Làm thế nào để dạy trẻ nhận diện thông tin sai lệch?

Dạy trẻ nhận biết thông tin sai lệch là điều cần thiết

Xu hướng ứng dụng công nghệ vào điều trị bệnh lý thần kinh

Podcast: Bệnh lao có lây truyền khi hôn trẻ?

Trẻ em nhiễm xoắn khuẩn, nguy cơ đến từ đâu?

Podcast: Dấu hiệu nhận biết tăng huyết áp ở trẻ em

Trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch

Mùa hè năm ngoái, Zusha - một cậu bé 7 tuổi người Mỹ trở về nhà sau trại hè trong trạng thái lo sợ. Cậu kể với mẹ rằng: “Bạn George nói với con về một loại milkshake (một loại kem sữa được xay nhuyễn bởi kem và sữa tươi) mà nếu uống, người ta sẽ bị sát hại. Có video chứng minh điều đó và các anh chị hướng dẫn ở trại cũng biết!”

Câu chuyện khiến Zusha khóc lóc và không thể ngủ. Mẹ cậu - chị Yael Shy đã phải tìm kiếm thông tin trên internet và phát hiện ra rằng đây chỉ là một xu hướng trên TikTok. Trong các video, người tham gia uống milkshake và giả vờ bị giết với thứ chất lỏng màu tím tượng trưng cho “máu”. Dù chỉ là trò đùa, Zusha lại không thể hiểu và bị ám ảnh bởi sự dàn dựng này.

Sau khi cho Zusha xem những bằng chứng chứng minh rằng đây chỉ là trò đùa, chị Yae Shyl mới có thể giúp cậu bé bình tĩnh lại. Câu chuyện của Zusha là lời nhắc nhở rằng, trẻ em có thể tiếp cận thông tin sai lệch không chỉ qua internet mà còn qua bạn bè hoặc môi trường xung quanh. Điều này càng nhấn mạnh vai trò của cha mẹ trong việc định hướng tư duy cho con cái của mình.

Khuyến khích trẻ đặt câu hỏi để phát triển tư duy phản biện

Hiện nay, nhiều phụ huynh thường cảm thấy mệt mỏi khi trẻ hỏi quá nhiều, đặc biệt là những câu hỏi “tại sao” không hồi kết. Tuy nhiên, Laurence Steinberg, nhà tâm lý học tại Đại học Temple (Mỹ) cho rằng, việc đặt câu hỏi là bước đầu tiên để trẻ hình thành tư duy phản biện. Những câu hỏi như “Tại sao bầu trời màu xanh?”, “Tại sao con không được ăn kẹo trước bữa tối?” đều giúp trẻ hiểu sâu hơn về thế giới xung quanh.

Quan trọng hơn, việc khuyến khích trẻ đặt câu hỏi về các quy tắc, giới hạn trong gia đình cũng rất cần thiết. Những câu trả lời như “Vì bố/mẹ nói thế” hoặc “Con chưa đủ lớn để hiểu” không chỉ khiến trẻ cảm thấy bị phớt lờ mà còn làm giảm khả năng tư duy phản biện của trẻ. Thay vào đó, cha mẹ nên lắng nghe và giải thích một cách đơn giản, phù hợp với lứa tuổi. Khi trẻ cảm thấy được tôn trọng, chúng sẽ học cách suy nghĩ cẩn thận và thấu đáo hơn.

Giúp trẻ đối diện với những câu hỏi khó

Cha mẹ nên học cách trả lời các câu hỏi của con một cách khéo léo, phù hợp

Cha mẹ nên học cách trả lời các câu hỏi của con một cách khéo léo, phù hợp

Trong quá trình nuôi dạy, không tránh khỏi việc trẻ đặt những câu hỏi khó hoặc nhạy cảm. Đó có thể là vấn đề về giới tính, bạo lực hoặc các thắc mắc nghe có vẻ lạ lùng. Lisa Fazio, chuyên gia tâm lý tại Đại học Vanderbilt (Mỹ) khẳng định rằng, những khoảng trống kiến thức chính là môi trường để thông tin sai lệch lan rộng. Vì vậy, khi trẻ hỏi về những chủ đề này, phụ huynh nên trả lời ngắn gọn, rõ ràng và phù hợp với độ tuổi.

Ví dụ, khi trẻ hỏi: “Tại sao có người lại không thể giữ em bé trong bụng đến khi sinh ra?”, bạn có thể trả lời: “Có những người có lý do đặc biệt về sức khỏe hay hoàn cảnh để đưa ra quyết định đó. Đó là một lựa chọn rất khó khăn và thường cần sự hỗ trợ từ bác sĩ cũng như gia đình.” Câu trả lời này vừa trung thực, vừa giúp trẻ hiểu vấn đề một cách đơn giản, phù hợp với độ tuổi.

Dạy trẻ phân tích thông tin khi sử dụng internet

Ngày nay, nhiều phụ huynh thường tự hào vì con mình sử dụng internet thành thạo từ nhỏ. Tuy nhiên, theo Lisa Fazio, việc trẻ em là “thế hệ kỹ thuật số” không đồng nghĩa với việc chúng biết phân biệt đúng sai trên mạng. Vì vậy, cha mẹ cần dành thời gian đồng hành cùng con khi chúng tiếp cận thông tin.

Một cách hiệu quả là cùng trẻ xem nội dung trên mạng và đặt những câu hỏi như: “Người đăng tải nội dung này là ai?”, “Họ có mục đích gì?”, “Họ đang cố bán gì hay chỉ muốn gây chú ý?” Những câu hỏi này giúp trẻ tập trung suy nghĩ, thay vì chỉ tiếp nhận thông tin một cách thụ động.

Đối với trẻ lớn hơn, phụ huynh có thể dạy con sử dụng phương pháp kiểm tra thông tin SIFT do Mike Caulfield tại Đại học Washington (Mỹ) phát triển. SIFT bao gồm 4 bước: dừng lại, kiểm tra nguồn, tìm kiếm thông tin đáng tin cậy hơn và truy xuất ngữ cảnh ban đầu. Phương pháp này không chỉ giúp trẻ nhận diện thông tin sai lệch mà còn rèn luyện thói quen tư duy logic.

Xây dựng mối quan hệ gia đình để trẻ không bị "lạc lối"

Cha mẹ nên dành thời gian chăm sóc, trò chuyện với cho con cái của mình

Cha mẹ nên dành thời gian chăm sóc, trò chuyện với cho con cái của mình

Một yếu tố quan trọng khác trong việc giúp trẻ tránh khỏi thông tin sai lệch là tạo cho trẻ cảm giác thuộc về gia đình và nhận được sự công nhận từ các mối quan hệ tích cực. Theo Lisa Fazio, nhiều trẻ dễ bị cuốn vào các thuyết âm mưu vì chúng cảm thấy được chấp nhận trong các nhóm này. Những nhóm này thường mang lại cảm giác ưu việt, khiến trẻ tin rằng mình nắm giữ những “bí mật” đặc biệt mà người khác không biết.

Vì vậy, cha mẹ cần xây dựng mối quan hệ gắn kết với con, tạo không gian giao tiếp thoải mái và cởi mở. Điều này giúp trẻ cảm thấy được yêu thương, tôn trọng và không cần tìm kiếm sự công nhận ở những nhóm tiêu cực.

Bên cạnh đó, phụ huynh nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội lành mạnh, nơi trẻ có thể phát triển kỹ năng, xây dựng tình bạn tích cực và giảm nguy cơ bị lôi kéo bởi những thông tin không đúng sự thật.

 
Đào Dung (Theo National Geographic)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