Trung Quốc: Tràn lan sữa nhiễm độc

Nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc (TQ) thích mua sản phẩm sữa trẻ em nhập khẩu hoặc mang nhãn hiệu nước ngoài hơn sau khi xảy ra xì-căng-đan gây chấn động vào năm 2008. Khi ấy, Tập đoàn Tam Lộc, nhà sản xuấtkinh doanh sữa lớn thứ ba ở TQ, bị phát hiện đã trộn melamine vào sản phẩm sữa bột trẻ em của họ để làm sai lệch các cuộc kiểm tra hàm lượng chất đạm. Hậu quả, ít nhất 6 em bé TQ tử vong và 300.000 trẻ khác mắc bệnh.

Hại não, thận, gan

Trong khi hậu quả nghiêm trọng của vụ bê bối sữa nhiễm melamine năm 2008 vẫn chưa thể giải quyết xong thì tình trạng sữa nhiễm độc vẫn tiếp tục đe dọa sức khỏe trẻ em TQ. Tập đoàn Tam Lộc là một trong 22 công ty sữa của TQ bị phát hiện đã thêm hóa chất công nghiệp melamine vào sản phẩm sữa.

Gần đây, theo Tân Hoa Xã, Tổng cục Thanh tra - Giám sát chất lượng và Kiểm dịch (AQSIQ) - cơ quan theo dõi chất lượng sản phẩm của TQ - còn phát hiện mức độ thủy ngân bất thường trong một số mặt hàng sữa bột. Theo Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ, mức độ thủy ngân cao có thể làm tổn hại não và thận.

Thanh tra một cơ sở sản xuất sữa ở Trung Quốc. Ảnh: PHILLY

Ngay sau đó, nhà sản xuất sữa lớn nhất TQ, Tập đoàn Công nghiệp Y Lợi Nội Mông, đã thu hồi loại sữa bột trẻ em có chứa thủy ngân cao bất thường. Tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng đã có phản ứng tiêu cực trước thông tin này. Một người sử dụng mạng xã hội Weibo có nickname Lucky Cow bức xúc: "Chẳng ai có thể bảo vệ chúng tôi nên chúng tôi phải tự bảo vệ mình. Từ bây giờ, chúng tôi tẩy chay tất cả sản phẩm của Y Lợi".

Các chuyên gia về sữa cho biết những kim loại nặng có trong bộ dụng cụ dùng kiểm nghiệm được thực hiện trên nguyên liệu thô và sản phẩm cuối cùng. Ngoài ra, các nguồn nhiễm độc có thể từ tình trạng ô nhiễm tại các nhà máy chạy bằng than đá đã xâm nhập cơ thể đàn bò, cũng như từ các chất phụ gia và việc đóng gói bị nhiễm trùng.

Tháng 12-2012, Công ty TNHH Sữa Mãnh Ngưu đã tiêu hủy các sản phẩm của mình sau khi phát hiện chúng chứa aflatoxin, chất có thể gây tổn hại gan nghiêm trọng. Gần đây, Mãnh Ngưu cho biết đến năm 2015, công ty sẽ chi 3,5 tỉ nhân dân tệ để từng bước ngưng hợp đồng với các nhà cung ứng nhỏ lẻ, đồng thời tiến hành giao kết việc cung cấp sữa tươi với các nông trại quy mô lớn nhằm giảm thiểu tình trạng nhiễm độc.

Biến hóa sữa quá hạn sử dụng

Đến nay, ngành công nghiệp sữa TQ vẫn loay hoay tìm cách khôi phục sự tin cậy của người tiêu dùng sau một loạt xì-căng-đan sữa nhiễm độc. Các nhà sản xuất sữa lớn của TQ như Công ty Y Lợi và Công ty Mãnh Ngưu vẫn đang tiếp tục đau đầu với vấn nạn an toàn thực phẩm. Trong khi đó, vẫn chưa rõ tình hình ngăn chặn tình trạng sữa nhiễm độc tại các nhà sản xuất nhỏ hơn diễn ra như thế nào.

Trong khi đó, Văn phòng Quản lý An toàn thực phẩm ở Thượng Hải cuối tháng 3-2013 thông báo 28 cửa hàng và 15 siêu thị ở TP đã được lệnh ngưng bán sản phẩm sữa trẻ em dán nhãn hiệu nước ngoài. Theo cơ quan này, khoảng 1.300 kg sản phẩm sữa trẻ em dán mác Hero Nutradefense đã được dẹp bỏ khỏi các quầy hàng. Đồng thời, văn phòng đã tiến hành điều tra chi nhánh Công ty Xuất nhập khẩu Cát Hỷ Đạt ở TP Tô Châu - tỉnh Giang Tô đóng tại Thượng Hải. Trước đó, chi nhánh này khẳng định mọi sản phẩm sữa trẻ em dán nhãn Nutradefense đều được nhập từ Hà Lan.

Ông Mỗ Quân, người đứng đầu Công ty Cát Hỷ Đạt, đã bị cảnh sát bắt giữ. Ông Mỗ bị cáo buộc mua sữa bột trẻ em được sản xuất dành riêng cho thị trường châu Âu của Tập đoàn Hero, một nhà sản xuất sữa lớn của Thụy Sĩ, rồi đóng gói lại với nhãn hiệu Nutradefense mà ông ta có giấy chứng nhận nhập khẩu hợp pháp.

Trong số 17 đợt hàng sữa bột trẻ em mang nhãn Nutradefense được cơ quan quản lý an toàn thực phẩm kiểm nghiệm, ít nhất 7 đợt không đáp ứng tiêu chuẩn về chất đạm. Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin Công ty Cát Hỷ Đạt còn bị cáo buộc đã trộn sữa bột hết hạn sử dụng vào các sản phẩm Nutradefense, sửa ngày sản xuất và thời hạn sử dụng rồi đóng gói lại.

Đây là xì-căng-đan mới nhất liên quan đến an toàn thực phẩm trong lĩnh vực sữa ở TQ. Sau khi các phương tiện truyền thông công bố vụ bê bối này, nhiều cửa hàng bán hàng trực tuyến đã ngưng kinh doanh những sản phẩm sữa bột trẻ em nhãn hiệu Hero Nutradefense. Hoàng loạt cửa hàng ở các TP lớn khác như Bắc Kinh và Thành Đô cũng dẹp bỏ những loại sữa này khỏi quầy hàng.

Thiếu quản lý, giám sát

Ông Chu Bác Hoa, một quan chức thuộc Cơ quan Quản trị Công nghiệp và Thương mại TQ, cho Tân Hoa Xã biết với nỗ lực bảo đảm an toàn thực phẩm, TQ sẽ sớm ban hành quy tắc chuyên biệt về sữa bột trẻ em. Ông Chu cho rằng quy tắc này sẽ nhằm vào toàn bộ dây chuyền, từ sản xuất đến lưu thông mặt hàng sữa trên thị trường. Nhà chức trách sẽ đưa ra nhiều biện pháp giám sát nghiêm ngặt để xử lý hành vi không đúng của người chăn nuôi, doanh nghiệp sản xuất sữa bột và người bán, bảo đảm cho người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm sữa bột an toàn. Ông Chu cũng thừa nhận tình trạng thiếu quản lý và giám sát đối với ngành công nghiệp sữa là nguyên nhân gây ra các vụ bê bối về an toàn thực phẩm thời gian qua.


Theo Ngô Sinh (NLĐ)
doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất