Làm du lịch: Đừng bỏ qua tiểu tiết

Việt Nam có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch vô cùng to lớn

Đừng để trẻ “đói” kiến thức về giới tính

Giao thừa không pháo hoa!

Ai ơi xin đừng “nổ”!

Đà Nẵng sẵn sàng đón khách ngoại

Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh vai trò của ngành “công nghiệp không khói” khi ông phát biểu tại Lễ khai mạc: “Du lịch không chỉ là một ngành kinh tế quan trọng mà còn thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hòa bình.

Việt Nam có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch vô cùng to lớn với thiên nhiên tươi đẹp, truyền thống lịch sử văn hóa, hào hùng, phong phú, đa dạng, con người hiền hòa, thân thiện, cởi mở, mến khách, chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của đất nước, du lịch Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước – công nghiệp không khói.

Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới, được cộng đồng quốc tế công nhận với nhiều giải thưởng hàng đầu thế giới”.

Không thể phủ nhận những nỗ lực chung của cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ trong cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19, bởi như Thủ tướng khẳng định: “Kiểm soát được dịch bệnh là yếu tố tiên quyết để mở cửa trở lại, phục hồi và thúc đẩy mạnh mẽ phát triển du lịch trong tình hình mới”.

Ở tầm vĩ mô, đương nhiên Thủ tướng đề cập đến những vấn đề lớn lao để thực sự phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Nhất là, Thủ tướng yêu cầu trong điều kiện và hoàn cảnh mới cần phải có tư duy mới và cách làm mới để “biến nguy thành cơ” đối với ngành kinh tế mà đối tượng nhắm đến là khách hàng - con người.

Du lịch nghỉ dưỡng được nhiều người lựa chọn trong mùa dịch

Du lịch nghỉ dưỡng được nhiều người lựa chọn trong mùa dịch

Do dịch bệnh, gia đình tôi sau gần hai năm không có dịp tụ hội. Cuối tuần qua đã có cuộc tề tựu tại một khu du lịch nghỉ dưỡng chỉ cách Hà Nội chừng 50 cây số với thời gian đi đường chỉ chừng 1 tiếng chạy xe. Nơi này đông nghẹt khách, hầu như các biệt thự, hay khách sạn cao tầng đều kín phòng. Khách chủ yếu là gia đình, có gia đình 3 thế hệ, phần nhiều là gia đình hai thế hệ - vợ chồng trẻ và con cái. Nói chung, khách tới đây thuộc dạng có điều kiện.

Trải nghiệm những dịch vụ nghỉ dưỡng nơi đây thấy thoải mái. Tiện nghi đầy đủ, hiện đại. Nhân viên phục vụ thân thiện, chu đáo. Cảnh quan sơn thủy hữu tình. Nơi đây không hổ với danh tiếng như quảng bá, thuộc Top 10 resort đẹp nhất hành tinh. Thế nhưng dịch vụ vẫn cảm thấy có những hạt sạn nho nhỏ. Chẳng hạn là sự phối hợp thiếu ăn ý giữa bộ phận lễ tân với các bộ phận dịch vụ khác. Hay khi ra về, chúng tôi còn có một bức xúc nhỏ nên tâm trạng không vui. Đó là cô phục vụ phòng kiểm thấy thiếu một chiếc thìa cà phê nhỏ loại tầm tầm, và lễ tân yêu cầu thanh toán với giá 25.000 đồng. Tất nhiên là vợ tôi sẵn sàng trả tiền vì nó không đáng gì. Nhưng ức chế là ở chỗ không biết vì sao lại mất đi được chiếc thìa đó. Khi nhận phòng chẳng lẽ chúng tôi phải đếm xem trên bàn có mấy chiếc thìa sao?

Đôi dép bị cắt mũi

Đôi dép bị cắt mũi

Nhớ lại cách đây gần hai năm, vợ chồng tôi nhân tiện về quê, đã có chuyến “phượt” tới một huyện miền núi biên giới tỉnh Quảng Ninh. Phong cảnh vừa hùng vĩ vừa nên thơ. Tôi không nghĩ thị trấn một huyện miền núi vùng biên mà xây cất không khác mấy với một khu đô thị dưới xuôi. Chúng tôi nghỉ ở một khách sạn nằm ngay trung tâm thị trấn huyện. Khi nhìn thấy đôi dép nhựa loại rẻ tiền trong phòng bị cắt mũi, tôi cảm thấy như bị xúc phạm. Chắc hẳn đã có những vị khách “thuổng” của khách sạn đôi dép nên để tránh mất mát họ cắt mũi đôi dép phòng ngừa. Họ muốn bảo quản một tài sản chỉ đáng giá một vài chục ngàn mà chạm đến “cái tôi” không thể quy được thành tiền của các vị khách ngay thẳng khác! Tôi thề với vợ rằng sẽ không bao giờ nghỉ ở những nơi coi thượng đế không ra gì như thế này. Vợ tôi chỉ cười cho là quản lý khách sạn “nhà quê” chưa chuyên nghiệp. Tôi đã chụp lại đôi dép bị cắt mất mũi ấy trong điện thoại. Nhưng đấy không phải là hiện tượng hãn hữu, mở mạng tra cứu thấy còn nhiều nơi khác cũng phổ biến đôi dép bị cắt mũi như thế.

Vâng, thưa Thủ tướng, để du lịch nước nhà thực sự đáp ứng được sự kỳ vọng như Thủ tướng nêu, thì ngành du lịch còn nhiều việc phải làm. Cả ngành đến từng doanh nghiệp, cá nhân làm du lịch không chỉ phải làm theo những việc lớn mà Thủ tướng chỉ đạo. Mà phải thực sự trở nên chuyên nghiệp, làm tốt ngay cả những việc nhỏ, tiểu tiết, chu đáo tỉ mỉ trong việc chăm sóc khách hàng – thượng đế, đừng để họ mếch lòng, để họ sẵn sàng móc hầu bao trong sự vui vẻ và không "một đi không trở lại", như một bất cập mà ngành du lịch lâu nay vẫn canh cánh!

 
Diệu Vi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa