BS Hoàng Phong Mỹ khám lại cho bệnh nhân sau tạo hình lưỡi. Ảnh: H.Hải
Có phải tôi bị ung thư lưỡi?
Nhận biết sớm ung thư lưỡi
Biểu hiện ung thư lưỡi dễ bị nhầm với nhiệt miệng
Viêm loét miệng – làm sao để nhanh khỏi?
Bệnh nhân là Đỗ Ngọc T (57 tuổi ở Hà Nội). Trước đó 1 tháng thấy lưỡi có vết loét nên đi khám, điều trị nhưng không đỡ, vết loét lan rộng, ăn hết nửa lưỡi trái và lan ra sàn miệng khiến người bệnh vô cùng đau đớn, khó ăn uống. Vết loét lưỡi cũng làm người bệnh khó chịu vì bốc mùi hôi. Nếu không được can thiệp sớm, bệnh nhân có thể chưa chết vì ung thư nhưng đã chết vì suy dinh dưỡng vì không ăn uống được.
Bệnh nhân đã đi khám tại một vài bệnh viện nhưng chỉ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ phần lưỡi ung thư. Khi đó, người bệnh không còn lưỡi, chất lượng cuộc sống sẽ giảm sút vô cùng, khó ăn uống, nói chuyện, tạo thành “hốc” hổng trong miệng, gây tổn thương lớn ảnh hưởng đến việc điều tiết nước bọt, nước bọt sẽ chảy ra tự nhiên khiến người bệnh sẽ rất khó chịu, chất lượng cuộc sống giảm sút.
Khi đến BV Việt Nam Cu Ba, Hà Nội, các bác sỹ đã quyết định can thiệp cắt bỏ lưỡi ung thư và tạo hình lưỡi mới cho bệnh nhân.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Thái - Trưởng Khoa phẫu thuật tạo hình hàm mặt (Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba, Hà Nội) cho biết, các bác sỹ đã cắt bỏ toàn bộ lưỡi trái đến tận gốc lưỡi, với chiều dài khoảng 20cm, nạo vét sàn miệng, hạch cổ, hạch hàm.
Ca mổ kéo dài gần 9 tiếng đồng hồ. Một kíp phẫu thuật cắt lưỡi, nạo vét khối u, một kíp tiến hành lấy vạt da cơ đùi ngoài tạo hình lưỡi và che phủ sàn miệng bằng phương pháp nối vi phẫu.
Sau 1 tuần điều trị, phần lưỡi mới đã sống, hồng hào. Bác sỹ Thái cho biết sau khi phục hồi hoàn toàn, bệnh nhân có thể nuốt, nói, ăn bình thường, cảm giác và vị giác tương đối tốt. Còn với bệnh nhân ung thư lưỡi cắt lưỡi không được tạo hình lại sẽ phải chấp nhận sự khuyết thiếu lưỡi, khó ăn, khó nói. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhiều cơ sở y tế có thể tiến hành tạo hình lưỡi lại cho người bệnh sau phẫu thuật.
Theo BS Thái, việc tạo hình lưỡi cho bệnh nhân sau phẫu thuật còn cho phép các bác sỹ tiến hành cắt bỏ sâu hơn phần lưỡi bị ung thư, đảm bảo không còn tổ chức ung thư. Còn nếu không tạo hình được lưỡi sau mổ, việc phẫu thuật cắt bỏ cũng sẽ hạn chế, dẫn đến việc tổ chức ung thư vẫn còn, việc can thiệp hóa xạ trị sau đó cũng sẽ khó khăn hơn.
BS Thái cũng khuyến cáo thêm, vết loét, nhiệt lưỡi do rất nhiều nguyên nhân, từ vi khuẩn, virus, thậm chí là dấu hiệu của ung thư như trường hợp này. Vì thế, khi xuất hiện vết loét bất thường trên lưỡi mà sau vài ngày không khỏi, mọi người nên đi khám, vì đôi khi chỉ là ổ nhiễm khuẩn áp xe, do virus… được chẩn đoán đúng việc điều trị sẽ hiệu quả, người bệnh đỡ đau đớn do vết loét gây ra.
Bình luận của bạn