Làm ngơ
Nằm trên đường Nguyễn Thị Thập, phường Tân Phú quận 7, phòng khám của bác sĩ (BS) T.Q.T. luôn đông nghẹt người xếp hàng lấy số thứ tự. Lịch hoạt động của phòng khám này là sáng từ 8 giờ đến 10 giờ và chiều từ 5 giờ đến 10 giờ - 11 giờ đêm. Cứ đến giờ khám, BS T. lại chạy xe máy chở một cô gái trẻ khệ nệ ôm một túi đen đựng đầy thuốc từ đâu không rõ đến mở cửa phòng khám. Địa điểm hoạt động phòng khám được BS T. thuê từ nhiều năm qua.
Tuy nhiên, bên ngoài phòng khám chỉ ghi cụt lủn là “Bác sĩ T.Q.T - khám bệnh người lớn, trẻ em” mà không hề ghi số giấy phép hoạt động cũng như chuyên khoa như quy định. Có nghĩa là bệnh người lớn hay trẻ em, BS T. đều khám tuốt, trong khi đó, BS T. đang công tác tại một bệnh viện tư nhân không phải chuyên khoa về trẻ em.
Mục sở thị, rất nhiều người lớn bị bệnh đến phòng khám đều được BS T. chích vào mông và ngang nhiên kê đơn bán thuốc tại chỗ. Có bệnh nhân nam khoảng 50 tuổi bị đau nhức ở chân, BS T. bảo muốn nhanh khỏi thì lên giường, cởi quần ra và BS chích một liều thuốc màu vàng đục là xong.
Các bệnh viện quá tải là một trong những nguyên nhân khiến phòng khám tư phát triển.
Tình trạng phòng mạch tư hoạt động kiểu như trên hiện nay rất phổ biến. Phòng mạch bố trí không đúng quy định, bảng hiệu mập mờ, hoạt động ngoài chuyên môn, BS vừa khám vừa bán thuốc tràn lan. Thậm chí, không ít phòng mạch bán cho bệnh nhân thuốc đã hết đát, cận đát với giá cắt cổ hoặc đau đâu chích đó (chích thuốc giảm đau).
Đã vậy, hàng loạt phòng khám tư nhân
hiện nay có giấy phép hoạt động đã hết hạn, chưa được gia hạn, nhưng vẫn hoạt
động, thậm chí chưa được cấp giấy phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Như phòng
khám C.Đ (ở Tân Túc, huyện Bình Chánh) đã bị Phòng Y tế huyện kiểm tra và phát
hiện nhiều sai phạm, trong đó, có việc chưa được cấp giấy phép, chưa có hệ thống
xử lý nước thải nhưng vẫn hoạt động. Theo một cán bộ Phòng Y tế huyện Bình
Chánh, hiện vụ việc đã được báo cáo về Thanh tra Sở Y tế TP.HCM từ gần 2 tháng
qua, nhưng chưa thấy động thái xử lý nào.
Cũng trên địa bàn huyện Bình Chánh, theo BS Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Y tế
huyện thì: Trong 6 tháng đầu năm 2013 đã thanh, kiểm tra gần 100 cơ sở hành nghề y
dược tư nhân và phát hiện, xử phạt nhiều cơ sở vi phạm. Trao đổi với phóng
viên, lãnh đạo nhiều phòng y tế quận huyện cũng thừa nhận từ đầu năm đến nay đã
làm ngơ cho nhiều phòng mạch, phòng khám tư hoạt động do thực tế giấy phép hết
hạn nhưng chưa đổi kịp hoặc đã hoàn thiện thủ tục xin cấp phép chờ được duyệt
nhưng đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người nên cấm hoạt động
cũng khó.
Với gần 15.000 cơ sở hành nghề y dược tư nhân, hệ thống này đã góp phần rất lớn chăm sóc sức khỏe nhân dân TPHCM và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường béo bở để không ít cơ sở hành nghề y dược “hái lượm” trên sức khỏe người dân. Trong khi đó, cơ quan quản lý là ngành y tế tỏ ra không kham nổi. Mặc dù có nguyên do lý giải vì thủ tục rườm rà, quy định hướng dẫn chưa kịp thời nhưng thực tế cho thấy, nhiều cơ sở hành nghề y hoạt động “chui” là một nỗi lo lớn cho người bệnh.
Theo ghi nhận của Phòng Y tế quận
11, hiện địa bàn này có 413 cơ sở nhưng mới cấp giấy phép hoạt động cho 6 cơ
sở; quận 3 có 315 cơ sở nhưng hiện còn 250 cơ sở chưa có phép… Kết quả thanh,
kiểm tra sơ bộ của Thanh tra Bộ Y tế về vấn đề cấp phép hành nghề y dược tư
nhân trên địa bàn TPHCM vừa qua cho thấy mới chỉ có khoảng 2,5% cơ sở y tế được
cấp phép hoạt động, trong khi số cơ sở cũ là 6.000, chưa kể cơ sở mới.
Theo quy định, các cơ sở hành nghề y tư nhân muốn hoạt động phải được thẩm
định, tiền kiểm rất chặt chẽ. Hiện công tác này đã có sự phân cấp tới tận
quận-huyện, phường-xã. Tuy nhiên, không loại trừ trong quá trình thẩm định đã
có sự “lo lót” để cho qua. Đến khi đi vào hoạt động thì cơ sở bắt đầu nảy sinh
những biến tướng, sai phạm.
Theo quy định, tiền kiểm, thẩm định
thuộc về trách nhiệm của Phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân - Sở Y tế TP. Còn
hậu kiểm lại thuộc về Thanh tra Sở Y tế TP. Theo Thanh tra Sở Y tế TPHCM, năm
2012 đã tiến hành thanh tra 2.920 cơ sở hành nghề y và đã xử lý vi phạm 490 cơ
sở, đình chỉ hoạt động 93 cơ sở, tước giấy phép 6 phòng khám y học cổ truyền.
Ngoài ra, đã tịch thu hàng trăm loại thuốc, mỹ phẩm hết hạn sử dụng, không có
nguồn gốc từ các phòng mạch, phòng khám tư.
Thực tế thanh, kiểm tra hành nghề y dược tư nhân vừa qua còn rất nhiều điều
đáng nói. Hầu hết các phòng y tế quận huyện chưa chú trọng đến công tác hậu
kiểm đối với hành nghề y dược tư nhân. Có những quận huyện đạt tỷ lệ thanh tra
rất thấp, thậm chí có quận huyện không thanh, kiểm tra một cơ sở y học cổ
truyền nào. Mặt khác, một số quận huyện có thanh, kiểm tra nhưng tỷ lệ phát
hiện vi phạm quá nhỏ, thậm chí không hề ghi nhận một trường hợp vi phạm nào!
Bác sĩ Lê Minh Hải, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân Sở Y tế TPHCM, cho biết đã họp bàn với Phòng Y tế 24 quận/huyện và yêu cầu các quận huyện hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề cho các cơ sở hoạt động y tế tư nhân trên địa bàn. Theo đó các quận/huyện sẽ đảm nhận việc hướng dẫn cấp phép cho các phòng khám chuyên khoa và thẩm định trước một bước để Sở Y tế xuống xác nhận. |
Bình luận của bạn