Đặc sản Hà Tĩnh – Ăn một lần, nhớ cả đời!

“Chè xanh thêm chút gừng cay/Cu đơ Hà Tĩnh làm say lòng người” - Ảnh: Sức khỏe+

Thực đơn cơm tối cả tuần với 3 món ngon - bổ - rẻ

Thực đơn ngon miệng cho các bữa tối trong tuần

Gợi ý 7 mâm cơm tối toàn món ngon và dễ làm

Bê thui Cầu Mống, muốn ngon phải ăn đúng nơi, đúng điệu

Kẹo cu đơ

Kẹo cu đơ là sự kết hợp giữa cái giòn tan của vỏ bánh đa vừng bên ngoài, vị ngọt dẻo của lớp mật mía bên trong hòa cùng vị béo bùi của vừng, lạc, thoang thoảng hương thơm cay nồng của gừng tươi. Miếng bánh vừa dai, vừa giòn, vừa ngọt, vừa thơm lại cay nhẹ.

“Chè xanh thêm chút gừng cay/Cu đơ Hà Tĩnh làm say lòng người”. Thưởng thức cu đơ chuẩn vị phải có chén chè xanh nóng hổi. Vị ngọt của kẹo cùng vị chan chát của chè xanh lại thật hòa hợp, tạo nên hương vị thơm ngon khó tả.

Lạc chọn làm kẹo phải đều hạt, giòn, vỏ ngoài mỏng và bóng. Mật mía phải là thứ mật sánh, thơm và đặc như mật ong. Bánh đa vừng không quá dày cũng không quá mỏng, kết hợp cùng gừng tươi, vỏ chanh để tạo vị thơm.

Quá trình giữ lửa được xem là khâu quan trọng nhất, đảm bảo sự thành công của mẻ kẹo. Nếu lửa quá to, mật sẽ bị bén đáy nồi, gây khét. Lửa nhỏ thì không đủ độ để làm giòn hạt lạc. Do đó, cái khéo của người làm là giữ lửa cho đều mới ra được mẻ kẹo đúng chuẩn.

Qua bao thăng trầm của thời gian, kẹo cu đơ đã trở thành một sản phẩm có thương hiệu và có chỗ đứng trong ẩm thực Việt, đồng thời trở thành một đặc sản đặc trưng của “vùng đất gió Lào” Hà Tĩnh.

Mực nhảy Vũng Áng

Mực nhảy Vũng Áng – món ngon trứ danh tỉnh Hà Tĩnh - Ảnh: Sức khỏe+

Mực nhảy Vũng Áng – món ngon trứ danh tỉnh Hà Tĩnh - Ảnh: Sức khỏe+

Được thiên nhiên ưu đãi với bờ biển dài, ngư trường rộng lớn, Hà Tĩnh nổi tiếng với nhiều món ngon chế biến từ thủy hải sản. Đặc biệt khi ghé thăm Vũng Áng, món mực nhảy trứ danh luôn là lựa chọn không thể thiếu được.

Món mực nhảy được đánh bắt và chế biến theo cách đặc biệt. Mực sẽ được ngư dân đi câu trong đêm, thả nuôi vào các lồng bè. Khi thực khách gọi món, những con mực tươi rói, còn sống được vớt ngay và chế biến. Mực bật tanh tách, mắt và các sao phát sáng trên thân mực vẫn nhấp nháy tạo nên cái tên “mực nhảy” hay “mực nháy”.

Biển Vũng Áng có độ mặn khá cao, xấp xỉ 3,5 là độ mặn lý tưởng để mực có thể giữ được sự tươi ngon. Mực nhảy ngon nhất khi vừa vớt lên từ lồng nuôi, rửa sạch để nguyên con đem luộc, hấp bia. Thịt mực dẻo, đậm vị mà vẫn giữ được hậu vị ngọt, tươi.

Mực nhảy có thể được làm gỏi. Những con mực to nhất, bơi khỏe nhất được đầu bếp lựa chọn, bỏ hết phần ruột, chỉ lấy phần thân có màu trong suốt để làm gỏi. Món gỏi mực ăn kèm với rau thơm, các loại gia vị và nước chấm đặc biệt do từng nhà hàng pha chế khiến thực khách phải “xuýt xoa” khi thưởng thức.

Ram, bánh mướt

Không phải phở hay bún, ram bánh mướt là món ăn sáng phổ biến tại Hà Tĩnh - Ảnh: Sức khỏe+

Không phải phở hay bún, ram bánh mướt là món ăn sáng phổ biến tại Hà Tĩnh - Ảnh: Sức khỏe+

Ram, bánh mướt là món ăn sáng quen thuộc của mỗi người dân Hà Tĩnh. Không giống như món nem rán, ram Hà Tĩnh phải được cuốn từ vỏ bánh làm từ gạo và mật mía, có màu nâu vàng đặc trưng. Nhân bánh gồm thịt lợn băm nhỏ, miến, ngò tàu, nấm mộc nhĩ, tiêu cùng một số gia vị khác. Ram được cuốn chặt, mỗi cái khoảng bằng 2 ngón tay. Ram cuốn càng chặt sẽ càng ngon. Sau khi cuốn, ram được rán trong chảo dầu sôi khoảng 4-5 phút.

Phần bánh mướt được làm từ bột gạo. Gạo được xay nhuyễn thành bột, thêm nước rồi ủ từ 7-9 tiếng. Bánh được tráng trên lửa nhỏ, giữ cho vỏ bánh mỏng nhưng vẫn phải dai, mịn.

Ram được cuốn cùng bánh mướt kết hợp với nước mắm mới tròn vị. Nước mắm ở đây phải là nước mắm làm thủ công, có vị mặn đậm đà được pha cùng nước sôi, tỏi, ớt, chanh, đường, mì chính.

Điều đặc biệt ở món ăn này chính là cảm giác khi nhai. Cái giòn rụm của ram cùng độ dai, mềm của bánh mướt, vị mặn mà, chua cay của nước mắm, tất cả hòa quyện, tạo nên hương vị vừa ngon, vừa lạ.

Ram, bánh mướt có thể ăn kèm cùng giò lắt, rau sống.

Bún bò Đò Trai

Điểm đặc biệt ở bún bò Đò Trai là sợi bún được làm thủ công có màu hoa cau -  Ảnh: Sức khỏe+

Điểm đặc biệt ở bún bò Đò Trai là sợi bún được làm thủ công có màu hoa cau - Ảnh: Sức khỏe+

Bún bò Đò Trai được lấy tên từ cây cầu Đò Trai nổi tiếng vùng Đức Thọ, cũng là "cái nôi" của món ngon đặc biệt này.

Những sợi bún to, tròn, được làm thủ công hoàn toàn. Để làm được loại bún này phải dùng loại gạo quê Đức Thọ, gạo được ngâm ủ trong 5 ngày. Phải biết chọn thời điểm vớt gạo ra để ủ tạo men thì bún mới ngon và có màu nâu nhạt như hoa cau.

Thịt phải được chế biến từ những chiếc đùi bò còn tươi, thịt bò mềm được cắt thành từng miếng có độ dày vừa phải. Thịt được chần tái trong nồi nước dùng, người đầu bếp khi chần thịt phải tính toán chuẩn thời gian, không để thịt chín quá, khi ăn  giữ được vị ngọt.

Nước dùng được ninh trong nhiều giờ được nấu từ xương ống bò, đuôi bò và đặc biệt, phải có gừng tươi. Gừng phải là gừng quê, được trồng tại Đức Thọ vì mang lại mùi thơm đặc trưng. Trong quá trình chế biến nước dùng, người đầu bếp phải rất tỉ mỉ, xương phải rửa thật sạch cho đến khi hết máu còn dính lại, thường xuyên gạn bỏ bọt để màu nước luôn được trong.

Bún bò Đò Trai được cho ra một đĩa riêng cùng bát nước dùng. Cách ăn này sẽ giúp bún không bị nát khi để quá lâu, vẫn giữ được vị dai, ngon. Bún bò Đò Trai được ăn cùng các loại rau như húng quế, ngò gai, xà lách và bánh đa vừng.

 Bánh bèo Hà Tĩnh

Bánh bèo phải được ăn cùng rau mùi, hành phi, nước mắm chua ngọt mới chuẩn vị Hà Tĩnh - Ảnh: Sức khỏe+

Bánh bèo phải được ăn cùng rau mùi, hành phi, nước mắm chua ngọt mới chuẩn vị Hà Tĩnh - Ảnh: Sức khỏe+

Nhắc đến bánh bèo, người ta thường nhầm lẫn với bánh bèo xứ Huế. Nhưng với món bánh bèo Hà Tĩnh, lại có hình dáng, hương vị, cách chế biến hoàn toàn khác.

Bánh bèo Hà Tĩnh được làm từ bột lọc. Gạo được ngâm nhiều giờ sau đó vo sạch, chắt nước rồi xay thành bột nhỏ, mịn cho ra thành quả bột lọc. Bột thành phẩm trước khi nặn phải được pha chế cùng nước sôi già mới tạo nên vỏ bánh dẻo, dễ tạo hình.

Sau khi sơ chế xong phần bột, từng miếng bột được nặn thành từng miếng bánh hình bán nguyệt, có đường kính nhỏ từ 2 đến 3 cm.

Nhân bánh có thể bằng tôm đồng được rim mặn ngọt hoặc thịt nạc và mỡ xen lẫn được xào vừa chín tới.

Bánh bèo có thể được luộc hoặc xào cùng nấm mộc nhĩ. Bánh bèo chuẩn vị khi ăn cùng hành phi, rau mùi ta và nước mắm tỏi, ớt pha loãng, chan ngập mặt bánh. Nước chấm bánh bèo sẽ có vị thiên ngọt, chua.

 
Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội