Tương lai ra sao khi Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới?

Trụ sở của Tổ chức Y tế thế giới tại Geneva năm 2020 (ảnh NYTimes)

WHO kêu gọi 1,5 tỷ USD để ứng phó khủng hoảng y tế toàn cầu

WHO thông tin về bệnh viêm phổi do virus HMPV đang lây lan ở Trung Quốc

"Cuộc chiến" phòng chống sốt rét vẫn còn nhiều khó khăn

143 người tử vong do bệnh lạ ở CHDC Congo, WHO vào cuộc

Động thái gây tranh cãi của Tổng thống Trump

Quyết định rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) của Tổng thống Donald Trump đang gây lo ngại về tác động đến an toàn y tế của nước Mỹ và toàn cầu.

Trong một tuyên bố đáp lại sắc lệnh của Tổng thống Trump, WHO cho biết họ “lấy làm tiếc” về quyết định của Mỹ: “Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ xem xét lại và chúng tôi mong muốn tham gia vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng để duy trì mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và WHO, vì lợi ích sức khỏe và hạnh phúc của hàng triệu người trên toàn cầu.”

Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Trump muốn rút Mỹ khỏi cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc. Khi còn đương chức trong nhiệm kỳ đầu tiên, năm 2020, khi đại dịch COVID-19 còn đang hoành hành, chính quyền của ông đã đã gửi thư cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nêu rõ ý định rời WHO. Khoảng sáu tháng sau, Tổng thống Joe Biden đã nối lại quan hệ giữa Mỹ và WHO.

Tổng thống Donald Trump ký hàng loạt sắc lệnh tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng hôm 20/1 - Ảnh: Reuters

Tổng thống Donald Trump ký hàng loạt sắc lệnh tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng hôm 20/1 - Ảnh: Reuters

Trong nhiệm kỳ mới, Tổng thống Trump chỉ trích WHO không xử lý đúng cách đại dịch COVID-19 và các khủng hoảng y tế khác. Ông cũng nhấn mạnh rằng WHO chưa thực hiện cải cách cần thiết và chịu ảnh hưởng chính trị không phù hợp từ các quốc gia thành viên. Sắc lệnh của ông nêu rõ, Mỹ đang phải "trả những khoản chi phí bất công" so với các nước khác.

Sau Thế chiến thứ hai, Mỹ đi đầu trong việc xây dựng các tổ chức quốc tế để thúc đẩy hòa bình và hợp tác toàn cầu, chẳng hạn như Liên Hợp Quốc. WHO được thành lập năm 1948 với tư cách là một cơ quan chuyên môn nhằm giải quyết các vấn đề y tế toàn cầu. Từ đó đến nay, Mỹ là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho WHO về cả ngân sách thường xuyên và ngân sách bổ sung. Năm 2022-2023, Mỹ đóng góp phần 1,3 tỷ USD cho cơ quan này.

GS Lawrence Gostin - Đại học Georgetown (Mỹ), cho biết quyết định của Tổng thống Trump có thể dẫn đến hành động pháp lý. “Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định đơn phương rút khỏi WHO. Nhưng nước Mỹ đã gia nhập WHO vào năm 1948 theo một đạo luật của Quốc hội, muốn rút lui cũng cần sự chấp thuận của Quốc hội”. 

GS Gostin cũng chỉ ra rằng, ông Trump đưa ra sắc lệnh hành pháp yêu cầu ngừng viện trợ ngay lập tức, mặc dù các điều khoản trong thỏa thuận của Mỹ với WHO yêu cầu phải thông báo trước một năm và phải trả các khoản phí còn thiếu.

“Thiệt cả đôi đường” 

Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam 1 triệu viên khử trùng nước và 500 thùng chứa nước để khắc phục hậu quả sau bão Yagi - Ảnh: WHO

Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam 1 triệu viên khử trùng nước và 500 thùng chứa nước để khắc phục hậu quả sau bão Yagi - Ảnh: WHO

Trước quyết định của Tổng thống Trump, các chuyên gia y tế nêu lên mối lo ngại về những tác động ngắn hạn và dài hạn đối với sức khỏe cộng đồng toàn thế giới. TS. Michael Osterholm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, cho biết: “Nước Mỹ không gặp phải nhiều bệnh truyền nhiễm như các khu vực khác trên thế giới, phần lớn là do bệnh dịch đã được ngăn chặn ở nước ngoài, thường là thông qua sự hỗ trợ và điều phối của WHO. Tài trợ cho WHO chính là đầu tư vào sức khỏe của chính người dân đất nước này.” 

