Ngày 7/5/1954, cờ Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Đơ Castơri (De Castries) - Ảnh tư liệu
ĐT Việt Nam: Khôn đâu đến trẻ
5 thói quen tăng nguy cơ viêm loét dạ dày
Bệnh gout và những biến chứng cần đề phòng
Những thức trà tốt cho sức khỏe nên thưởng thức hàng ngày
Cách nay gần 5 năm, đúng dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954-2019), chúng tôi vinh dự được đón tiếp Đoàn làm phim Algieri sang Việt Nam để thực hiện bộ phim tài liệu Điện Biên xưa và nay, đồng thời củng cố tư liệu để hoàn thành bộ phim về Việt Nam đổi mới. Điều cực kỳ lý thú là trong đoàn làm phim tài liệu lần này có một thành viên trẻ tên là Zakari Diguer, chủ nhiệm phim, chính là con trai của đạo diễn Richard Diguer - người đã cùng đạo diễn Trần Đắc làm bộ phim Lotus (Bông sen) từng ra mắt công chúng hai nước và thế giới hơn 20 năm trước. Và “Điện Biên chấn động địa cầu” đã thể hiện sinh động qua chi tiết tưởng nhỏ mà không hề nhỏ này, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác trong mối quan hệ hữu nghị, chiến đấu bền chặt giữa Việt Nam và Algeria xa xôi, trong suy nghĩ và việc làm của các thế hệ văn nghệ sĩ hai nước, trong lao động sáng tạo từng giờ, từng ngày.
Trong không khí ấm áp như người nhà gặp lại nhau hôm đó, có khá nhiều câu chuyện liên quan đến những cảnh phim tài liệu thực hiện tại mảnh đất Điện Biên năm xưa và những bước đổi mới, đi lên của Việt Nam hôm nay. Không hiểu sao lúc đó, một thành viên trong đoàn Việt Nam lại nhớ đến và đọc lại để các bạn Algeria cùng nghe những bài thơ nổi tiếng của Việt Nam, ghi đậm dấu ấn trong lòng bạn đọc viết về chiến thắng Điện Biên, về ngày trở lại Điện Biên như “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” (Tố Hữu), “Mộ Bế Văn Đàn” (Xuân Diệu), “Thóc mới Điện Biên” (Chế Lan Viên)… Và mọi người lưu lại khá lâu với câu chuyện liên quan đến hai bài thơ của Anh Ngọc viết về Điện Biên ở hai quãng thời gian khác nhau “Trở lại Điện Biên – lá cờ và ngọn cỏ” (1978) và “Trời Điện Biên mây trắng” (2004) trong những dịp kỷ niệm lớn về cột mốc lịch sử hào hùng của dân tộc.
Nhà thơ Anh Ngọc sinh năm 1943 ở Nghệ An, nghĩa là khi sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra, nhà thơ mới ở tuổi 11 và sau đó nhiều năm được chứng kiến tận mắt đất và người Điện Biên, lịch sử và hiện tại Điện Biên vào năm 1978, lúc 35 tuổi, lứa tuổi trưởng thành. Xa xôi hơn và cũng sẽ háo hức hơn sau khi người cha đến Việt Nam, người con Zakari Diguer đến Điện Biên có lẽ còn trẻ hơn và chắc chắn cũng mang theo nhiều cảm hứng sáng tạo như cha mình, như nhà thơ Anh Ngọc và nhiều người khác. Và ở các góc nhìn riêng có, cách suy nghĩ và hành động độc lập, độc đáo, nhà thơ và nhà làm phim về Điện Biên Phủ hẳn sẽ tạo ra hiệu quả nghệ thuật khác nhau vô cùng thú vị, thi vị trong lòng bạn đọc và công chúng nghệ thuật.
Thật vậy, trong bối cảnh Nhà thơ Anh Ngọc cũng như Nhà làm phim Zakari Diguer đều lần đầu đến Điện Biên, nhưng trong lòng họ thực sự là “Trở lại Điện Biên…” bởi, Điện Biên không hề xa lạ, bởi họ từng gặp, từng nghe, từng học từ thời thơ bé, từng “Nghe tiếng bom và đại bác/Gầm lên từ trang sách học trò” (Anh Ngọc) và với những người bạn Algeria là trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc được gióng lên, được cổ vũ, tiếp sức bởi chiến thắng lừng lẫy địa cầu Điện Biên Phủ, bởi Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp như những ngọn cờ chói lọi.
Nhưng giờ đây, trong mắt nhà thơ Anh Ngọc là một Điện Biên mới lạ và thu hút: “…thấy một vùng cỏ biếc non tơ/Mây trắng bay, mây trắng đến không ngờ/Cành phượng rủ một chùm hoa đỏ chót/Chỉ có thế thôi ư/Mà chính là A1/Mà chính là Him Lam”. Để rồi nhà thơ sẽ tìm thấy, sẽ vẽ nên một sự tương phản, đối lập giữa cái ác và cái thiện, giữa sự hủy diệt nhất thời và sự sống vĩnh cửu, sự vô duyên của phương tiện chiến tranh và sự hồn nhiên, đáng yêu của cuộc sống hàng ngày: “…chiếc xe tăng gỉ hoen nằm trong lúa/Như cục than cháy vùi trong ngọn lửa/Ngọn lửa màu xanh…/Hầm Đơ Caxtơri vừa vặn giữa cung đường/Đi chợ về, chị Thái nghỉ, soi gương…” Nhà thơ Vương Trọng, người đồng nghiệp/đồng đội/đồng hương với Nhà thơ Anh Ngọc, khi bình bài thơ “Trở lại Điện Biên-lá cờ và ngọn cỏ” nêu một khái quát rất đắc địa: “Hình ảnh “cỏ non tơ” được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trong bài thơ này, cùng với mây trắng, lúa xanh…chính là những biểu tượng mang ý nghĩa trường tồn. Còn “ngọn cờ” là biểu tượng của Vinh quang, Chiến thắng và Tổ quốc”.
Để rồi, lần trở lại Điện Biên sau, năm 2004, từ một câu thơ “Mây trắng bay, mây trắng đến không ngờ”, Nhà thơ Anh Ngọc đã viết nên bài thơ “Trời Điện Biên mây trắng” với một tứ thơ đầy ám ảnh, vang ngân, khơi gợi. Còn nhớ, câu thơ “Trời Điện Biên mây trắng” từng được Nhà thơ Trần Hữu Thung viết trong bài thơ nổi tiếng “Anh vẫn hành quân” (1964) trong tư thế “vẫn hành quân”, chợt ngẩng lên và nhìn thấy, nhìn rõ bầu trời Điện Biên lịch sử mây trắng bay đi như giục bước quân hành. Đến lượt Nhà thơ Anh Ngọc cũng ngẩng nhìn mây trắng Điện Biên trong bối cảnh đất nước hòa bình, được thừa hưởng cuộc sống mới, có thời gian để ngẫm nghĩ về những gì đã diễn ra ở vùng đất lịch sử hào hùng này, những gì còn đọng lại theo thời gian, năm tháng trong lòng đất, lòng người và bầu trời cuồn cuộn mây trắng bay không ngừng nghỉ.
Và thật kỳ lạ, rất nhiều năm sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, sau khi đã đọc và ngẫm bài thơ/bài hát nổi tiếng của Trần Hữu Thung/Huy Du, Nhà thơ Anh Ngọc lần trở lại Điện Biên năm xưa vẫn phải thốt lên “Mây trắng bay, mây trắng đến không ngờ”, để từ đó nhìn thấy, suy ngẫm thấy, liên tưởng thấy vô vàn chi tiết, hình ảnh sinh động cũng bất ngờ và thi vị không kém.Được biết, sân thơ Nguyên Tiêu ở Văn Miếu Quốc Tử Giám – Hà Nội hay trên chính mảnh đất Điện Biên từng vang lên bài thơ 5 chữ này do chính Nhà thơ Anh Ngọc đọc tặng bạn yêu thơ.
“Mây trắng đến không ngờ” ấy đã lan tỏa bao thao thức, ngẫm ngợi, đã khiến tâm hồn nhạy cảm của một thi sĩ có thể bắt nhịp được với vô vàn vẻ đẹp chìm sâu và ẩn hiện trong đời sống. Câu thơ “Trời Điện Biên mây trắng” được mở ra liên tiếp đầu các khổ thơ để tạo sự liên hệ máu thịt với màu trắng hoa ban, với chiếc khuy bạc trên áo cô gái Thái, với màu cơm lam, khói bếp trên nhà sàn, với màu khói bom na-pan “đọng đến giờ chưa tan”, với là cờ hàng của giặc, với màu mộ chí, màu tóc trắng trong nghĩa trang và cuối cùng với ám ảnh khôn nguôi về hoa lau trắng bạt ngàn…Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú thật tâm đắc khi bình luận “Tôi hình dung sự láy lại “Trời Điện Biên mây trắng” là một sự chủ ý của nhà thơ tạo ra hợp âm của một cung đàn da diết của những đàn chim tung cánh bay, của những lớp sóng tâm tư lan tỏa. Đó cũng chính là sự ngân vang của một tứ thơ xúc động khi viết về Điện Biên Phủ…”. Hơn nữa, đó còn là sự tiếp nối từ các thế hệ đi trước, để từ bài thơ, Điện Biên mây trắng còn vang xa, bay bổng, còn trường tồn mãi mãi trong đời sống, trong lòng người…
Câu chuyện giữa chúng tôi với những người bạn Algerie cứ kéo dài mãi không dứt và có vẻ cái tứ thơ “Trời Điện Biên mây trắng” đã gợi ra những cảnh phim đẹp, ám ảnh cho bộ phim sắp tới mà bạn sẽ thực hiện trên đất Điện Biên. Chủ nhiệm phim Zakari Diguer tặng chúng tôi một số tấm ảnh chụp Đoàn làm phim hợp tác Việt Nam-Algieri với bộ phim Lotus (Bông Sen) vài chục năm trước mà người bố trao lại như một kỷ niệm không thể phai mờ. Chúng tôi lại cùng nhau chụp những tấm ảnh kỷ niệm mới khi ở Hà Nội, đến Nghệ An thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặc biệt là khi cùng nhau lên Điện Biên, sẽ đến cánh đồng Mường Thanh, Đồi A1, hầm Đơ Castơri (De Castries)…, và hẹn cùng nhau phải chụp được, thể hiện được màu mây trắng bâng khuâng, ám gợi, lan tỏa ở vùng đất lịch sử tầm vóc thế giới này.
Bình luận của bạn