Vaccine cho người bệnh đái tháo đường

Người bệnh đái tháo đường cần tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm để bảo vệ sức khỏe

Các thuốc điều trị đái tháo đường type 2

Bệnh đái tháo đường có gây mù lòa?

Người bệnh đái tháo đường có phải kiêng chất béo?

Bị đái tháo đường dễ mắc thêm bệnh tim?

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính có khoảng 350 triệu người trên thế giới đang phải sống chung với bệnh đái tháo đường, con số này dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi trong 20 năm tới. Đái tháo đường là một bệnh mạn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin (hormone điều chỉnh đường huyết) hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả lượng insulin đã được tiết ra.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong năm 2014, 9% số người trưởng thành trên toàn thế giới mắc bệnh đái tháo đường. WHO dự đoán rằng, đến năm 2030, đái tháo đường sẽ đứng thứ 7 trong danh sách những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Bệnh đái tháo đường dù là loại 1 (type 1) hay loại 2 (type 2) đều phải đối mặt với nguy cơ biến chứng và mắc các bệnh truyền nhiễm do sức đề kháng kém. Nếu như với người bình thường, tiêm vaccine quan trọng 1 lần thì với người bệnh đái tháo đường, việc này quan trọng 10 lần.

Tại sao người bệnh đái tháo đường cần tiêm vaccine?

Bệnh đái tháo đường làm giảm dần chức năng của hệ miễn dịch theo thời gian, kể cả bạn quản lý đường huyết rất tốt. Khi hệ miễn dịch mất đi khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh, bạn dễ mắc bệnh hơn, lâu khỏi hơn và phải chịu biến chứng nặng nề hơn:

- Bệnh cảm cúm có thể gây tăng đường huyết đến mức độ nguy hiểm.

- Tỷ lệ mắc viêm gan B trong nhóm người mắc đái tháo đường cao hơn những người không mắc đái tháo đường.

- Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao tử vong do viêm phổi, nhiễm trùng huyết và viêm màng não.

Vì vậy, tiêm vaccine là cách an toàn nhất để bảo vệ sức khỏe của bạn, kể cả khi bạn đang uống thuốc theo toa.

Người bệnh đái tháo đường cần tiêm vaccine gì?

Bệnh đái tháo đường làm giảm sức đề kháng của cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Những người trên 18 tuổi mắc bệnh đái tháo đường type 1 và type 2 nên tiêm các loại vaccine sau:

- Vaccine cúm: Tiêm hàng năm để phòng bệnh cúm theo mùa

- Vaccine Tdap để phòng ngừa ba bệnh là bạch hầu, ho gà và uốn ván

- Vaccine ngừa phế cầu khuẩn polysaccharide để phòng bệnh viêm phổi và các bệnh phế cầu khuẩn khác.

- Vaccine viêm gan B để phòng ngừa bệnh viêm gan B

- Vaccine Zoster phòng bệnh zona (dành cho người bệnh đái tháo đường trên 60 tuổi)

- Vaccine ngừa HPV: Phòng nhiễm vi khuẩn HPV gây u nhú, bệnh ung thư cổ tử cung… (dành cho nam giới và phụ nữ mắc đái tháo đường từ 26 tuổi trở xuống, đủ điều kiện).

- Vaccine MMR để phòng ba bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là sởi, quai bị và rubella (dành cho người bệnh đái tháo đường sinh sau năm 1958 và chưa được tiêm vaccine ngừa các bệnh này trước đó).

- Vaccine thủy đậu: Phòng bệnh thủy đậu (dành cho người bệnh đái tháo đường được sinh sau năm 1980 và chưa được tiêm 2 mũi vaccine phòng bệnh này trước đó).

Với bệnh nhân đái tháo đường, cần lưu ý rằng, thảo luận kỹ với bác sỹ điều trị trước khi tiêm bất kỳ một loại vaccine nào!

Kim Chi H+

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh lây nhiễm