TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)
Tăng cường quản lý nhà nước về ATTP
Cần công khai, minh bạch trong quản lý trang thiết bị y tế
Tăng cường hợp tác để "siết" quản lý TPCN
Thông tư Quy định về quản lý thực phẩm chức năng
Lý giải về việc số ca phát hiện vi phạm về TPCN có xu hướng tăng lên, ông Phong cho biết, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ y tế thì năm 2015 sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và tập trung xử lý vi phạm đối với sản phẩm chức năng. Vì tăng cường thanh kiểm tra nên số vi phạm cũng được phát hiện nhiều hơn.
Trong các sai phạm liên quan đến TPCN, sai phạm về quảng cáo vẫn chiếm đại đa số. Trong đó hai hình thức chính phổ biến nhất, đó là quảng cáo sản phẩm không được cơ quan y tế xác nhận về mặt thẩm định nội dung và quảng cáo sản phẩm không đúng với nội dung mà cơ quan y tế thẩm định. Ví dụ, một sản phẩm có tác dụng tăng sức đề kháng, khi Cục xác nhận thẩm định công dụng như đã công bố, thế nhưng khi quảng cáo thực tế thì lại được thêm hàng loạt công dụng khác. Đó là sai quy định.
Theo TS Phong, việc quảng cáo “thổi phồng” tác dụng của sản phẩm rất nguy hiểm, không chỉ làm người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh.
“Quảng cáo quá mức khiến người tiêu dùng tin theo, lúc họ mắc bệnh thay vì đến bệnh viện, họ lại tin vào quảng cáo dùng sản phẩm đó để chữa bệnh. Hậu quả bệnh bệnh sẽ nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị bệnh, thậm chí với một số bệnh như ung thư sẽ mất đi “cơ hội vàng”, khi bệnh đã bước sang giai đoạn muộn”.
TS Phong cho biết, dù đã tăng cường thanh kiểm tra ráo riết nhưng số vi phạm quảng cáo TPCN vẫn còn rất lớn, chưa kiểm soát xuể. Không chỉ bởi doanh nghiệp muốn bán được nhiều sản phẩm để thu lợi nhuận cao nên phải quảng cáo sản phẩm gian dối, đánh lừa người tiêu dùng mà lực lượng thanh tra của chúng ta còn mỏng và xử lý chưa được mạnh tay, dẫn đến tình trạng “nhờn” và cố tình vi phạm pháp luật của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN.Tuy nhiên, việc xử lý các sai phạm về TPCN sẽ vẫn tiếp tục được tăng cường.
Hiện nay đã có đủ chế tài và mức xử phạt khá cao với những vi phạm này. Theo đó, ngoài xử phạt hành chính với số tiền lớn, cơ quan chức năng có thể áp dụng các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, công bố công khai các sản phẩm, doanh nghiệp vi phạm lên các phương tiên thông tin đại chúng.
Ông Phong cho biết, việc công khai sản phẩm vi phạm đã được thực hiện rất nghiêm túc. "Trên trang website chính thức của Cục ATTP đều công bố công khai các doanh nghiệp, sản phẩm vi phạm và hình thức xử lý nhằm cảnh báo cho cộng đồng. Đối với doanh nghiệp, chúng tôi khuyến cáo, tốt nhất là sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo một cách nghiêm túc. Bởi, để xây dựng thương hiệu cho một doanh nghiệp hay một sản phẩm không phải là dễ dàng. Nếu không kinh doanh nghiêm túc thì sớm muộn cũng bị xử lý, đến lúc đó thương hiệu của doanh nghiệp có lớn như thế nào thì cũng sẽ mất, khó tồn tại được".
Ngoài ra, Cục ATTP sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý như Thanh tra Bộ thông tin truyền thông, các đơn vị phát hành quảng cáo, cơ quan báo chí… thông báo nội dung các sản phẩm được xác nhận thẩm định quảng cáo và đồng thời cũng thông báo cả các đơn vị, sản phẩm vi phạm…
TS Phong cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên chỉ mua TPCN khi có nhu cầu thực sự, mua loại nào cho phù hợp với mục đích nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng hoặc tùy nhu cầu sử dụng. Người tiêu dùng cũng cần ghi nhớ, TPCN không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, vì thế, chỉ dùng để hỗ trợ chứ tuyệt đối không nghe theo lời quảng cáo “đồn thổi” để mua và sử dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Bình luận của bạn