Từ câu đồng dao "Rồng rắn lên mây"...

Trò chơi Rồng rắn được giới khảo cứu cho là có thể ra đời từ thời Lý Trần.

Làm thế nào để dạy trẻ nhận diện thông tin sai lệch?

Tết Ất Tỵ: “Xách balo lên và đi”

Tương lai ra sao khi Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới?

Mang yêu thương đến với bệnh nhân ung thư dịp Tết Ất Tỵ 2025

1. Mỗi chúng ta từng trải qua quãng ngày thơ ấu, đi qua những trò chơi “dung dăng dung dẻ”, “bịt mắt bắt dê”… vui nhộn dưới bóng trăng, trên sân vườn nhà đó đây. Và không hiểu sao, trò chơi Rồng rắn hay còn gọi là Rồng rắn lên mây vui vẻ, rộn ràng ngày xa xưa ấy cứ còn lưu dấu, nhắc nhớ cho đến hôm nay?

Nhiều người vẫn nhớ, trò chơi này cần ba, bốn người trở lên, càng đông thì càng vui. Một người được chỉ định làm "Thầy thuốc". Một người làm đầu rắn, số còn lại là thân và đuôi rắn. Rắn tạo hình bằng cách các bạn trẻ xếp hàng dài, đứa sau ôm eo hay nắm áo đứa trước nhịp nhàng di chuyển như một con rắn lượn.

Chỗ chơi là ngoài sân càng rộng phẳng càng tốt, để chạy đuổi bắt nhau được. Khi tất cả im nghe tiếng hô “Nào, bắt đầu” thì Thầy thuốc đứng giữa sân, con-rắn-người di chuyển một vòng xung quanh. Lũ trẻ vừa nối đuôi nhau chuyển động trùng trùng, vừa đồng thanh hát:

"Rồng rắn lên mây

Có cây lúc lắc

Hỏi thăm thầy thuốc

Có nhà hay không?"

Khi dứt ở câu này thì đầu rắn phải trở lại đối diện Thầy thuốc. Đầu tiên Thầy thuốc sẽ trả lời: "Không có nhà." Rắn lại phải lượn một vòng và hát rồi lại hỏi: "Thầy thuốc có nhà hay không?" Lần thứ hai Thầy thuốc lại nói: "Không có nhà". Rắn lại lượn một vòng và hát, rồi hỏi: "Thầy thuốc có nhà hay không?" Lần thứ ba này Thầy thuốc mới nói: "Có nhà."

Sau đó là đoạn đối thoại ngắn giữa Thầy thuốc và rắn:

- Con đi đâu?

- Con đi mua thuốc

- Mua thuốc cho ai?

- Mua thuốc cho con

- Con lên mấy?

- Con lên một

- Thuốc chẳng hay

- Con lên hai

- Thuốc chẳng hay

- Con lên ba...

- Thuốc hay vậy.

Rồi đến

- Xin khúc đầu

- Những xương cùng xẩu

- Xin khúc giữa

- Những máu cùng me

- Xin khúc đuôi

- Tha hồ Thầy đuổi.

Dứt lời thì Thầy thuốc cố chạy vòng ra sau túm lấy đuôi rắn trong khi đầu rắn cố giang tay ra cản còn thân rắn vặn mình cố thoát Thầy thuốc... Trò chơi kết thúc: Thầy thuốc đã bắt được đuôi rắn hay con rắn ngoằn ngoèo đã "đứt" ra từng khúc… Ấy cũng là lúc lũ trẻ xô nhau chạy, la hét, có khi té nhào, đứt cả dép vô cùng vui nhộn. Là khi không chỉ mọi người chen lấn nói cười mà còn cả Chị Hằng tít tận cung trăng cũng rạng ngời soi tỏ, ghé nhòm…

2. Thuở nhỏ, tất nhiên chỉ biết chơi vui, mệt rã vẫn vui vì có bạn có bầu. Mà chưa hiểu và cũng không cần hiểu vì sao lại là trò chơi Rồng rắn, đã rồng lại còn rắn là sao? Và vì sao lại là Rồng rắn lên mây?

Thế rồi đến Năm Con Rắn, năm Tỵ, báo chí, sách vở nói rất nhiều, rất đậm về những điều tưởng như xưa cũ, tưởng như ai ai cũng biết mà thực ra là …

Đó là một câu chuyện dài đằng đẵng từ trong lịch sử nguyên thủy của người Việt, những cư dân vùng sông nước hằng ngày, hằng giờ phải vật lộn với thiên tai, giặc giã để bảo vệ và xây dựng đất nước, bảo tồn và phát triển giống nòi.

Tài liệu nghiên cứu từng được công bố của Nhà Ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn viết từ năm 2000 cũng như buổi nói chuyện mới đây (2024) của chúng tôi với Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ đều khẳng định: Từ thời tiền sử, từ Rồng và Rắn có thể có chung nguồn gốc. Theo đó, trong huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ thì Lạc Long Quân giống rồng nhưng là con rồng hình rắn. Người Việt cổ tư duy rồng dạng rắn, một phương thức biến thể so với người phương Bắc coi rồng là con thú 4 chân. Hình tượng Lạc Long Quân - một biểu hiện phái sinh của rắn, lấy nàng Âu Cơ giống chim, đẻ ra bọc trứng vốn là tập tục của rắn.

Giới hội họa cũng như nhiều người quan tâm hẳn biết ý kiến của hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung từ 1970 rằng: Con Rồng thời Lý khác con Rồng Trung Quốc, nó có hình dạng Rắn, "có nhiều đường lượn. Hình loại rồng này phải có lịch sử của nó, có thể xuất hiện trước đời Lý nhiều... Nay ta gọi là Rồng, nhưng xưa chưa hẳn đã gọi là Rồng, mà có thể là một loại “rồng rắn”, trẻ con ta thường có trò chơi “rồng rắn”.

Vậy là có thể hình dung câu chuyện mà chúng ta đang nói đến trong những ngày xuân Ất Tỵ 2025 này. Rõ rành, trong ca dao hình ảnh rắn thân thuộc với tuổi thơ là bài đồng dao trong trò chơi Rồng rắn, được giới khảo cứu xem là xưa, có thể ra đời từ thời Lý Trần. “Rồng rắn lên mây” là câu đồng dao thể hiện trí tưởng tượng vượt bậc của dân gian, từ một trò chơi trẻ con nối đuối nhau đuổi bắt, reo vui, gắn với hình ảnh uốn lượn của con rồng, con rắn để bay lên, thăng hoa lên tô đẹp đời sống hàng ngày.

Cũng để nhớ lại rằng, bên cạnh việc thờ thần rắn linh thiêng, người Việt còn biết cách bình thường hóa, đời sống hóa các loài rồng, rắn thông qua các câu hát đồng dao, các trò chơi truyền thống. Đó là sự đa dạng, sự phong phú trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt, để rồi càng soi chiếu vào quá khứ, vào truyền thống chúng ta càng thấy vô cùng tự hào, ngưỡng mộ đối với đất nước và con người văn hiến nghìn năm./.

Phú Châu
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa