5 thành tựu công nghệ y khoa đột phá ngay từ đầu năm 2022.
Công nghệ vaccine mRNA giành giải thưởng 3 triệu USD của VinFuture
Khai mạc Hội nghị Khoa học và Công nghệ tuổi trẻ ngành Y tế lần thứ XX
Công nghệ giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh đái tháo đường
Thủ tướng: "Ứng dụng khoa học y khoa là chìa khóa cốt lõi chiến thắng đại dịch"
Đột phá trong chữa trị viêm khớp của nhà nghiên cứu gốc Việt
Các nhà kỹ thuật sinh học tại Đại học Connecticut đã phát triển thành công cách tái tạo sụn khớp trong điều trị viêm khớp.
Hơn 30 triệu người Mỹ bị viêm xương khớp, căn bệnh gây nên tình trạng đau nhức lớp sụn giúp giảm xóc giữa các xương bị phá hủy. Điều này thường xảy ra ở khớp ngón tay, đầu gối và hông. Trước đây, nhiều nghiên cứu nhằm tái tạo sụn khớp đều đã thất bại. Giáo sư trợ lý Thanh Nguyễn - khoa Kỹ thuật cơ khí của Đại học Connecticut (Mỹ) chia sẻ: “Sụn tái tạo không giống như sụn nguyên thủy vì nó bị vỡ dưới áp lực bình thường của khớp”.
Phòng thí nghiệm của ông Thanh Nguyễn nhận thấy rằng các tín hiệu điện có liên quan đến sự phát triển bình thường của sụn, vì vậy họ đã tạo ra một “giàn mô” từ nano polyme – một vật liệu có thể phân hủy sinh học. Lớp màng này sản sinh ra dòng điện nhỏ khi bị nén, còn gọi là phản ứng áp điện. Chuyển động bình thường của khớp xương khi một người bước đi sẽ làm cho giàn mô phát ra các tia điện yếu, kích thích sự phát triển sụn mới mà không cần sử dụng thêm các yếu tố tăng trưởng hoặc sử dụng nguồn thay thế. Khi thử nghiệm nó trên đầu gối của một con thỏ, các nhà nghiên cứu quan sát thấy sụn phát triển trở lại bình thường.
Lần đầu cấy ghép thành công tim lợn cho người
Các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland công bố đã thành công trong việc cấy ghép quả tim lợn đã được biến đổi gene lên cơ thể người.
Theo số liệu từ Cơ quan Quản trị Dịch vụ và Nguồn lực Y tế (Health Resources and Services Administration), hiện nay có khoảng hơn 106,000 người cần được ghép tạng và 17 người chết mỗi ngày trong khi đợi được ghép nội tạng thay thế phù hợp. Trong khi đó, các bác sĩ có thể sử dụng nội tạng động vật để cứu sống hàng nghìn người nhưng vẫn chưa khắc phục được tình trạng đào thải khi cấy ghép.
Quả tim được cấy ghép là của một con lợn đã được chỉnh sửa gene bằng cách loại bỏ các gene gây ra phản ứng đào thải mô ghép và thêm gene người để có khả năng miễn dịch tốt hơn. 3 ngày sau cấy ghép, tình trạng người đàn ông 57 tuổi hiện đang tiến triển tốt. “Chúng tôi đang tiến hành một cách thận trọng, nhưng chúng tôi cũng lạc quan rằng ca phẫu thuật thành công đầu tiên trên thế giới này sẽ mang đến một sự lựa chọn quan trọng mới cho bệnh nhân trong tương lai” - Bartley P. Griffith, người thực hiện ca phẫu thuật cho biết.
Thoả thuận trị giá 1,45 tỷ USD tăng cường sức mạnh khoa học kỹ thuật trong y tế
Tháng 12 vừa qua, GE Healthcare đã hoàn tất việc mua lại BK Medical. Công ty trực quan hoá phẫu thuật này sở hữu công nghệ siêu âm hiện đại có khả năng giúp bác sĩ quan sát bên trong cơ thể bệnh nhân trong khi thực hiện phẫu thuật và hỗ trợ quá trình ra quyết định của bác sĩ.
“Việc kết hợp một khía cạnh đang phát triển nhanh và tương đối mới mẻ là trực quan hoá phẫu thuật thời gian thực với các tính năng siêu âm trước và sau phẫu thuật vốn có của GE sẽ tạo ra một trải nghiệm chăm sóc sức khỏe toàn diện, từ khâu chẩn đoán cho đến liệu pháp điều trị và hơn thế nữa” - Roland Rott, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của GE Healthcare Ultrasound cho hay. “GE Healthcare và BK Medical có chung đam mê sáng tạo đổi mới trong lĩnh vực y tế và chúng tôi rất vui mừng chào đón BK Medical gia nhập đội ngũ của mình”.
Thoả thuận trị giá 1,45 tỷ USD tiền mặt này có tiềm năng thúc đẩy đà tăng trưởng của GE đồng thời tăng cường sức mạnh khoa học kỹ thuật của BK Medical. GE vốn đã có một nền tảng vững chắc về đổi mới công nghệ siêu âm và chẩn đoán hình ảnh trong nhiều thập kỷ. Kể từ đầu những năm 1990 cho đến nay, hợp phần siêu âm của GE Healthcare đã phát triển mạnh mẽ để trở thành một mảng kinh doanh có giá trị lên tới 3 tỷ USD.
Vaccine COVID-19 Corbevax: Món quà cho thế giới
Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Texas và trường y nổi tiếng Baylor College of Medicine đã phát triển loại vaccine COVID-19 giá thành rẻ và được sản xuất một cách dễ dàng hơn.
Nhiều nước thu nhập thấp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vaccine trầm trọng, khiến người dân có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao và tạo điều kiện cho các chủng mới phát triển và lây lan.
Vaccine công nghệ protein Corbevax được chứng minh an toàn và có thể nhanh chóng mở rộng quy mô để sản xuất toàn cầu. Trước đó, công nghệ protein mà Corbevax sử dụng đã được dùng rộng rãi để ngăn ngừa nhiều bệnh khác. Sau công trình tìm kiếm vaccine phòng bệnh SARS, các nhà khoa học đã sử dụng nấm men để sản xuất một phần protein đột biến của coronavirus, giúp kích thích phản ứng miễn dịch khi được tiêm. Để khuyến khích sản xuất trên toàn thế giới, các nhà nghiên cứu đã phát triển mà không cần bằng sáng chế. Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy Corbevax có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa mắc COVID-19 có triệu chứng. Với biến chủng Delta, con số này là hơn 80%.
Chuyển đổi ý nghĩ thành văn bản
Các nhà nghiên cứu Stanford đã tìm ra cách chuyển đổi ý nghĩ thành văn bản trên máy tính.
Công nghệ này, bao gồm một chương trình AI và giao diện máy tính - não (BCI) - có thể giúp những người bị liệt hoặc không thể cử động tay của họ giao tiếp bằng chữ viết tay. Nhà khoa học Frank Willett, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện ra rằng các chuyển động dự kiến phức tạp liên quan đến việc thay đổi tốc độ và quỹ đạo cong như chữ viết tay có thể được giải thích dễ dàng và nhanh chóng hơn bởi các thuật toán trí tuệ nhân tạo mà chúng tôi đang sử dụng. Các chữ cái khác nhau nên rất dễ để phân biệt.”
Tham gia nghiên cứu là một người đàn ông với biệt danh T5. Người này đã được cấy 2 con chip BCI. Các vi điện cực nội sọ (microelectrode) này có thể ghi lại những tín hiệu bắn ra từ neuron thần kinh của bệnh nhân, nơi điều khiển các chuyển động của tay. Khi T5 tập trung suy nghĩ vào việc viết các chữ cái trong bảng chữ cái bằng bút, BCI đã gửi những tín hiệu này đến một máy tính, nơi thuật toán mới được phát triển và sẽ chuyển chúng thành văn bản trên màn hình. T5 lặp lại mỗi chữ cái mười lần để dạy chương trình cách viết tay của mình. Sau khi được kết nối não bộ với máy tính, bệnh nhân này đã có thể viết với tốc độ khoảng 18 từ mỗi phút và và viết tự do (15 từ mỗi phút, gấp ba lần kỷ lục trước đó từ thiết lập bàn phím và chuột).
Bình luận của bạn