TS. Ashish Jha, Trưởng khoa Y học cộng đồng, Đại học Brown, đồng thời là là cựu điều phối viên ứng phó của Nhà Trắng cho biết: “Người dân Mỹ có thể chưa thấy ngay hậu quả. Nhưng trong bối cảnh thế giới hiện nay và tất cả các yếu tố thúc đẩy dịch bệnh bùng phát, nước Mỹ không thể tự mình đối phó với thách thức này”. Tiến sĩ Jha cho rằng, WHO không chỉ bảo vệ thế giới mà còn giúp người Mỹ được an toàn trước dịch bệnh.

Chung quan điểm, TS. Tom Frieden - Chủ tịch và Giám đốc điều hành tổ chức y tế phi lợi nhuận Resolve to Saves Lives, Nguyên Giám đốc Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho hay: “Rút khỏi WHO đe dọa sự an toàn của người dân nước Mỹ và toàn thế giới.”

WHO từng vấp phải nhiều chỉ trích về việc điều hành kém hiệu quả và bộ máy quan liêu. Tuy nhiên, theo GS. Paul Spiegel – Giám đốc Trung tâm Y tế Nhân đạo, Trường Y tế Công cộng Bloomberg, Đại học Johns Hopkins, mất đi nguồn viện trợ khổng lồ từ Mỹ sẽ tạo ra lỗ hổng lớn, khiến WHO khó có thể thực hiện cải cách cần thiết.

Với 194 thành viên, WHO tham gia cùng chính phủ các nước trong phòng, chống sốt rét, lao phổi, các bệnh không lây nhiễm, cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, xóa sổ các bệnh như đậu mùa và bại liệt. Hằng năm, các nhà khoa học tại WHO cùng hợp tác với hệ thống y tế các nước sở tại triển khai nhiều chiến dịch chăm sóc sức khỏe cộng đồng như tiêm vaccine. 

Theo TS. Jha, khi có dịch bệnh bùng phát, các quốc gia thường báo cáo trước cho WHO và chia sẻ mẫu bệnh phẩm với WHO. Nếu rút lui, Mỹ sẽ mất quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu y tế toàn cầu, bao gồm dữ liệu giám sát các bệnh truyền nhiễm mới nổi. 

TS. Jha cũng cho rằng, không có tổ chức phi chính phủ nào đạt được mức độ quan hệ đáng tin cậy với Bộ Y tế các nước như WHO. TS. Frieden bổ sung thêm: "Sắc lệnh hành pháp nói rằng Hoa Kỳ đang tìm kiếm các giải pháp thay thế. Nhưng chúng ta có giải pháp thay thế nào hiệu quả với 194 quốc gia và được họ tin tưởng như WHO?”.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hình thành cách tiếp cận One Health (Một sức khỏe) để cải thiện sức khỏe, giải quyết các nguy cơ với sức khỏe và các hệ sinh thái

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hình thành cách tiếp cận One Health (Một sức khỏe) để cải thiện sức khỏe, giải quyết các nguy cơ với sức khỏe và các hệ sinh thái

Mất đi một thành viên chủ chốt như nước Mỹ cũng là tổn thất về chuyên môn và nhân lực cho ngành y tế toàn cầu. Theo đó, CDC Mỹ được coi là một trong những cơ quan y tế công cộng hàng đầu thế giới. Các nhà khoa học của CDC Mỹ đang hoạt động tại WHO là cầu nối quan trọng, cho phép trao đổi thông tin về các mối đe dọa mới nổi cũng như các chính sách cải thiện sức khỏe và phòng bệnh mạn tính.

TS. Frieden cho hay, khi còn làm việc tại CDC Mỹ, ông có cơ hội đến WHO tại Ấn Độ để thực hiện các chương trình giảm lây lan bệnh lao kháng thuốc. Ông nhận ra rằng WHO cung cấp không gian trung lập để các quốc gia vượt qua rào cản chính trị, cùng hợp tác vì sức khỏe. Điển hình là trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô đã hợp tác thông qua WHO để loại trừ bệnh đậu mùa.

TS. Spiegel cho biết các mối đe dọa về sức khỏe trên toàn thế giới không chỉ đến từ các bệnh truyền nhiễm, mà còn từ quá trình đô thị hóa, nạn phá rừng, biến đổi khí hậu và các yếu tố khác. “Sự tương tác của chúng ta với động vật ngày càng tăng, vì vậy nguy cơ xuất hiện các bệnh như COVID-19 có thể tăng lên so với 100 năm trước”, TS. Spiegel nhận định. Điều này khiến việc hợp tác toàn cầu về sức khỏe trở nên “quan trọng hơn bao giờ hết”.

 
Quỳnh Trang (Theo Time)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin