Đình Đoài "kêu cứu": Đâu là giải pháp "cấp cứu" hiệu quả?

Sau nhiều lần trùng tu, Đình Quang Húc, thuộc kiến trúc Đình Xứ Đoài đã mất đi vẻ đẹp ban đầu (Ảnh: Internet)

Vẻ đẹp đình làng Xứ Đoài sẽ chỉ còn trong ký ức?

Trải nghiệm văn hóa trà đạo tại Tuần lễ Văn hóa Nhật Bản 2015

Kéo co trở thành di sản thế giới

Ăn ngon, chơi đã cuối tuần tại Lễ hội Văn hóa & Ẩm thực Việt Hàn

Công tác trùng tu, tôn tạo chưa hợp lý

Qua thống kê của Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây cũ năm 1996, Xứ Đoài có tổng cộng 150 ngôi đình, trong đó, chiếm tỷ lệ nhiều nhất với hơn 100 ngôi thờ Tản Viên Sơn Thánh – vị thần đứng đầu trong Tứ bất tử của Việt Nam. Còn lại là các ngôi đình thờ Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Lý Phục Nam, Triệu Quang Phục,… đều là các vị thần có công chống giặc cứu nước thời Bắc thuộc và đặc biệt đều được sinh ra ở Xứ Đoài.

Theo ông Phan Cẩm Thượng - nhà lịch sử và phê bình mỹ thuật, Xứ Đoài cho đến nay vẫn đứng đầu về số lượng di tích và làng nghề. Đình Đoài là sản phẩm tinh thần đặc sắc của nền Văn hóa nhân dân Xứ Đoài với một phong cách kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc riêng biệt.

Trải qua năm tháng, nhiều ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng và Nhà nước đã có động thái tích cực khi đầu tư hàng trăm tỷ đồng để thực hiện công tác quản lý bảo tồn di tích.  

Thế nhưng, ông Nguyễn Đức Bình - đại diện Câu lạc bộ Đình làng Việt chia sẻ, sau trùng tu rất nhiều ngôi đình lại trở nên méo mó, biến dạng, không còn giữ được kiến trúc cũ ban đầu, ví dụ Đình Cam làng Thịnh (làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội), Đình Quang Húc, Đình Tây Đằng, Đình Hương Canh, Đình Chu Quyến,…

Những vấn đề nổi cộm chưa hợp lý như trong khi trùng tu có những cấu kiện, thành phần kiến trúc cổ tuy còn tốt lại không được sử dụng lại, thay vào đó là những thành phần được làm mới với tay nghề non kém gây sai lệch về số đo, chất liệu như ngói lợp, các mảng chạm và chân tảng…

Hiện tượng “cưa chân cột”, vốn là giải pháp trùng tu nhưng bị lạm dụng quá đà gây mất thẩm mỹ. Ngoài ra, phải kể đến như xây mới, thêm hiện vật lạ vào di tích vô cùng tùy tiện, “vẽ rắn thêm chân” khiến các di tích bị mất đi yếu tố gốc.

Hội thảo “Đình làng xứ Đoài, những điều còn - mất” đã nêu bật thực trạng và giải pháp bảo tồn cho Đình Đoài 

Đâu là giải pháp hiệu quả cho thực trạng này?

Trước thực trạng tôn tạo, trùng tu chưa hợp lý gây mất gốc tại nhiều ngôi đình Xứ ĐoàiTS. Đặng Văn Bài - Nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa nói rằng, muốn khắc phục vấn đề này cần tôn trọng đề cao tính cộng đồng, đặc biệt là nâng cao sự giám sát từ phía cộng đồng dân địa phương.

“Nhà nước cũng cần tăng cường thêm vai trò quản lý và đầu tư nguồn lực để bảo tồn Đình làng Xứ Đoài. Áp dụng đúng pháp luật, phải xác định rõ trách nhiệm đơn vị sửa sai và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, làm cho ý thức pháp luật được thấm nhuần sâu trong cộng đồng nhân dân”, ông Bài nói thêm.

Ông Nguyễn Đức Bình cho biết, hiện nay Nhà nước cần rà soát lại các quy định, năng lực trình độ trong công tác quản lý và tu bổ di tích của đội ngũ cán bộ các cấp và đơn vị tham gia công tác tu bổ. Đặc biệt cần chú ý đến vấn đề giám sát từ phía người dân.

Nhà nước nên mở ngành đào tạo chuyên sâu về tu sửa phục chế di tích ở cấp đại học. Các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành các quy định liên quan đến bảo vệ cảnh quan di tích, tránh tình trạng công trình kiến trúc, đặc biệt là đình làng bị các công trình dân dụng xây mới, lấn át, làm mất đi vẻ đẹp của đình làng Bắc Bộ.

Cần quy hoạch và đưa hệ thống đình làng vào các tuyến tham quan du lịch phục vụ khách trong nước và quốc tế, điều này vừa phát huy giá trị di sản, vừa tăng nguồn kinh phí để đầu tư trở lại cho việc bảo tồn di tích.

Theo GS.TS Kiều Thu Hoạch - Viện Nghiên cứu Văn hóa, Xứ Đoài là một trong những vùng đất cổ dưới quyền cai trị của bộ lạc Văn Lang từ thuở các vua Hùng dựng nước. Về sau, Xứ Đoài thuộc đất bản địa của người Việt – Mường nằm ở vùng hợp lưu của 3 dòng sông lớn Thao – Đà – Lô. Ngày nay, người ta tạm hiểu Xứ Đoài là vùng đất Phía Tây Hà Nội (Thăng Long xưa), có thể coi thuộc địa phận Hà Tây cũ.

Tên gọi Xứ Đoài xuất phát từ câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Đoài phương tĩnh nhất khu”. Đoài là một trong quẻ trong bát quái của Kinh Dịch. Trong tâm thức dân gian thì cái tên Xứ Đoài đã được ghi nhận trong ca dao tục ngữ từ thời Lê.
M. Hiếu H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa