Uống thuốc không đúng có thể tăng sinh thêm tác dụng phụ không mong muốn
Ngộ độc nặng do uống thuốc quá liều
Trẻ nhập viện: Do uống thuốc tiêu chảy quá liều
Uống thuốc tránh thai, tăng nguy cơ ung thư vú
Nhập viện do uống thuốc của thầy lang
Ung thư thực quản, uống thuốc hay phẫu thuật?
Trao đổi về vấn đề: Uống thuốc như thế nào cho đúng, bác sỹ Trần Ngọc Lưu Phương – Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM đã chỉ ra những sai lầm và giải đáp những thắc mắc mà nhiều người hay mắc phải.
Có nên uống nhiều viên thuốc một lúc?
Nhiều người có thói quen uống nhiều viên thuốc một lúc là vô cùng nguy hiểm, bởi thuốc dễ bị mắc kẹt trong thực quản gây ra viêm loét thực quản. Cũng có nhiều trường hợp lại uống thuốc không cần nước, hoặc rất ít nước. Các loại thuốc này sẽ đọng lại và gây tổn thương cơ học tại thực quản, nhất là các loại thuốc chống loãng xương, bổ sung calci cho cơ thể.
Nên uống từng viên thuốc một và uống đủ nước. Trung bình, uống khoảng 100-200ml nước (tương đương 1 ly đầy).
Nên uống thuốc trước, trong hay sau khi ăn?
Dạ dày không có chức năng hấp thu mà chỉ có chức năng co bóp thức ăn. Nếu chúng ta uống thuốc khi đói, thuốc sẽ không tồn tại lâu trong dạ dày (thời gian lưu chỉ khoảng 30 phút). Trong khi no, thuốc sẽ nằm trong dạ dày từ 1-4 tiếng. Uống thuốc vào thời gian nào lại phụ thuộc vào từng loại thuốc và chỉ định của bác sỹ/dược sỹ. Ví dụ như các loại kháng sinh ampicillin nên uống lúc đói, bởi uống khi no, thuốc sẽ ở lại lâu trong dạ dày, bị acid dạ dày tiêu hủy hết. Riêng với dạng thuốc viên nang (con nhộng) tan trong ruột nên uống trước ăn hoặc sau ăn từ 1-2 tiếng. Uống ngay sau khi ăn no, thời gian thuốc nằm lại trong dạ dày lâu, các hoạt chất trong thuốc sẽ tan hết dẫn đến hấp thu kém.
Uống thuốc bằng nước gì?
Nhiều người có thói quen xấu là loại nước gì nằm trong tầm tay, tầm mắt thì dùng để uống thuốc luôn. Thực ra, loại nước tốt nhất dùng để uống thuốc là nước đã đun sôi để nguội hoặc nước lọc. Uống vừa đủ, nước sẽ giúp đưa viên thuốc từ miệng xuống dạ dày, làm tan rã phần vỏ nén (hoặc bao nang), sau đó trôi xuống ruột, từ đây các hoạt chất của thuốc sẽ nhanh chóng được hấp thu vào máu.
Có thể dùng nước đóng chai nhưng phải là nước tinh khiết, không chứa gas, chất khoáng để uống thuốc, bởi những chất khoáng như calci, sodium (natri)… có thể tương tác với các thành phần của thuốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, các loại nước này sẽ làm thuốc hấp thu nhanh quá, dễ tăng sinh tác dụng phụ không mong muốn của thuốc.
Tuy nhiên, bác sỹ Lưu Phương lưu ý thêm, tùy từng trường hợp, một số loại nước hoàn toàn không thích hợp vì nếu uống với thuốc sẽ làm mất tác dụng của thuốc hay gây hại đối với cơ thể.
Khi uống bia rượu, không nên uống thuốc
Bia rượu: Sau khi uống bia rượu, nhiều người vẫn uống thuốc, điều này là sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Bởi, rượu làm tăng độc tính gây mê của thuốc an thần, chống trầm cảm, thuốc ngủ; Làm tăng độc tính hại gan của paracetamol; Tăng độc tính hại dạ dày của aspirin… Các loại kháng sinh như metronidazol, cephalosporin tương tác với rượu bia có thể gây hạ huyết áp, chóng mặt, buồn nôn.
Cà phê, trà: Caffeine có trong cà phê, trà kết hợp với các loại thuốc hay thực phẩm chức năng chứa sắt sẽ tạo thành chất kết tủa, không hấp thu được. Ngoài ra, caffeine khiến hưng phấn tâm thần, tăng tác dụng phụ gây nhức đầu, nhất là các loại thuốc về thần kinh.
Sữa: Calci có trong sữa có thể kết hợp với một số loại kháng sinh như tetracycline tạo thành phức hợp không tan. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp nên uống thuốc bằng sữa, như aspirin, thuốc ngừa nôn ói, vitamin A, D, Kali… thì cần uống chung với sữa sẽ giúp thuốc nhanh hấp thu và làm giảm sự khó chịu ở dạ dày.
Nước ép hoa quả: Một số loại nước ép hoa quả như nước chanh, cam, bưởi đã được chứng minh là gây hại nếu uống kèm với thuốc. Các loại nước này sẽ làm tăng độc tính của thuốc, do ức chế men chuyển hóa thuốc ở gan, làm tăng nồng độ thuốc trong máu.
Uống siro, viên sủi thế nào?
Thuốc dạng lỏng như siro có ưu điểm là hấp thu nhanh hơn, ít gây tác dụng phụ với dạ dày. Tuy nhiên, lượng đường trong siro cao nên những người bệnh đái tháo đường không nên dùng. Siro có độ đậm đặc và nhớt cao, không nên uống trực tiếp, nên pha loãng để hấp thu tốt hơn, nhất là với trẻ nhỏ.
Viên sủi có ưu điểm là hấp thu nhanh chóng. Tuy nhiên, dạng thuốc này lại có nhiều tác dược để hòa tan thuốc, hoặc để tạo hương nên dễ hỏng nếu bảo quản không tốt, khi dùng không được bẻ đôi, dễ mất tác dụng. Uống nhiều thuốc dạng sủi cũng không tốt bởi sẽ tạo hơi trong dạ dày gây nặng bụng. Đặc biệt, với người suy thận, suy tim, tăng huyết áp không nên dùng thuốc dạng sủi bởi dạng thuốc này có chứa nhiều muối để tạo môi trường hòa tan, có thể khiến bệnh nặng hơn.
Bình luận của bạn