Y tế tuần: Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và đại diện các đối tác ký tên thể hiện cam kết chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam - Ảnh: Sức khỏe & Đời sống

Trời Điện Biên mây trắng và những áng thơ ngân

Bộ Y tế yêu cầu làm rõ vụ sản phụ tử vong sau sinh ở Đồng Tháp

70 ca ho gà trên cả nước, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi

Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035

Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao và bệnh lao kháng đa thuốc đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc bệnh và gánh nặng bệnh lao cao nhất toàn cầu. Năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, số liệu thống kê cho thấy số bệnh nhân lao được phát hiện và báo cáo hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính. Trong đó, khoảng 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng đa thuốc và gia đình của họ phải chi trả những khoản chi phí cao, vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. Bệnh lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.

Chủ đề Ngày Thế giới phòng chống Lao năm 2024 là "Đúng, Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao". Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, chủ đề năm nay như một lời cam kết, thể hiện quyết tâm cao của mọi tầng lớp nhân dân, của các tổ chức, chính quyền, các cơ quan bộ ngành, của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc phòng chống và đẩy lùi bệnh lao.

Để đạt mục tiêu kết thúc bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2035 cần có sự đồng lòng, nỗ lực của các ngành liên quan và chính quyền các cấp, sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, nhất là khi dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn khá nặng nề, tốc độ giảm chậm và kinh phí đầu tư cho công tác chống lao rất thấp, lại đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng.

Bộ Y tế bổ nhiệm Cục trưởng Cục Y tế dự phòng

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao quyết định bổ nhiệm TS.BS Hoàng Minh Đức - Phó cục trưởng phụ trách, quản lý, điều hành Cục Y tế dự phòng làm Cục trưởng Cục Y tế dự phòng. Thời gian giữ chức vụ là 5 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho TS.BS Hoàng Minh Đức - Ảnh: Sức khỏe & Đời sống

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho TS.BS Hoàng Minh Đức - Ảnh: Sức khỏe & Đời sống

Tân Cục trưởng Cục Y tế dự phòng bày tỏ mong muốn lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, thuộc Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với cá nhân đồng chí cũng như Cục Y tế dự phòng trong thực hiện nhiệm vụ chức trách được giao.

TS.BS Hoàng Minh Đức sinh năm 1977, là tiến sĩ dịch tễ học. Trước khi nhận nhiệm vụ này, ông Đức là Phó Cục trưởng phụ trách, quản lí, điều hành Cục Y tế dự phòng. Hiện ban lãnh đạo của Cục Y tế dự phòng có cục trưởng và hai phó cục trưởng.

Gắp con lươn 30cm từ bụng nam thanh niên

Thông tin từ Trung tâm y tế huyện Hải Hà (Quảng Ninh) cho biết, đơn vị vừa cấp cứu thành công trường hợp khá hy hữu khi phát hiện có dị vật là con lươn trong ổ bụng nam thanh niên (34 tuổi, quê quán Lộc Bình, Lạng Sơn). Được biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau quặn bụng không rõ nguyên nhân. Qua siêu âm, chụp X-quang cho thấy có dị vật trong ống tiêu hoá, gây thủng ruột, có biến chứng viêm phúc mạc ruột. Sau hội chẩn, e-kip trực bệnh viện đã chỉ định mổ lấy dị vật, cắt đoạn đại trực tràng hoại tử, làm hậu môn nhân tạo. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, đỡ đau bụng.

Nuôi sống thành công trẻ sơ sinh cực non tháng

Lúc chào đời em bé chỉ nặng 900gr đến khi ra viện là 2,6kg - Ảnh: VTV.vn

Lúc chào đời em bé chỉ nặng 900gr đến khi ra viện là 2,6kg - Ảnh: VTV.vn

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn vừa điều trị thành công cho một trẻ sơ sinh cực non tháng, lúc chào đời chỉ nặng 900gr. Theo BSCK II Lê Quang Phương - Phụ trách khoa Nhi, do chào đời quá sớm nên khi mới sinh, em bé rất yếu và non. Các cơ quan chưa hoàn thiện hết, không thể đảm đương được chức năng sẵn có. Bé có các biểu hiện hạ thân nhiệt do mất nhiệt qua da, phổi không tự thực hiện được vai trò hô hấp, sữa mẹ ăn không tiêu… Trải qua 68 ngày điều trị, sức khỏe của bé ngày càng tiến triển tốt. Các chức năng về mắt, tim… đều ổn định. Trẻ lên được 2,6kg, tự thở, tự bú tốt và được xuất viện.

Người đàn ông có 4 quả thận

Ngày 22/3, Bệnh viện E tiếp nhận một nam bệnh nhân 35 tuổi trong tình trạng đau dữ dội vùng thắt lưng, bụng chướng, tiểu buốt, tiểu ra máu. Kết quả kiểm tra phát hiện có sỏi niệu quản phải. Tuy nhiên, kết quả chụp CT cho thấy người bệnh có 4 quả thận. Sự bất thường này là một trong nguyên nhân hình thành sỏi thận. Đây là dị tật bẩm sinh hiếm, trái phát triển bất thường trong lúc bào thai hình thành và phát triển, y văn thế giới ghi nhận chưa nhiều. Người bệnh được bác sĩ tán sỏi bằng phương pháp laser. Sau đó, sử dụng năng lượng khí nén hoặc laser để phá vỡ viên sỏi và bơm rửa và gắp để lấy hết vụn sỏi ra ngoài. Hiện, bệnh nhân đã dần hồi phục.

Cắt bỏ thành công khối u máu gan nặng hơn 5 kg

Ngày 23/3, thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho biết, các bác sĩ ở bệnh viện này vừa tiến hành cắt bỏ thành công khối u máu gan nặng hơn 5kg, kích thước 30cm x 40cm cho một nữ bệnh nhân. Được biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy nhược cơ thể, ăn uống kém, đau bụng âm ỉ kéo dài, bụng căng phình to giống như đang mang thai. Sau mổ, sức khỏe người bệnh ổn định và đã được xuất viện.

 
Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội