Hiện nay trên thị trường có nhiều loại tinh dầu với đủ loại mùi hương khác nhau, từ hương trái cây, thảo dược đến các loại gỗ quý. Theo chị em phụ nữ, tinh dầu không chỉ có tác dụng làm thơm không gian sống, thư thái tâm trạng mà còn có tác dụng trong quá trình làm đẹp. Vì vậy, việc "lung mua" bằng được các loiaj tinh dầu về sử dụng đang trở thành xu thế mới của chị em.
Những người có tiền thì đến siêu thị hay các cửa hàng uy tín để mua, những người thu nhập có phần eo hẹp thì tìm mua những sản phẩm này ngoài chợ.
Chị Thoa (Ba Đình, HN) chia sẻ: "có lần vào siêu thị, tôi định mua 1-2 lọ tinh dầu về để trong phòng khách và phòng ngủ, nhìn giá sản phẩm mà thấy giật mình, giá thành một chai tinh dầu không hề rẻ, tùy theo nhãn hiệu, từ Saroma, L' Occitane, Hann and Thann… mỗi chai từ 10-15 ml, có giá từ 299-599.000 đồng/lọ. Cô bạn đồng nghiệp đi cùng liền mách nhỏ: Ra chợ đi, đủ loại mùi, mà giá chỉ từ 20-100.000 đồng/lọ mà thôi. Mua hàng hiệu, sử dụng hàng ngày thì lương tháng chịu sao nổi..".
Sử dụng tinh dầu để làm đẹp
đang là "mốt" của nhiều chị em"
Tại một số cửa hàng trên phố hàng Khoai (Hoàn Kiếm, HN) các loại tinh dầu với đủ mùi hương được bày bán khá nhiều. Nào quế, sả, chanh và cả oải hương nữa, mỗi chai 5 ml, giá từ 20-25.000 đồng/lọ 5 ml.
PV hỏi người bán: Cái này bao nhiêu phần trăm tinh dầu? Chị bán hàng chần chừ: Một chút thôi, muốn mua tinh dầu thật thì phải vào các cửa hàng mỹ phẩm. Nhưng yên tâm, không phải hàng giả, không độc, vì đây không phải hàng Trung Quốc mà là của Thái Lan. Hầu hết các spa đều sử dụng thứ này.
Tại phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng nổi tiếng vì có tới hàng trăm loại tinh dầu, hương liệu dùng trong mỹ phẩm, làm thơm phòng...
Các loại tinh dầu ở đây được đựng trong những can nhựa. Các can này không có chỉ dẫn bên ngoài mà chỉ viết tên mùi hoặc thậm chí không ghi gì.
Chủ một cửa hàng cho biết: "Cửa hàng có đến hàng trăm loại mùi, muốn tinh dầu gì cũng có, bao nhiêu cũng được. Trung bình 400.000 đồng/lít hương liệu. Một số mùi đặc biệt giá sẽ cao hơn một chút. Mua cái này về, chế vào những lọ thủy tinh nhỏ, bán rất có lãi…".
Cẩn thận viêm đường hô hấp
Theo một khảo sát của Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ năm 1991, có đến 95% các hương thơm đang được sử dụng là hóa chất có nguồn gốc từ dầu mỏ thay vì hương liệu tự nhiên.
Vì tinh dầu chiết xuất từ thiên nhiên rất đắt tiền nên hiện nay đa phần các chất tạo mùi thơm tổng hợp là các loại hóa chất, như tinh dầu và este: Amyl axêtat, Amyl butyrat, êtyl butyrat, êtyl valerianat, êtyl pentacyonat và một số chất khác như aldehyt benzoic, nhựa thơm pêru, xitrol, vanilin, hêliotropin, cumarin, mentol… có nguồn gốc từ dầu mỏ.
Đặc biệt, rất nhiều chất trong các sản phẩm tạo mùi thơm có độc tính đối với cơ thể, như toluen, aceton, focmaldehit… Trong số này, có nhiều chất đã được chứng minh có thể gây ung thư, dị tật bẩm sinh, vô sinh, gây tổn thương hệ thần kinh. Vì vậy, khi sản phẩm có mùi càng thơm, mùi thơm càng tồn tại lâu thì lại càng có nhiều hóa chất.
Khi sản phẩm có mùi càng thơm, mùi thơm càng tồn tại lâu
thì lại càng có nhiều hóa chất.
Một bác sĩ chuyên khoa tai-mũi họng cho biết: Những người dị ứng mùi thơm khi tiếp xúc với một hóa chất có mùi sẽ bị nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi, thậm chí kích động, mất định hướng, rối loạn hoạt động cơ, tích tụ, cũng bị các chứng bệnh về hô hấp, hen suyễn thứ phát...
Đa số cơ thể không thể hiện phản ứng hương thơm nhanh mà chịu tác động trong một thời gian dài. Đến khi "tích" đủ lượng, chỉ cần thêm một lượng nhỏ đã gây ra sự tổn hại sức khỏe nghiêm trọng. Với những gia đình có trẻ nhỏ, hương thơm dễ dàng đi qua đường hô hấp, thấm qua da, dễ gây nhiễm độc từ từ khiến cha mẹ khó lòng phát hiện trong thời gian ngắn.
Đối với người sử dụng, chỉ có thể phân biệt tinh dầu tự nhiên và tinh dầu tổng hợp nhờ cảm quan tinh tế.
Nếu là tinh dầu tự nhiên, mùi hương thoang thoảng, cảm nhận được từng mùi kết hợp. Ví dụ, với hương sả chanh, có thể ngửi thấy mùi chanh rồi đến mùi sả. Nếu là hương liệu, mùi nồng và chỉ cho ra mùi duy nhất. Ngoài ra, có thể thử trên giấy thấm dầu hoặc giấy trắng bằng cách: nhỏ ba giọt tinh dầu lên giấy, tinh dầu tự nhiên sẽ có màu trắng hoặc màu vàng. Nếu là hương liệu, sẽ cho ra hai quầng màu, bên trong màu trắng và vòng ngoài màu vàng.
Bình luận của bạn