Tổng hợp những sự kiện y tế nổi bật trong tuần qua

GS. Vũ Hà Văn, người đại diện công ty GeneStory chia sẻ trong Lễ ra mắt GeneStory - Ảnh: Quý Hiên/ Báo Thanh Niên

Tiêu điểm Sức khỏe+ ngày 23/4/2022

TP.HCM cảnh báo dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Vắc-xin mRNA: Cuộc chinh phục đại dịch COVID-19 từ cái nhìn trong cuộc

Tình hình vaccine COVID-19 sau hai năm đại dịch

Lần đầu tiên một công ty Việt Nam cung cấp dịch vụ giải mã gene

Ngày 22/4, Công ty Cổ phần GeneStory chính thức ra mắt và công bố sản phẩm giải mã gene thế hệ mới nhất.

Dịch vụ giải mã gene này sẽ giúp người Việt hiểu rõ những ẩn số về tính trạng, thể chất, dinh dưỡng và những yếu tố di truyền của bản thân, để từ đó có thể tiên liệu và lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe đúng hướng với chi phí và thời gian tối giản.

Bên cạnh việc cung cấp thông tin về bệnh lý, thể chất, dinh dưỡng để phục vụ điều trị, kết quả giải mã gene cũng giúp khách hàng phát hiện sớm các gene lỗi, các nguy cơ bệnh hiểm nghèo, mạn tính, bệnh di truyền lặn và bệnh hiếm như: Ung thư, đột quỵ, béo phì, xơ vữa động mạch, tim mạch, đái tháo đường... 

Đặc biệt, giải mã gene còn có thể phục vụ sàng lọc tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Các bậc cha mẹ có thể biết được cơ thể của con có khả năng chuyển hóa các chất dinh dưỡng như thế nào để tìm một chế độ dinh dưỡng thích hợp.

Hơn 1.000 ca ghép thận thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Bệnh viện Chợ Rẫy ghép thận thành công cho 1.030 trường hợp trong 30 năm qua. Trong đó, chủ yếu là ghép thận từ người hiến thận sống (94,1%) có quan hệ huyết thống, tỷ lệ ghép từ người hiến chết còn thấp (5,9%). Độ tuổi trung bình người hiến khoảng 50 và người nhận là 34 tuổi.

Theo PGS.TS Thái Minh Sâm, Trưởng Khoa Ngoại Tiết Niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật ghép thận, vấn đề lớn nhất hiện nay là thiết hụt nguồn thận ghép, trong khi nhu cầu cần ghép thận rất lớn. Trong số các ca ghép, nguồn tạng từ người cho sống là chủ yếu, người hiến chết não, ngừng tim chiếm khoảng 5%.

Sự ra đời của đơn vị điều phối ghép tạng đã góp phần tăng nguồn hiến từ người cho chết não thời gian qua, nhưng vẫn còn khá thấp. Tại nhiều nước, nguồn hiến từ người chết não chiếm gần một nửa, giúp nhiều người bệnh có được nguồn tạng để ghép. Phát triển nguồn tạng hiến người chết đang là mô hình các hội ghép tạng trên thế giới và Việt Nam hướng đến.

Bác sỹ TP.HCM phối hợp Vĩnh Long cứu 2 bệnh nhân nguy kịch

Vừa qua, đang trên đường đi công tác đến Vĩnh Long, đoàn bác sỹ Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) nhận được cuộc gọi có 2 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cần can thiệp gấp.

Được biết, bệnh nhân thứ nhất là người địa phương, từng bị ung thư đại tràng đã phẫu thuật khoảng 2 năm; Bệnh nhân còn lại là Việt kiều Pháp đến địa phương du dịch tiền sử tăng huyết áp. Cả hai bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau tức ngực, mệt mỏi, khó thở... Qua hội chẩn từ xa qua điện thoại, các bác sỹ Bệnh viện Thống Nhất hướng dẫn để Bệnh viện Vĩnh Long chuẩn bị thuốc, các dụng cụ y tế... để khi đoàn đến nơi sẽ can thiệp ngay.

Ê kíp can thiệp của Bệnh viện Vĩnh Long được Phó giáo sư Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, hướng dẫn trực tiếp, phối hợp cùng các chuyên gia, đã cấp cứu thành công hai bệnh nhân. Sau khi được can thiệp tái thông dòng chảy mạch máu, bệnh nhân đều hồi phục tốt.

Hội nghị Điện quang can thiệp toàn quốc lần thứ 9

Hội nghị Điện quang can thiệp toàn quốc lần thứ 9 diễn ra trong 2 ngày (22 và 23/4) tại Bệnh viện Bạch Mai. Tham dự hội nghị lần này có khoảng 100 đại biểu (trực tiếp) và 1.000 đại biểu (trực tuyến) là các giáo sư, bác siỹ cùng đông đảo các đồng nghiệp đến từ các tỉnh, thành trong cả nước.

Hội nghị còn có sự tham gia của các giáo sư, bác sỹ, kỹ thuật viên từ các nước: Đức, Pháp, Canada, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và các chuyên gia trong lĩnh vực Điện quang can thiệp thần kinh, ngoại biên, can thiệp các tạng có uy tín trên thế giới.

Đây là dịp để các bác sỹ trong và ngoài chuyên ngành, các bệnh viện trong toàn quốc cập nhật kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực Điện quang can thiệp để cùng nhau phát triển, đào tạo lĩnh vực Điện quang can thiệp cho các bệnh viện, sử dụng tối đa các phương tiện hiện có; Từ đó giúp triển khai các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu nhằm chẩn đoán, điều trị triệt để, tăng cường khả năng hồi phục và rút ngắn thời gian nằm viện, từ đó tránh quá tải cho các bệnh viện.

Cấp cứu bệnh nhân bị sỏi đúc khuôn chèn chặt 8 nhánh đường mật

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vừa hút gần 1,2 lít dịch mật đen đặc, tán sỏi ken đặc đường mật, để cứu sống người bệnh. Được biết, bệnh nhân bị sỏi mật từ năm 1994 và trải qua 4 cuộc phẫu thuật lấy sỏi nhưng chưa triệt để. Bệnh nhân được người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội đầu tháng 4/2022. Qua chụp hưởng từ (MRI), bác sỹ nhận thấy sỏi đã đúc thành khuôn, ken đặc gần như toàn bộ 8 nhánh đường mật trong và ngoài gan. Viên lớn nhất kích thước 5x3,2 cm chẹn đường mật gan trái. Dịch mật ứ trệ, khiến nồng độ bilirubin tăng cao trong máu, gây ra hiện tượng vàng da, vàng mắt và phân nhạt màu ở người bệnh.

Các bác sỹ quyết định sử dụng kỹ thuật tán và lấy sỏi mật qua da bằng laser. Đây là phương pháp can thiệp tối thiểu, có lợi thế len lỏi sâu trong các nhánh đường mật nhỏ hẹp, gấp khúc để bắt và tán sỏi, kỳ vọng sẽ lấy được 90% sỏi bằng phương pháp này.

Sau 5 ngày theo dõi, bệnh nhân sức khỏe ổn định, đỡ vàng da, ăn uống ngon miệng, ngủ tốt, tinh thần lạc quan trở lại và được xuất viện./

 
Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội