10 điều không thể bỏ qua về vaccine

Vaccine là phương pháp phòng chống hiệu quả một số căn bệnh nguy hiểm

Vaccine cho người bệnh đái tháo đường

Trước khi mang thai phải tiêm những vaccine gì?

Vaccine uốn ván có tác dụng phòng bệnh trong bao lâu?

“Mẹ đẻ” vaccine ngừa Rota virus đã qua đời

Dưới đây là 10 điều bạn nên biết về vaccine để có các quyết định tiêm chủng tốt nhất cho bản thân và gia đình, theo TS. Wilson - Viện Dị ứng và Miễn dịch học La Jolla (Hoa Kỳ):

1. Vaccine - một trong những thành công lớn trong lịch sử y tế dự phòng

 Đó là phương pháp hiệu quả nhất trong việc bảo vệ sức khỏe mỗi cá nhân và cả cộng đồng xã hội. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các loại vaccine như bạch hầu - uốn ván - ho gà (DPT), viêm gan B đã bảo vệ cho 2 - 3 triệu người mỗi năm.

2. Vaccine giúp phòng ngừa một số bệnh nguy hiểm

 Chẳng hạn như bệnh đậu mùa, giảm thiểu tối đa các ca mắc bại liệt, quai bị, sởi, rubella, ho gà, bạch hầu... Phần lớn các số ca mắc bệnh mới và sự bùng phát thành dịch là do tỷ lệ tiêm chủng thấp.

3. Vaccine an toàn với hầu hết mọi người

Theo WHO, vaccine tương đối an toàn, nhưng cũng giống như thuốc, người tiêm vaccine có thể gặp phải các tác dụng phụ với các dấu hiệu đỏ, sưng tại chỗ tiêm, phát sốt... và chỉ qua một vài ngày là khỏi.

Tai biến nặng liên quan đến vaccine hiếm gặp. Ví dụ, ước tính cho thấy trong một triệu trẻ em được chủng ngừa bệnh sởi thì chỉ có một em có phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Thế nhưng nếu không tiêm phòng, sẽ có khoảng 1.000 tới 2.000 trẻ trong mỗi một triệu trẻ em bị bệnh sởi tử vong, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).

4. Vaccine không gây ra bệnh tự kỷ

Qua nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học không hề tìm thấy mối liên hệ giữa vaccine và bệnh tự kỷ

5. Vaccine là biện pháp bảo vệ cho toàn xã hội

Tiêm vaccine là cách chủ động phòng bệnh cho mọi người. Hơn nữa, việc tiêm vaccine còn giúp những người không tiêm phòng tránh được các bệnh nguy hiểm, bao gồm cả trẻ sơ sinh và những người có hệ thống miễn dịch không đáp ứng được với vaccine.

Tai biến nặng do tiêm vaccine tương đối hiếm

6. Vaccine có thể ngăn ngừa ung thư

Một số loại chủng HPV nhất định có thể gây ra ung thư tử cung, ung thư hầu họng. HPV cũng gây ra mụn cóc sinh dục. Nhiều nghiên cứu về vaccine chủng ngừa HPV khẳng định, nó có thể ngăn chặn hàng ngàn trường hợp ung thư mỗi năm trên toàn cầu. 

7. Vaccine cắt giảm việc sử dụng kháng sinh

Nghiên cứu cho thấy, trẻ được tiêm vaccine đầy đủ theo lịch tiêm chủng sẽ ít phải dùng đến thuốc kháng sinh sau này. Bởi vì, bằng cách ngăn chặn quá trình lây nhiễm, phát triển của virus và vi khuẩn, vaccine giúp trẻ tránh phải nhập viện và sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.

8. Vaccine củng cố hệ thống miễn dịch

Khi hệ thống miễn dịch của bạn gặp các loại vaccine, các tế bào lympho B trong hệ miễn dịch sẽ bắt đầu sản xuất các kháng thể nhận ra các vi khuẩn và vô hiệu hóa nó. Đồng thời, các tế bào B cũng sẽ nhận ra các tác nhân gây bệnh. Điều này giúp hệ miễn dịch khỏe hơn.

9. Vaccine đang phát triển

Các nhà khoa học tại Viện Jolla La (Hoa Kỳ) cùng các tổ chức khác đang nghiên cứu các loại vaccine mới sử dụng cơ chế tế bào để tạo ra sự miễn dịch suốt đời. Dạng vaccine này hiệu quả cho rất nhiều mầm bệnh cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, chẳng hạn như HIV, bệnh lao phổi.

10. Vaccine phòng ngừa bệnh mạn tính

Kể từ khi liều vaccine đầu tiên được sử dụng vào năm 1796 bởi bác sỹ người Anh Edward Jenner cho bệnh đậu mùa, sự nhìn nhận về hoạt động tiêm chủng đã thay đổi, vaccine giờ không còn chỉ dành cho các bệnh truyền nhiễm mà còn dành cho cả các bệnh mạn tính. Các nhà khoa học đang nghiên cứu một loại vaccine có tác dụng phòng ngừa xơ vữa động mạch nhờ giúp giảm viêm ở động mạch hình thành nên các mảng bám. Ngoài ra, một số thử nghiệm lâm sàng cũng đã được tiến hành để kiểm tra hiệu quả của vaccine phòng chống ung thư.

M. Hiếu H+ (Theo Everyday)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh lây nhiễm