được ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức thấp trong khu vực. Theo The Laotian Times, Bộ Y tế Lào ghi nhận 12 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, gồm 4 ca lây nhiễm cộng đồng, còn lại là các trường hợp nhập cảnh và được cách ly ngay. Tính đến nay, Lào ghi nhận tổng cộng 1.895 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.281 ca đã bình phục và 2 ca tử vong.

Tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 chậm cũng là một phần nguyên nhân khiến tình trạng trở nên xấu hơn ở Đông Nam Á

Do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng chính trị, Myanmar không cập nhật số người mắc COVID-19 hàng ngày một cách nghiêm ngặt như trước.

Philippines, Bộ Y tế nước này ngày 27/5 ghi nhận thêm 210 ca COVID-19 tử vong và 6.483 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 tử vong và số ca nhiễm lên lần lượt 20.379 và 1.200.430, theo tờ The Philippine Star, Philippines hiện là quốc gia Đông Nam Á thứ 2 bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19, chỉ sau Indonesia (hơn 1,7 triệu ca nhiễm và trên 49.000 ca tử vong). Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Philippines cho biết, nước này sẽ cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Pfizer/BioNTech đối với trẻ em trong độ tuổi từ 12-15.

Theo Straitstimes, Tiến sĩ Abhishek Rimal, điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC), cho biết: "Chúng tôi nhận thấy các biến thể đáng lo ngại đang lây truyền trong khu vực này, với đặc tính lây lan nhanh gấp hai lần so với chủng nguyên bản". Các biến thể bao gồm B117 từ Anh, B1351 từ Nam Phi, chủng P1 từ Brazil và B1617 từ Ấn Độ.

Nguy cơ Đông Nam Á đối mặt với kịch bản như Ấn Độ

Các kịch bản diễn ra ở Đông Nam Á đang có chiều hướng tương tự như Ấn Độ - Ảnh: Reuters

Trên khắp Đông Nam Á, số người tử vong do COVID-19 hiện đã lên tới 78.000. Song, con số thực sự có thể cao hơn vì nhiều lý do khác nhau. Nghiên cứu chỉ ra hơn 70% trường hợp mắc bệnh không có triệu chứng, đồng nghĩa nhiều ca chưa được phát hiện.

Các kịch bản đang diễn ra ở Đông Nam Á có thể sẽ tương tự như những gì chúng ta đã thấy ở Ấn Độ và Nepal. Tình hình dịch bệnh có thể ngày càng diễn biến phức tạp khi có nhiều người "chán nản" bỏ qua các quy tắc phòng dịch. Tại Malaysia, hàng nghìn người đã cố gắng vượt qua biên giới các bang trong lễ hội Hari Raya Aidilfitri vào tháng 5 bất chấp các quy định cấm đi lại.

Indonesia, nơi số các ca bệnh hàng ngày ở mức gần 6.000 ca, có nguy cơ chứng kiến 8.000 ca COVID-19 mới hàng ngày vào giữa tháng 6. Số ca nhiễm virus tại nước này có thể đạt đỉnh khi 2,6 triệu người quay trở lại các thành phố lớn sau kỳ nghỉ lễ Hari Raya.

Nhiều chuyên gia cho biết, một cách để giảm số ca tử vong do COVID-19 là thông qua miễn dịch cộng đồng. Chính phủ các nước đã tăng cường chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 nhưng tiến độ vẫn rất chậm.

“Châu Á đã kiểm soát rất tốt làn sóng COVID-19 đầu tiên. Nhưng những gì chúng ta thấy bây giờ là một lượng lớn bệnh nhân COVID-19 ở Nam Á và các bệnh viện đang chật kín. Đó là một lời nhắc nhở đối với các nước Đông Nam Á rằng, cần phải tăng gấp đôi nỗ lực trong việc ngăn chặn đại dịch. Nếu chậm trễ, chúng ta có thể thấy một tình trạng như ở Nepal hoặc Ấn Độ”, Tiến sĩ Abhishek Rimal chia sẻ, theo Straitstimes.

Hiệp Nguyễn H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn