Kỳ nghỉ Hè lại trở thành “học kỳ thứ 3” với con trẻ - Ảnh: internet
Podcast: Kỹ năng giúp đảm bảo an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ Hè
Các hoạt động giúp trẻ có kỳ nghỉ Hè vui khỏe và bổ ích
Phòng ngừa béo phì cho trẻ vào dịp nghỉ Hè
Đừng để áp lực thi cử khiến cả cha mẹ và con đều “stress”
“Em không muốn học Hè…”
Mùa Hè có lẽ là khoảng thời gian vui thích nhất của lũ trẻ khi được vui chơi thỏa thích, không phải vùi đầu vào những buổi học thêm, được nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm học tập căng thẳng ở trường. Nghỉ Hè thật sung sướng vì được ngủ, được nghỉ, đi chơi và làm mọi thứ mình muốn. Trẻ thành phố háo hức về quê, đi nghỉ mát, chơi đùa cùng bạn bè, trong khi trẻ ở quê còn khoái trí hơn khi tha hồ thả diều, tắm sông, bắt cua bắt cá, đá bóng... Nhưng đó là khi nói về mùa Hè của thế hệ 7X, 8X, đôi chút là 9X, còn với trẻ em ngày nay, những điều đó giờ quá xa vời, là giấc mơ xa xỉ.
Nói vậy bởi lẽ với lũ trẻ thời nay, mùa Hè còn có thể coi là kỳ học thứ 3 khi quãng thời gian được nghỉ ngơi và vui chơi đúng nghĩa chúng là không dài, đặc biệt là với trẻ thành phố. Có không ít gia đình mặc định kỳ nghỉ Hè chỉ được kéo dài trong 1 đến 2 tuần đầu, với những học sinh chuyển cấp thậm chí còn không có kỳ nghỉ. Thậm chí ngay từ khi chưa bước vào kỳ nghỉ Hè, các phụ huynh đã lo lắng tính toán, đăng kí các lớp học thêm cho con. Có nhiều lý do cho việc này nhưng dù sao đó cũng vẫn là một điều đáng tiếc, một thực trạng đáng lo ngại vì chắc chắn không ít thì nhiều, trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý.
Em Nguyễn Lan Hương (học sinh lớp 8 tại Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Hè năm nay em chỉ được bố mẹ cho nghỉ phép 1 tuần, sau đó em phải học thêm các môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh bố mẹ em đã đăng kí từ trước. Em nghe lời bố mẹ nhưng thật lòng em không muốn học Hè, em chỉ muốn được về quê, nghỉ ngơi và vui chơi thôi.”
Trong khi đó với Phạm Bình Minh (học sinh lớp 10 tại Hoài Đức, Hà Nội), kỳ nghỉ Hè từ lớp 8 lên lớp 9 chỉ học và học. "Em không có chuyến du lịch, hạn chế tham gia các hoạt động vui chơi khác. Một tuần em đã đến lớp học thêm 6 ngày, chỉ nghỉ ngày Chủ Nhật, chuỗi ngày học thêm đó kéo dài từ đầu kỳ nghỉ Hè tới vào năm học mới.”
“Học thêm vào kỳ nghỉ Hè chúng em có thể thoải mái về thời gian hơn, cũng không đặt nặng quá nhiều về điểm số, thành tích. Thế nhưng chúng em vẫn phải lên lớp đều đặn, vẫn có các bài “test” thường xuyên, áp lực so với trong năm học có thể bớt đi đôi chút nhưng không thể hết hoàn toàn được. Em thấy căng thẳng và mệt mỏi ngay trong kỳ nghỉ Hè của mình”, em Phạm Ngọc Ánh (học sinh lớp 11 tại Nghĩa Hưng, Nam Định) bộc bạch.
Đây không phải là những trường hợp cá biệt, bởi rất nhiều đứa trẻ đều nhanh chóng vùi đầu vào sách vở, hay “chạy sô” học thêm. Kỳ nghỉ Hè trở thành “học kỳ thứ 3”, là bước đệm chuẩn bị cho năm học mới. Với những đứa trẻ ở các thành phố lớn, điều này càng quen thuộc hơn. Ngoài việc không có nhiều khu vui chơi an toàn và lành mạnh, có quá nhiều lý do từ chủ quan đến khách quan, chủ động đến bị động khiến phụ huynh muốn các em đi học trở lại sớm.
Điều này, vô tình khiến trẻ em dễ rơi vào tình trạng căng thẳng quá mức, rối loạn tâm lý, dẫn đến những hành vi tiêu cực, khó kiểm soát. Tỷ lệ học sinh trầm cảm và các vụ học sinh tự tử gia tăng thời gian qua có thể xem là hồi chuông cảnh báo.
Nhưng cha mẹ cũng có cái khó
Thời gian nghỉ Hè của trẻ kéo dài 3 tháng. Trong khi đó, các bậc phụ huynh vẫn phải đi làm cả ngày nên việc trông trẻ khiến nhiều người không khỏi đau đầu tìm giải pháp. Bởi thực tế, nhiều phụ huynh cũng nhận thức được rằng nên để trẻ được thư giãn, nghỉ ngơi trong kỳ nghỉ Hè. Song, họ cũng than phiền, nếu không cho trẻ đi học thêm trong Hè, con sẽ suốt ngày ôm điện thoại hoặc máy tính, chơi game, lướt web do không có sự kiểm soát của người lớn. Hay cũng có những phụ huynh thấy con người ta học mà con mình chưa cũng thấy sốt ruột, lo rằng nếu con mình không học Hè sẽ không theo kịp được các bạn.
Từ Hà Tĩnh ra Hà Nội mưu sinh đã được 10 năm, chị Phạm Huyền Trang và chồng đều là nhân viên văn phòng, công việc khá bận rộn nên ngay từ thời điểm cậu con trai chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ Hè, chị Trang đã liên hệ với một số giáo viên nhận dạy thêm và tới trung tâm để đăng kí học Hè cho con.
Sang năm thi chuyển cấp lên lớp 6, chị đăng ký học thêm cho con cả 3 môn Toán, Ngữ Văn và Tiếng Anh với lịch học luôn trong trạng thái “kín, chỉ có ngày Chủ Nhật được nghỉ. Để không mất công đưa đón, chị còn đăng kí cho con ăn trưa tại lớp với hình thức “học Hè bán trú”. Lúc đầu, bé kiên quyết đòi ở nhà với lý do nghỉ Hè, không chịu đi học. Chị phải dùng biện pháp từ “mềm mỏng” đến dọa nạt, cậu bé mới miễn cưỡng đồng ý.
Chị Trang chia sẻ: “Nhà không có người trông nom, tôi sợ cháu ở nhà một mình sẽ lạm dụng điện thoại, tivi, dẫn đến lười vận động, vừa hại mắt, không tốt cho sức khỏe. Biện pháp duy nhất hiện giờ là đăng ký cho con đi học thêm ở các trung tâm uy tín, môi trường tốt, vừa trau dồi thêm kiến thức lại có thể quản lý được con. Hơn nữa, con mình chuẩn bị tới giai đoạn chuyển cấp nên nếu không học thêm thì không thể nào theo kịp được các bạn, không thể nắm bắt được hết chương trình.”
Không chỉ đưa con đến các trung tâm, các địa chỉ giáo viên nhận dạy thêm mà một số phụ huynh còn thuê gia sư đến nhà để kèm cặp con dịp Hè. “Thấy con người ta học thêm Hè lớp này lớp nọ nên mình cũng sốt ruột, sợ con bước vào năm học mới thua kém bạn bè nên tôi đã thuê gia sư về tận nhà dạy cho bé. Tuy bỏ ra chi phí không nhỏ nhưng tôi không thấy tiếc, miễn sao con mình đạt được thành tích cao trong năm học tới.”, chị Thu Hoài có con học sinh lớp 4 (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.
“Chúng ta đang sống trong nền văn hóa cạnh tranh ngày càng cao. Nỗi sợ không vào được trường THPT, trường đại học tốt nhất làm trầm trọng hóa thêm phản ứng lo lắng từ phụ huynh, dẫn đến việc áp đặt học tập cho trẻ trong kỳ nghỉ Hè một cách quá tải. Điều này khiến học sinh ảnh hưởng nhiều về sức khỏe, trong đó có sức khỏe tinh thần và kỹ năng xã hội để cố gắng duy trì điểm cao”. PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ với Báo Giáo Dục & Thời Đại. Do đó, cần phải có một giải pháp nào đó tốt hơn và dung hòa được cả hai phía.
Những phụ huynh có sai khi áp đặt suy nghĩ và sự lo lắng của mình lên con trẻ, hay việc học Hè là điều cần thiết? Giải pháp nào để trẻ có một kỳ nghỉ hè ý nghĩa? Tất cả sẽ có ở kỳ 2.
Bình luận của bạn